Các nhà kinh doanh ngũ cốc đang đạt được lợi ích từ cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu khi nhu cầu đối với mặt hàng này từ khắp nơi trên thế giới dâng cao. Những ông lớn hàng đầu thế giới cho biết họ đang ghi nhận lợi nhuận tăng gấp đôi so với cùng kì năm trước.
Mới đây, một số công ty ngũ cốc lớn nhất thế giới đã công bố lợi nhuận tốt hơn mong đợi và nâng cao triển vọng tài chính của họ trong năm nay. Họ đang phát triển mạnh do tình trạng thiếu cây trồng và biến động trên toàn cầu.
Hai trong số những gã khổng lồ lớn nhất thống trị hoạt động kinh doanh và chế biến ngũ cốc toàn cầu là Archer Daniels Midland (ADM) và Bunge đều có trụ sở tại Mỹ đã cho biết trong tuần này rằng bất chấp lo ngại về suy thoái kinh tế, nhu cầu về nhiên liệu sinh học và thức ăn chăn nuôi của họ vẫn ghi nhận ở mức cao.
Giá năng lượng cao hơn đang thúc đẩy nhu cầu đối với nhiên liệu sinh học của các nhà chế biến hạt có dầu. Việc Nga xung đột với Ukraine đã làm gián đoạn nguồn cung từ một trong những khu vực xuất khẩu ngũ cốc hàng đầu thế giới, đẩy giá lúa mì và ngô lên cao. Thời tiết xấu ảnh hưởng đến các quốc gia sản xuất cây trồng lớn khác cũng đang làm giảm lượng dự trữ và các nhà điều hành ngành nông nghiệp cho biết sẽ cần ít nhất hai năm vụ mùa tốt ở Bắc và Nam Mỹ để giải tỏa nguồn cung lương thực eo hẹp.
Tập đoàn ADM cho biết vào ngày 25/10 vừa qua rằng trong quý 3, công ty đã ghi nhận lãi tăng gần gấp đôi so với cùng kì năm trước. Công ty báo cáo thu nhập 1,03 tỷ USD, tăng từ 526 triệu USD trong cùng kỳ năm ngoái.
Bunge cũng đã nâng dự báo thu nhập cả năm lên 13,50 USD/cp vào thứ Tư, sau khi công bố thu nhập và doanh thu tốt hơn mong đợi trong quý thứ ba. Cổ phiếu của Bunge đã tăng 7% vào thứ Tư và cổ phiếu của ADM đã tăng hơn 38% trong năm dương lịch này, bất chấp chỉ số chứng khoán S&P 500 giảm 18%.
Các nhà kinh doanh ngũ cốc như ADM, Bunge và công ty tư nhân Cargill có xu hướng nhận được sự thúc đẩy từ việc giá hàng hóa tăng cao, xung đột địa chính trị hoặc các yếu tố thời tiết khắc nghiệt dẫn đến biến động nhiều hơn trên thị trường hàng hóa.
Giám đốc điều hành ADM, ông Juan Luciano cho biết trong một cuộc gọi với các nhà phân tích trong tuần này. “Chúng tôi dự đoán nhu cầu sẽ còn gia tăng liên tục đối với các sản phẩm của chúng tôi.”
Một thỏa thuận giữa Nga và Ukraine để tiếp tục xuất khẩu ngũ cốc từ Biển Đen đã đạt được vào mùa hè này và đã giúp xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp của Ukraine phục hồi về mức trước chiến tranh, các giám đốc điều hành ngành nông nghiệp cho biết. Điều đó đã giúp giảm bớt áp lực lên giá lương thực toàn cầu.
Tuy nhiên, các vấn đề về nguồn cung vẫn tồn tại do cơ sở hạ tầng đã bị hư hại nặng nề, dòng chảy thương mại bị đứt gãy và điều kiện phát triển kém ở các khu vực khác trên thế giới.
Giá lúa mì tương lai tại Hội đồng Thương mại Chicago tăng khoảng 12% trong 12 tháng qua, trong khi giá ngô tăng khoảng 26% và đậu tương tăng khoảng 12%.
Các nhà giao dịch ngũ cốc toàn cầu cũng đang phải đối mặt với đồng USD mạnh và mực nước thấp hơn ở sông Mississippi đang ảnh hưởng đến xuất khẩu ngũ cốc từ Mỹ. Mực nước thấp do thiếu mưa vào đầu năm nay đã làm ngưng trệ một số tuyến giao thông thương mại xuống sông khiến việc vận chuyển hàng hóa trở nên tốn kém hơn trong những tuần gần đây.
ADM cho biết mực nước thấp hơn ở sông Mississippi sẽ làm giảm khối lượng xuất khẩu đậu tương của họ ở Bắc Mỹ trong năm nay. Bởi vậy xuất khẩu ngô từ Bắc Mỹ có thể sẽ bị trì hoãn cho đến quý đầu tiên của năm 2023.
Ông Alex Sanfeliu, người điều hành nhóm thương mại thế giới của Cargill cho biết một số quốc gia đang phát triển đang cắt giảm việc mua ngũ cốc đắt tiền hơn của Mỹ do đồng USD mạnh và chuyển sang các lựa chọn thay thế rẻ hơn, chẳng hạn như gạo.
Ông Augusto Bassanini, Giám đốc điều hành của United Grain, nhà xuất khẩu ngũ cốc có trụ sở tại Washington cho biết xuất khẩu lúa mì của công ty ông giảm khoảng 10% so với một năm trước khi các quốc gia như Thái Lan và Philippines quay trở lại mua ngũ cốc đắt tiền hơn của Mỹ.
Đại diện ADM và Bunge cho biết họ đang vượt qua sự sụt giảm xuất khẩu và trong một số trường hợp họ lại đang được hưởng lợi. Các quan chức của Bunge và ADM nói với các nhà phân tích rằng họ đang vận chuyển nhiều hàng hóa hơn từ Nam Mỹ. Việc đậu nành đang được chất đống tại Mỹ và không thể xuất khẩu giúp các công ty mua và chế biến chúng với giá rẻ hơn.
Theo WSJ, Reuters, Bloomberg-Như Quỳnh–Nhịp sống thị trường