Với 1 lít nọc độc bọ cạp, chủ trang trại thu về 10 triệu USD Lợi nhuận “trên trời” khiến ngành nghề này dần trở nên phổ biến ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Chiết suất nọc độc từ rắn và các loài sinh vật có nọc độc khác trở thành một nghề hốt bạc đối với một số người. Và đó thực sự là những gì mà người đàn ông có tên Metin Orenler ở Thổ Nhĩ Kỳ đang làm.
Trang trại của Orenler có khoảng 20.000 con bọ cạp thuộc giống Androctonus turkiyensis – một trong những nhóm bọ cạp có nọc độc nguy hiểm nhất thế giới, được nuôi trong những chiếc hộp trong suốt trong một tòa nhà giống như một phòng thí nghiệm khoa học. Mỗi con bọ cạp tạo ra khoảng 2 miligam nọc độc mỗi ngày. Chúng được lấy bằng cách thủ công, sử dụng một chiếc nhíp và kẹp, trước khi được phơi khô và đem đi xuất khẩu.
Orenler cho biết: “Chúng tôi đông lạnh nọc độc đã thu được, sau đó biến chúng thành bột và bán sang châu Âu.”
Theo đó, phòng thí nghiệm nhân giống của Orenler mở cửa vào năm 2020, hiện có khoảng 20.000 con bọ cạp. Chủ trang trại cho biết một lít nọc độc của loại bò cạp này có giá trị lên đến 10 triệu USD. Không chỉ nguy hiểm, loại nọc độc này còn được xem là chất lỏng đắt nhất hành tinh.
”Chúng tôi bắt đầu công việc này vào năm 2000. Tất cả mọi quy trình đều được cấp phép. Trang trại của tôi là nơi duy nhất ở Thổ Nhĩ Kỳ có chứng chỉ chăn nuôi bọ cạp. Tôi đã mất khoảng một năm để có được giấy phép. Sau đó, tôi thu được khoảng 100 cá thể bò cạp từ tự nhiên. 1-2 năm sau đó, chúng tôi đã có thể tiến hành lấy nọc độc và bán cho các thị trường mà chúng tôi đã nghiên cứu trước đó”, Orenler chia sẻ.
Doanh nhân này cũng cho biết, việc xuất khẩu sang Pháp, Anh, Đức và Thụy Sĩ giúp công việc kinh doanh của ông phát triển mạnh. Đồng thời tiết lộ thêm rằng nọc độc này được sử dụng để điều chế mỹ phẩm, thuốc giảm đau và kháng sinh. Trang trại của Orenler để nuôi, nhân giống và lấy nọc độc của bọ cạp. Đây là một công việc cực kỳ khó khăn và nguy hiểm.
“Cho bọ cạp ăn và lấy nọc độc là một vấn đề quan trọng và nhạy cảm. Chúng tôi cho bọ cạp ăn giống như cách nuôi trong môi trường tự nhiên. Việc lấy nọc được thực hiện rất tỉ mỉ, nếu lấy quá nhiều sẽ làm chết bọ cạp, nhưng nếu lấy ít quá sẽ không đảm bảo chất lượng của chất độc. Chúng tôi đang làm việc với Đại học Harran để có thể nuôi loài vật này một cách tốt nhất” , ông nói.
Orenler tiết lộ anh không phải là người duy nhất kinh doanh nọc độc bọ cạp ở Thổ Nhĩ Kỳ. Các nhà cung cấp nọc bọ cạp đã xuất hiện khắp nơi trên thế giới vì lợi nhuận khổng lồ mà ngành nghề này mang lại. Một số công ty mỹ phẩm hiện đang thêm nọc bọ cạp hoặc các chất chiết xuất từ nó vào các sản phẩm của họ, khẳng định kết quả gần giống như phép màu từ công thức pha chế.
Volker Herzig, phó giáo sư tại Đại học Sunshine Coast hiện đang có khoảng 160 đến 170 loại nọc bọ cạp khác nhau, cho biết: ” Giống như các loại nọc độc khác, nọc bọ cạp chứa rất nhiều peptit và protein khác nhau có thể được phân lập và kiểm tra. Chúng có thể độc hại đối với một số côn trùng, nhưng cũng có thể có tác dụng tích cực đối với một số động vật như con người.”
Nhóm của ông đang nghiên cứu ngân hàng nọc độc của mình để kiểm tra khả năng sử dụng trong các biện pháp kiểm soát sinh học chống lại côn trùng và ký sinh trùng trong không gian nông nghiệp và thú y.
Dẫu lợi nhuận cao song đối tượng và thị trường cuả ngành nghề này còn chưa được mở rộng. Công ty Latoxan của Pháp là một trong những nhà sản xuất nọc rắn và bọ cạp nổi tiếng nhất trong thế giới. Khách hàng của họ chủ yếu là những phòng nghiên cứu, mua nọc độc và sử dụng chúng để nghiên cứu và điều chế các sản phẩm thuốc chống ung thư, bệnh viêm và viêm khớp. Phía công ty cho biết:
“Có rất nhiều câu hỏi đặt ra ở đây: Các tính năng chính của nọc độc là gì? Khối lượng phân tử nào? Độ tinh khiết? Ứng dụng sinh học của chúng?… Sẽ không ai mua nọc độc mà không biết về những điều này, ví dụ những người dân. Trong trường hợp họ muốn mua chúng, họ cũng sẽ tìm đến những đơn vị đáng tin cậy, không phải từ những người buôn bán nghiệp dư.
Vấn đề thứ hai là lượng nọc bọ cạp tiêu thụ trên thế giới gần như không cao như mọi người vẫn nghĩ. Một số nhà nghiên cứu thậm chí không mua nọc độc từ chúng tôi, bởi vì họ thích sử dụng bọ cạp của chính mình và tự vắt lấy nọc độc.”
(Theo abc.net.au; reachmarkets.com.au;sputniknews)
Ánh Lê–Nhịp sống thị trường