Các món ăn truyền thống của người Ê Đê đang mất dần trong mâm cơm thường ngày. Giới trẻ dân tộc Ê đê hiếm có người biết nấu. Và đó là lí do thôi thúc H’Ruen Niê (SN 1996) muốn giữ gìn văn hóa ẩm thẩm của cha ông.
Ngôi nhà sàn gỗ lâu năm của gia đình H’Ruen Niê nằm ở cuối buôn Emấp, thị trấn Ea Pốk, huyện Cư Mgar, tỉnh Đắk Lắk. Ngồi bên gian bếp phía cuối nhà sàn, H’Ruen cặm cụi chế biến những món ăn truyền thống cho một hộ dân trong buôn đặt để đãi khách. Mùi thơm của món canh bột lá yao lan tỏa khắp ngôi nhà.
Đối với bà con dân tộc Ê đê mà nói, canh bột lá yao có ý nghĩa rất quan trọng, nó tượng trưng cho sự ấm cúng, sum vầy. Nó khiến cho những người xa quê lâu ngày háo hức, mong được trở về quây quần bên gia đình để được thưởng thức canh bột lá yao sau một năm lao động vất vả. Vì thế, canh bột lá yao chính là món ăn đoàn viên, đoàn kết trong những ngày lễ, Tết của người Ê đê.
H’Ruen vừa khuấy đều tay món canh đang còn nóng hổi trên bếp vừa giải thích, canh bột lá yao có vị đắng của các loại rau rừng, mùi thơm của lá yao – loại lá chỉ có ở trên rẫy, trong rừng. Lá yao nấu canh bột phải là những lá vừa già tới, có màu xanh đậm để khi nấu với bột gạo tạo thành màu xanh bắt mắt. Quy trình chế biến món “canh đoàn viên” cũng rất kỳ công, đầu tiên phải ngâm gạo, để ráo nước, rồi giã chung gạo với lá yao cho đến khi bột mịn đều mới thả vào nồi nước đang sôi khuấy đều tay cho đến khi bột chín tới. Sau đó, cho rau rừng vào nồi, nêm nếm gia vị.
“Ngày xưa, phụ nữ Ê đê ai cũng biết nấu món canh đặc biệt này, nhưng giờ cuộc sống hiện đại, người dân theo cơ chế thị trường, các món ăn truyền thống mất dần trong mâm cơm thường ngày, giới trẻ dân tộc Ê đê hiếm có người biết nấu. Điều đó càng thôi thúc tôi phải giữ gìn văn hóa ẩm thẩm của cha ông”- H’Ruen chia sẻ.
Ẩm thực của người Ê Đê là sự hòa trộn tinh tế của thảo dược, gia vị và thực phẩm tươi sống, với những phong cách nấu nướng đặc biệt
Cô gái trẻ chia sẻ, ẩm thực của người Ê Đê là sự hòa trộn tinh tế của thảo dược, gia vị và thực phẩm tươi sống, với những phong cách nấu nướng đặc biệt. Mùa nào thức ấy thể hiện sự thích nghi mang tính chủ động, cách ứng xử của con người đối với môi trường tự nhiên. Tới bây giờ, các món dân dã ấy đã trở thành đặc sản riêng mang đậm hương vị độc đáo của núi rừng.
H’Ruen sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân tại buôn Mấp, thị trấn Ea Pốk. Từ nhỏ, H’Ruen đã thích nấu ăn. Mỗi lần bà, mẹ vào bếp, H’Ruen xung phong phụ giúp, rồi được dạy cách chế biến món ăn. Từ đó, H’Ruen “làm bạn” với gian bếp nhỏ, biến những loại rau củ quả cây nhà lá vườn thành những món ăn đậm chất truyền thống. Ngoài những món ăn quen thuộc được bà, mẹ chỉ dạy, H’Ruen còn tìm hiểu thêm các món ăn, cách chế biến khác để bổ sung vào “bộ sưu tập” món ăn buôn làng. Mỗi khi nấu xong, H’Ruen hay chia sẻ lên trang facebook cá nhân. Không ngờ, nhiều người yêu thích, nhờ H’Ruen nấu giúp.
Mong muốn nhiều người biết đến ẩm thực đặc trưng của dân tộc mình, lan tỏa và khơi dậy giá trị truyền thống đến giới trẻ người Ê đê, năm 2019, H’Ruen bắt đầu nhận đặt hàng online các món ăn truyền thống. Mỗi lần nấu, H’Ruen đều quay lại hình ảnh, đăng tải công khai trên mạng xã hội và rất may được nhiều người yêu thích. Hiện tại kênh Tiktok của cô nhận được gần 10 nghìn người theo dõi với hàng chục video về cách chế biến các món ăn truyền thống, trang Facebook cá nhân gần 30.000 người theo dõi khi lan tỏa mạnh mẽ văn hóa Ê Đê.
“Tiếng lành đồn xa”, nhiều nhà hàng đã mời cô gái trẻ đến chế biến món ăn phục vụ khách du lịch. Ngày càng có nhiều người đặt cô làm món ăn truyền thống, trong đó, có rất nhiều người dân tộc khác. Điều đáng quý là nhiều chị em phụ nữ trong buôn, trong đó có nhiều bạn trẻ đã đến nhờ H’Ruen chỉ cách nấu những món ăn truyền thống, rồi nhắn tin, gọi điện hỏi cô công thức để chế biến.
H’Ruen đang dự định cải tạo lại ngôi nhà sàn của gia đình để phục vụ các đoàn khách du lịch trải nghiệm món ăn. Cô tự tin rằng, chỉ cần mỗi người con Ê Đê ý thức được trách nhiệm của mình, ẩm thực nói riêng và văn hóa nói chung sẽ luôn được truyền lửa từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Theo PNVN