Động thái của Ả Rập Saudi trong việc dẫn dắt các quyết định của khối OPEC và các đối tác đã vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ từ phía Mỹ.
Theo CNN, mối quan hệ giữa Mỹ và Ả Rập Saudi là một trong những mối quan hệ quan trọng nhất trên hành tinh. Và gần đây, nó cũng trở thành một trong những mối quan hệ khó xử nhất.
Các quan chức ở Washington đã giận dữ tuyên bố Ả Rập Saudi sẽ chịu “hậu quả” sau khi OPEC cắt giảm mạnh sản lượng dầu vào đầu tháng này, khiến giá nhiên liệu tăng mạnh chỉ vài tuần trước cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ.
Các nhà lập pháp Mỹ đang đe dọa các động thái “không tưởng”, bao gồm cấm bán vũ khí cho Ả Rập Saudi hoặc yêu cầu Bộ Tư pháp Mỹ đệ đơn kiện Ả Rập Saudi và các thành viên OPEC khác.
Riyadh dường như đang mất cảnh giác trước đòn trả đũa từ các chính trị gia Mỹ. Các quan chức Ả Rập Saudi đang ám chỉ tới động thái đáp trả tiếp theo – bao gồm cả việc bán phá giá nợ của Mỹ – và gây ra những ảnh hưởng lớn đến thị trường tài chính và nền kinh tế thế giới.
CNN cho rằng, nếu mối quan hệ kéo dài hàng thập kỷ này tan vỡ hoàn toàn, nó có thể gây ra những hậu quả to lớn cho nền kinh tế thế giới, chưa kể đến an ninh quốc tế.
Thỏa thuận bí mật
Cuộc tranh cãi có liên quan đến một trong những điều khiến cử tri nhức nhối nhất trong thời kỳ ông Biden: Lạm phát và giá xăng cao.
Sau khi cố gắng và thất bại trong việc thuyết phục OPEC tăng sản lượng dầu, Tổng thống Joe Biden đã đảo ngược lời hứa tranh cử năm 2020 của mình. Ông Biden đã đến thăm Ả Rập Saudi vào mùa hè và thậm chí còn “cụng tay” với Thái tử Mohammed bin Salman.
Các quan chức Mỹ cho rằng họ đã đạt được một thỏa thuận bí mật với Ả Rập Saudi về việc thúc đẩy nguồn cung dầu cho đến cuối năm – tờ The New York Times cho biết. Tuy nhiên, họ đã nhầm.
Nhóm OPEC và các đối tác, còn được gọi là OPEC +, đã phản ứng bằng cách chỉ tăng sản lượng dầu lên khoảng 100.000 thùng mỗi ngày – mức tăng thấp nhất trong lịch sử của tổ chức này. Động thái này được nhiều người coi là “cú tát vào mặt” chính quyền ông Biden. Điều tiếp theo dường như còn tồi tệ hơn.
Vào đầu tháng 10, OPEC + đã công bố kế hoạch cắt giảm sản lượng dầu 2 triệu thùng/ngày – một động thái khiến giá dầu và xăng tăng nhanh chóng vào thời điểm lạm phát cao và khiến các chính trị gia Mỹ tức giận.
“Cả hai bên dường như không hiểu nhau,” một chuyên gia nói. “Riyadh đã đánh giá thấp mức độ nghiêm trọng của phản ứng dữ dội từ Mỹ. Và Mỹ cho rằng các bên đã có một thỏa thuận bất thành văn.”
“Đây là động thái chưa từng có và không may. Khi nền kinh tế thế giới ở trên bờ vực suy thoái, thì họ quyết định đẩy giá dầu mỏ lên”.
Quan chức Ả Rập Saudi cáo buộc Mỹ thao túng thị trường
Căng thẳng vẫn chưa giảm bớt và các quan chức hai bên đã chỉ trích nhau gay gắt trong những ngày gần đây. Thậm chí, một trong các quan chức hàng đầu về năng lượng của Ả Rập Saudi đã thay đổi quan điểm về Mỹ chỉ trong 1 thời gian ngắn ngủi.
Trong cuộc họp báo OPEC + vào đầu tháng 10, Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Saudi, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman dường như đã ca ngợi quyết định của ông Biden trong việc giải phóng lượng dầu dự trữ khẩn cấp chưa từng có từ Dự trữ Dầu mỏ Chiến lược của Mỹ.
“Tôi sẽ không gọi đó là một sự thao túng. Trên thực tế, việc này được thực hiện vào thời điểm thích hợp”, Hoàng tử Abdulaziz nói với các phóng viên. “Nếu nó không xảy ra, tôi chắc chắn rằng mọi thứ có thể sẽ khác nhiều so với hiện tại.”
Sau đó 3 tuần, chính vị này lại có cái nhìn khác: “Mỹ đang làm cạn nguồn dự trữ khẩn cấp của họ và sử dụng nó như một cơ chế để thao túng thị trường trong khi mục đích sâu xa của kho dự trữ dầu mỏ là giảm thiểu sự thiếu hụt nguồn cung” – Hoàng tử Abdulaziz nói trong một hội nghị ở Ả Rập Saudi. “Tuy nhiên, nhiệm vụ của tôi là phải nói rõ với thế giới rằng việc mất kho dự trữ khẩn cấp có thể trở nên đau đớn thế nào trong những tháng tới.”
Những động thái trên có nguy cơ biến thành một chu kỳ trả đũa “ăn miếng trả miếng” giữa các bên, làm suy yếu sự ổn định kinh tế toàn cầu trong tương lai, hoặc bất kỳ sự ổn định kinh tế nào ở thời điểm hiện tại.
Các nhà lập pháp từ cả hai đảng lớn của Mỹ đã tăng cường kêu gọi ban hành luật NOPEC (Không Sản xuất và Xuất khẩu dầu mỏ) nhằm trao quyền cho Bộ Tư pháp Mỹ kiện các quốc gia OPEC trên cơ sở chống độc quyền.
Ả Rập Saudi có thể đáp trả các hình phạt từ Washington bằng các động thái quyết liệt của riêng họ, khiến xung đột thêm trầm trọng.
Các quan chức Ả Rập Saudi đã cảnh báo rằng vương quốc này có thể bán trái phiếu kho bạc Mỹ nếu Quốc hội Mỹ thông qua NOPEC.
Ở mức tối thiểu, việc bán phá giá nợ của Mỹ sẽ tạo ra sự bất ổn trên các thị trường vào thời điểm vốn đã rất nguy hiểm. Việc bán tháo sẽ làm tăng lãi suất Kho bạc, làm mất ổn định thị trường và tăng chi phí đi vay cho các gia đình và doanh nghiệp.
Và tất nhiên, tài sản của Ả Rập Saudi cũng sẽ bị thiệt hại trong một vụ mua bán bất thường như vậy.
Theo số liệu của Bộ Tài chính Mỹ, Ả Rập Saudi đang giữ khoảng 119 tỷ USD nợ của Mỹ, trở thành quốc gia nắm giữ nợ Mỹ lớn thứ 16 trên thế giới.
Một rủi ro khác là Ả Rập Saudi – quốc gia dẫn đầu của OPEC + – có thể loại bỏ thêm nguồn cung từ các thị trường dầu thế giới, hoặc ít nhất là từ chối phản ứng với các đợt tăng giá trong tương lai khi phương Tây tiếp tục có động thái trừng phạt Nga.
Việc hạn chế hơn nữa nguồn cung của OPEC sẽ làm tăng giá xăng và làm trầm trọng thêm lạm phát, làm tăng rủi ro suy thoái vốn đã cao.
Tất cả những điều này cho thấy sự đổ vỡ hoàn toàn trong quan hệ giữa Mỹ và Ả Rập Saudi có thể là điều cuối cùng mà nền kinh tế thế giới muốn chứng kiến trong thời điểm hiện tại.
Theo PV–Nhịp Sống Thị Trường