Chúng tôi đang nói tới chính quyền Quận 2, nay là UBND TP. Thủ Đức 9(TP. HCM) và người bị chiếm đoạt tài sản là ông Hoàng Đôn Thận, một “đặc tình cao cấp của cơ quan điệp báo khu 8”.
Theo xác nhận của Đại tá Nguyễn Thạch Bích, Nguyên Phó giám đốc thường trực Công an Tiền Giang, nguyên Phó trưởng tiểu ban Điệp báo – Ban an ninh khu Trung Nam bộ thời chống Mỹ thì ông Hoàng Đôn Thận “đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thu thập tin tức tình báo theo yêu cầu của điệp báo khu 8 và tình báo Trung ương”. Và câu chuyện “không thể tin được” dưới đây, kể ra thật đau lòng.
Khi chính quyền “đâm sau lưng chiến sỹ”.
Là một đặc tình cao cấp của mạng lưới tình báo cách mạng nhưng trong vai một sỹ quan chế độ Sài Gòn, ông Hoàng Đôn Thận có mua cho mình hơn 2,3 ha đất ở xã An Phú – Thủ Đức vào năm 1966. Ngay sau ngày giải phóng, ngày 09/6/1975, vì tin tưởng và tôn trọng chính quyền, ông đã làm đơn gửi chủ tịch Xã An Phú “xin phép canh tác hoa màu” trên các lô đất mà ông có đầy đủ giấy tờ hợp pháp. Và chủ tịch xã An Phú đã xác nhận: “Chấp thuận ông Hoàng Đôn Thận, chủ lô đất số 188, diện tích 1,89 ha được canh tác trồng hoa màu phụ, không được phát triển quy mô. Trong khi chờ đợi sự khuếch trương chung của Chánh phủ”. Rõ ràng, ngay từ thời điểm đó, chính quyền xã An Phú đã biết rõ khu đất này có chủ hợp pháp, và nó là “vườn xoài Ngã ba Cát Lái” – Theo cách nói cư dân ở đây. Đất có trồng xoài, vườn rau, ao cá theo sự chấp thuận “không được khuếch trương” của chủ tịch xã Nguyễn Hữu Thịnh thời đó, không phải là vùng đất trống.
Việc nhà tạm xong, ông gác lại để tiếp tục tham gia việc nước. Theo sự sắp xếp của tổ chức, ông tự nguyện xin đăng ký đi học tập cải tạo như một sỹ quan ngụy bình thường để, như sau này ông thổ lộ, ông được giao nhiệm vụ tìm hiểu kế hoạch hậu chiến từ trong nội bộ những sỹ quan ngụy cùng cải tạo. Ở trong trại ông cũng đăng ký kê khai đất đai theo chỉ thị 299/TTg của Thủ tướng Chính phủ như tất cả. Có thể nói rằng, vì việc nước ông vẫn không quên việc nhà, không quên trách nhiệm của một công dân theo yêu cầu của chính quyền cách mạng.
Ông không quên nhưng chính quyền quên, nếu như không bảo rằng họ “đâm sau lưng chiến sỹ”. Trong những ngày vắng ông, lãnh đạo xã An Phú đã âm thầm cho người vào chặt xoài, lấp ao, phá vườn chiếm đất của ông. Trắng trợn hơn, khi ông khiếu nại, một mặt họ vui vẻ nhận đơn đòi đất của ông, mặt khác họ âm thầm ra văn bản xác nhận rằng những lô đất mà ông đang liên tục đòi lại kia “không có tranh chấp”, để rồi cấp sổ đỏ, sổ hồng cho những kẻ chiếm đoạt.
Chứng thực cho điều này, chúng tôi xin đưa ra một dẫn chứng cụ thể: Ngày 04/12/2003, UBND phường An Phú có viết giấy Biên nhận hồ sơ số 933 của ông Hoàng Đôn Thận về việc “xin cấp quyền sử dụng đất”. Đây là một trong những biên nhận sau hàng loạt đơn khiếu nại trước đó của ông. Vậy mà, chỉ ngay sau đó, chính UBND Phường này đã ký giấy xác nhận “đất không có tranh chấp”, để mấy tháng sau, ngày 30/7/2004, Phó chủ tịch UBND Q.2 Thái Thị Hạnh cấp sổ hồng cho gia đình ông Bùi Phú Dũng ngay trên chính khu đất mà ông Thận đang xin lại. Mấy tháng sau, hàng loạt sổ hồng, sổ đỏ khác cũng được bà Thái Thị Hạnh ký cấp cho nhiều người khác trên cùng khu đất ấy. Đau lòng hơn nữa là, mặc dù đã cấp sổ đỏ tràn lan cho rất nhiều người như thế trên chính 3 khu đất mà ông Thận đang khiếu nại nhưng nhiều năm sau đó, họ không hề thông báo cho ông biết, vẫn vui vẻ tiếp ông, ghi nhận khiếu nại của ông, coi như không có chuyện gì xẩy ra trên khu đất mà ông đang xin lại rồi…im lặng, từ năm này qua năm khác. Việc làm khuất tất này của chính quyền Q.2 chúng tôi mới biết vào giữa tháng 5 này – tháng 5 năm 2022. Thật là buồn cho một con người đã từng nhiều năm sẵn sàng hy sinh thân mình cho cách mạng!
Cũng xin được nói thêm là, không cần đến xác nhận của bất kỳ ai, với một lịch sử khiếu nại liên tục như thế của ông Hoàng Đôn Thận, UBND Q.2 thừa biết và có trách nhiệm phải biết những phần đất này đang có tranh chấp nên không thể cấp sổ đỏ cho bất kỳ ai. Biết và phải biết nhưng bất chấp, UBND Q.2 đã gây ra hậu quả khó gỡ cho chính bản thân mình, cho Gia đình ông Hoàng Đôn Thận và cho chính những người được cấp sổ hồng, sổ đỏ.
Khó gỡ nhưng phải gỡ, bản chất của một nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa như nhà nước chúng ta không cho phép những việc làm bất chấp luật pháp như thế ngang nhiên tồn tại mãi. Không ai, không một vụ việc nào được phép “hạ cánh an toàn” sau những vi phạm pháp luật trong quá khứ. Bởi vậy, chúng tôi xin kiến nghị:
- Trên 3 thửa đất kể trên của ông Hoàng Đôn Thận, hiện các thửa đất 26-1; 26-2; 30-1; 33-1; 34-1; 47-1 tờ bản đồ số 15 với tổng diện tích hơn 7000 m2 vẫn còn trống, chưa xây dựng nhà cửa. Nếu các thửa này đã bị cấp sổ đỏ cho người khác, xin đề nghị hủy và cấp lại chủ quyền cho gia đình ông Hoàng Đôn Thận. Nếu chưa cấp cho ai, xin cấp ngay chủ quyền cho bà Hồ Mỹ Lệ, người thừa kế duy nhất của ông Thận.
- Với những hộ chiếm đất và đã xây dựng nhà trên 3 thửa đất kể trên của ông Thận, đề nghị chính quyền TP. Thủ Đức buộc họ phải thương lược đền bù một phần giá trị đất mà họ đang chiếm dụng bất hợp pháp của gia đình ông Thận.
Hai kiến nghị mà chúng tôi vừa nêu hoàn toàn phù hợp với pháp luật, phù hợp với tinh thần công văn của Tổng cục quản lý đất đai – Bộ tài nguyên và Môi trường: “…các thửa đất nêu trên mà ông có giấy tờ hợp pháp về thừa kế thì thuộc trường hợp được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, được pháp luật bảo vệ trong trường hợp bị lấn chiếm hoặc Nếu nhà nước thu hồi đất thì thuộc trường hợp được bồi thường về đất. Trường hợp xác định khu đất nêu trên thuộc trường hợp đất đã được giao theo quy định của nhà nước cho người khác sử dụng trong quá trình thưc hiện chính sách đất đai theo quy định tại Khoản 5, Điều 26 Luật Đất đai thì ông không được công nhận quyền sử dụng đất nhưng được bồi thường theo quy định của pháp luật.”.
Vâng, hoàn toàn phù hợp, không chỉ với pháp luật mà còn là với đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc chúng ta
Một chính quyền hơn 40 năm im lặng!
Như chúng tôi đã đề cập, cuối năm 1981, ngay sau khi ra trại, trở về khu đất của mình, ông đã tận mắt chứng kiến nhiều người phá vườn, lấp ao, chặt xoài của ông, dựng nhà dựng cửa. Nếu là một người thiếu tôn trọng pháp luật, không tin tưởng chính quyền, ông đã thuê người dùng gậy gộc đánh đuổi những kẻ phá hoại hoa màu chiếm đất của ông bởi ông có quyền làm điều đó. Ông đã không làm như vậy. Ông làm đơn gửi chính quyền, từ xã An Phú tới huyện Thủ Đức. Gửi mãi, khiếu nại mãi không ai trả lời mà họ chỉ chuyển đơn qua lại. Năm 1990, ông làm ngay “Phương án đầu tư xây dựng và kinh doanh làng du lịch thôn dã” ngay trên khu đất của mình gửi UBND Thủ Đức xin phép được triển khai với hy vọng chính quyền dễ chấp nhận hơn. Vẫn thế, chính quyền vẫn im lặng. Còn ông, vẫn thế, tôn trọng pháp luật và tin tưởng chính quyền, tiếp tục gửi đơn khắp nơi và chờ đợi từ năm này qua năm khác.
Trong những ngày này, cùng với việc làm đơn xin cấp sổ đỏ cho những phần đất còn trống, chưa bị chiếm đoạt trong hơn 2,3 ha kể trên, bà Hồ Mỹ Lệ cũng đã làm đơn khiếu nại, tố cáo chính quyền tiếp tay cho người khác tước đoạt bất hợp pháp tài sản của chồng mình. Bà uất ức: “Trong những năm tháng hoạt động điệp báo trong lòng địch, chồng tôi đã sẵn sàng đánh đổi không chỉ mạng sống của mình và vợ con mà còn là tất cả những gì mình có nếu chẳng may bị chính quyền Sài Gòn phát hiện. Chế độ cũ đã không lấy được gì từ ông. Vậy mà, hòa bình lập lại, cái chính quyền mà ông đã từng sẵn sàng hy sinh vì nó đó lại bất chấp luật pháp tước đoạt tài sản của ông dễ dàng như vậy hay sao? Thiên lý nào như vậy?”
Vâng, không thể có thiên lý nào như vậy. Một nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa, một nhà nước luôn đề cao đạo lý “uống nước nhớ nguồn” như đất nước chúng ta không thể nào để cho điều này tồn tại được.
Theo NCT