Tận dụng diện tích đất vườn còn trống, anh Nguyễn Văn Trường, xã Xuân Tây, huyện Cẩm Mỹ (tỉnh Đồng Nai) đã dựng chòi thu hút dơi về sinh sống để thu gom phân dơi bán đắt tiền. Với giá bán phân dơi khoảng 40.000- 50.000 đồng/kg. Mỗi năm gia đình anh có lãi trên 100 triệu đồng từ mô hình nuôi dơi.
Mô hình nuôi dơi lấy phân bán của anh Nguyễn Văn Trường, xã Xuân Tây, huyện Cẩm Mỹ (tỉnh Đồng Nai) không chỉ cho lợi nhuận cao, còn góp phần phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm và bảo vệ môi trường tại địa phương.
Mô hình nuôi dơi lấy phân được anh Trường học tập kinh nghiệm nuôi dơi, dụ dơi, làm chuồng nuôi dơi tại miền Tây.
Sau khi học xong anh về áp dụng mô hình nuôi dơi tại gia đình. Hệ thống chuồng dơi được thiết kế theo hình lục giác, trụ cao trên 7m, nóc chuồng lợp bằng lá thốt nốt.
Anh mua dơi giống về, nhốt một thời gian để loài dơi quen với chuồng. Sau đó, đem dơi giống thả để ban đêm. Thế là đàn dơi bay đi ăn và thu hút dơi hoang dã về sinh sống.
Anh Trường chia sẻ: Loài dơi này cũng hiếm nên mình phải chăm sóc và bảo vệ mới được số lượng nhiều.
Quan trong giai đoạn dơi sinh sản, anh Trường phải chăm sóc dơi mẹ và dơi con cho kỹ. Chi phí cho chuồng nuôi dơi thì không cao, nhưng đòi hỏi phải có kỹ thuật lâu dài.
“Quan trọng nữa trong quá trình nuôi dơi là phải chăm sóc theo thời tiết, theo thời vụ không phải giai đoạn nào cũng giống nhau. Đến nay, gia đình tôi có 3 chuồng nuôi dơi với khoảng 30.000 con dơi to, nhỏ. Mỗi ngày đàn dơi thải ra cho gia đình thu gom khoảng 4-5 kg phân dơi. Với giá bán phân dơi khoảng 40.000- 50.000 đồng/kg.
Mỗi năm, sau khi thay lá thốt nốt trên chuồng dơi với chi phí khoảng 18 triệu đồng, gia đình anh Trường có lãi trên 100 triệu đồng từ mô hình nuôi dơi.
Cũng theo anh Trường, dơi là động vật hoang dã, thức ăn chú yếu là muỗi và các loại côn trùng khác nên trong quá trình nuôi, sẽ không tốn chi phí thức ăn.
Bên cạnh đó, phân dơi có nhiều thành phần hóa học vô cơ, hóa học hữu cơ cực tốt cho các loại cây trồng như ure, acid uric, vitamin A, kali,…
Phân dơi là một trong số ít phân động vật có hàm lượng dinh dưỡng rất cao, thích hợp cho nhiều loại cây trồng, không hại đất và cho cây trồng đạt năng suất, chất lượng cao.
Hiện nay, anh Trường đang trồng cây thốt nốt để lấy lá, giảm bớt chí phí mua lá thốt nốt treo chuồng dơi. Đồng thời, anh Trường cũng đang tích cực nhân rộng mô hình mô hình nuôi dơi.
Ông Tống Xuân Tưởng, Chủ tịch nông dân xã Xuân Tây, huyện Cẩm Mỹ (tỉnh Đồng Nai) đánh giá về mô hình nuôi dơi lấy phân đầu tiên tại địa phương rằng: Mô hình nuôi dơi này rất hiệu quả, anh Trường cũng là người tiên phong đưa về Xuân Tây đầu tiên.
Theo ông Tưởng, gia đình anh cũng nuôi dơi lâu nay, địa phương cũng đánh giá đây là mô hình mới có hiệu quả kinh tế.
“Tới đây nếu thấy nuôi dơi lấy phân có hiệu quả kinh tế, địa phương sẽ cho nhân rộng sang các hộ khác.
Nuôi dơi lấy phân là mô hình mới tại địa phương, không tốn nhiều công sức, chi phí và nhiều diện tích đất. Nhưng, để nhân rộng người nuôi dơi cần tìm hiểu hiểu kỹ tập tính, thói quen của loài dơi mới có thể dụ được loại vật nuôi này. Đồng thời, có các biện pháp chăm sóc hợp lý, bảo vệ đàn dơi thì mới mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình
Đinh Tài-ĐTT (Cổng TTĐT huyện Cẩm Mỹ)