Theo Phạm Đình Ngãi – Founder kiêm CEO của startup Sokfarm, sở dĩ doanh nghiệp của anh vẫn chưa đi gọi vốn là vì nó còn nhỏ và của cộng đồng chứ không phải của riêng anh, nên cần nhiều sự cân nhắc. Còn theo chị Nguyễn Phi Vân – Chuyên gia nhượng quyền kiêm Nhà đầu tư ‘thiên thần’ nổi tiếng ở Việt Nam, nguyên do cốt lõi là bởi sự thiếu lòng tin giữa Founder và Nhà đầu tư.
Việt Nam là một nước nông nghiệp lâu đời. Theo Câu lạc bộ Sáng tạo khởi nghiệp (SKC) do Trung tâm BSA sáng lập và vận hành, chuyên tập trung hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp lĩnh vực nông nghiệp tại Việt Nam, đã có gần 1.100 doanh nghiệp khởi nghiệp mảng nông nghiệp ra đời trong 10 năm trở lại đây.
Vậy nhưng, hằng năm, trong các cuộc thống kê những startup được đầu tư nhiều nhất năm, tuyệt nhiên không thấy bất cứ cái tên nào trong lĩnh vực nông nghiệp. Ở 5 mùa của chương trình Shark Tank Việt Nam, rất ít startup trong mảng nông nghiệp lên gọi vốn và thuyết phục được các ‘Cá mập’ đồng ý rót vốn, rồi thành công nhận được vốn càng hiếm.
Vậy lý do vì sao lại thế? Phải chăng các startup Việt Nam không muốn đi nhanh và đi xa hay họ đã có nhiều tiền nên không cần tiền nữa?
Để có cái nhìn khách quan, chúng tôi đã phỏng vấn anh Phạm Đình Ngãi – Founder kiêm CEO của startup Sokfarm; chị Nguyễn Phi Vân – Chuyên gia nhượng quyền kiêm Nhà đầu tư ‘thiên thần’ nổi tiếng ở Việt Nam; và bà Vũ Kim Anh – Phó Giám đốc BSA, người hỗ trợ giới khởi nghiệp.
SOKFARM CHƯA GỌI VỐN VÌ CÒN NHỎ
Sokfarm được thành lập năm 2019 bởi vợ chồng Phạm Đình Ngãi và Thạch Thị Chal Thi (người Khmer) tại Trà Vinh. ‘Sok’ trong tiếng Khmer có nghĩa là ‘hạnh phúc’ và hiện 90% lao động của startup này là người Khmer.
Kể từ năm 2020 đến nay, dự án Mật hoa dừa Sokfarm đã đạt kha khá giải ở các cuộc thi khởi nghiệp: Giải nhất “Dự án khởi nghiệp sáng tạo thanh niên nông thôn năm 2020” do Trung ương Đoàn TNCS HCM phối hợp cùng BSA tổ chức, Giải nhì Doanh nhân cộng đồng 2022… Họ còn là doanh nghiệp duy nhất tại Việt Nam đạt giải thưởng ASEAN Business Awards hạng mục Inclusive Business – Doanh nghiệp phát triển bao trùm năm 2021.
Dù nổi đình đám như thế, nhưng Sokfarm vẫn chưa gọi vốn. Lý giải về vấn đề này, anh Phạm Đình Ngãi – CEO của Sokfarm cho hay: “Không giống như các sản phẩm công nghệ, chỉ có vòng đời từ 3 đến 5 năm, các sản phẩm nông nghiệp có khi có vòng đời tới 100 năm. Vậy nên, thường thì các startup nông nghiệp sẽ không vội vàng trong chuyện gọi vốn; ngược lại, các nhà đầu tư cũng không thấy nhiều sự hấp dẫn, bởi các sản phẩm nông nghiệp thường tăng trưởng chậm.
Hơn nữa, ví dụ như Sokfarm không chỉ là doanh nghiệp của một mình vợ chồng tôi mà gần như là của cộng đồng. Chúng tôi muốn thay đổi bộ mặt nông thôn và đóng góp để khiến đời sống của người nông dân Trà Vinh tốt lên. Các nhà đầu tư thường ưu tiên lợi nhuận, còn các startup nông nghiệp bền vững còn ưu tiên nhiều thứ khác. Vậy nên, các founder khởi nghiệp nông nghiệp thường sẽ rất thận trọng khi kêu gọi đầu tư”.
Về phần Sokfarm, sở dĩ vợ chồng anh chưa kêu gọi đầu tư bởi doanh nghiệp của mình còn nhỏ. Trong năm nay và năm tới, Sokfarm đang có kế hoạch sẽ mở rộng thị trường ở Việt Nam và cả xuất khẩu, lúc đó doanh nghiệp cần trang bị thêm nhà xưởng – máy móc. Vậy nên, anh cho biết là mình đang chuẩn bị tìm hiểu về kêu gọi vốn, để có thể thực hiện trong vài năm tới, khi cần thiết.
Làm rõ hơn vấn đề, bà Vũ Kim Anh – Phó Giám đốc BSA, cho biết: một trong những nguyên nhân khiến các startup nông nghiệp ít đi gọi vốn, là bởi hầu hết Founder không rành rẽ chuyện gọi vốn.
“Ví dụ trong 4 Founder đang ngồi ở tọa đàm ‘Khởi nghiệp xanh – hành trình kiến toạ những doanh nông trẻ’ đến từ Tây Cát, Sokfarm, Mật dừa nước Ông Sáu hay Bột rau Quảng Thanh, không ai có background về tài chính cả. Người thì kỹ sư công nghệ, người cơ khí…”, bà Vũ Kim Anh cho hay. Ngoài ra, các startup nông nghiệp cũng được các tỉnh thành và tổ chức phi Chính phủ hỗ trợ nhiều về vốn.
NGUYÊN NHÂN QUAN TRỌNG: NIỀM TIN GIỮA CÁC FOUNDER VÀ NHÀ ĐẦU TƯ KHÁ THẤP
Là một người hỗ trợ các bạn trẻ khởi nghiệp trong BSA rất nhiệt tình và cũng đã hoạt động lâu trong ngành đầu tư tại Việt Nam, chị Nguyễn Phi Vân có rất nhiều tâm tư.
Theo chị, tại Việt Nam, giới khởi nghiệp không hề thiếu vốn, mà vấn đề là doanh nghiệp đã sẵn sàng nhận vốn hay chưa?
Để minh họa cho thực trạng vì sao các startup Việt – đặc biệt trong ngành nông nghiệp, rất khó kêu gọi vốn để scale-up (tăng trưởng quy mô), chị Nguyễn Phi Vân đã đưa ra 1 case-study về chuỗi trà sữa có tầm 100 cửa hàng tại miền Tây mà chị vừa rót vốn.
Cách đây 3 năm, Founder chuỗi trà sữa đó có đến gặp chị và có đề nghị chị đầu tư để cùng nhau mở rộng chuỗi. Lúc đó, chị Nguyễn Phi Vân có hứa với founder đó là: “Nếu 3 năm nữa em chưa chết và dùng tất cả nguyên liệu từ nông sản Việt Nam, thì hãy lại tìm đến với chị”.
Mới đây, sau 3 năm, founder chuỗi trà sữa đó đã quay lại nói rằng: em vẫn còn sống và hiện có 100 cửa hàng ở khắp miền Tây, doanh thu tốt – lợi nhuận dương.
“Ngoài lời hứa cách đây 3 năm, sở dĩ tôi chọn đồng hành với founder này là bởi chính bản thân bạn ấy tự nhận ra: sẽ không scale-up được nếu làm theo cách cũ từ trước tới giờ mình đang làm. Nôm na là bạn founder đó đủ khiêm tốn! Với các dự án khởi nghiệp trong mảng nông nghiệp, khi muốn scale-up thường thiếu đủ thứ”, chị Nguyễn Phi Vân kể.
Trước khi chính thức ký kết, như bất cứ thương vụ đầu tư nào, chị Nguyễn Phi Vân cũng mang đội của mình xuống kiểm định lại chuỗi trà sữa. Đội kiểm định đã làm việc hết công suất trong liên tục trong 2 ngày. Một trong những thứ mà chị Nguyễn Phi Vân chú tâm khi tìm hiểu dự án để đầu tư, là các startup làm sao để tăng trưởng qua các kênh digital và đang chuyển đổi số như thế nào.
Kết thúc đợt kiểm định, đội ngũ sáng lập đã tâm sự với chị Nguyễn Phi Vân rằng: không ngờ chuỗi của mình có quá nhiều lỗ hổng, gấp 100 lần bạn dự đoán trước đó. Ngoài ra, chuỗi còn dùng hơn 10 phần mềm khác nhau và mỗi cái phục vụ một mục tiêu khác nhau – không xài hết tính năng của mỗi phần mềm, rồi chúng còn không liên quan gì đến nhau.
Theo đó, chuỗi có 3 kho dữ liệu: 1 kho có 130.000 khách hàng, 1 kho khác có 60.000 khách hàng và kho còn lại khoảng 30.000 khách hàng. Với các doanh nghiệp, dữ liệu chính tiền và rõ ràng chuỗi đang có một núi vàng nằm rải rác khắp nơi, song không ai biết khai thác ‘mỏ vàng’ đó như thế nào cả.
Các sản phẩm của các dự án khởi nghiệp đã đạt giải ở cuộc thi khởi nghiệp thường niên do BSA tổ chức.
“Nếu chúng ta có khoảng dưới 50 cửa hàng, chúng ta có thể tự làm và tự xoay, đắp chỗ này một chút, vá chỗ kia một chút; nếu có khó khăn thì đi hỏi chị Vân hoặc anh Lâm Viên (Chủ tịch Vinamit) thì vẫn có thể giải quyết được.
Nhưng nếu muốn scale-up từ 50 đến 500 cửa hàng là một câu chuyện vô cùng khác. Lúc đó chúng ta phải rất nghiêm túc suy nghĩ xem mình sẽ sử dụng công cụ gì để chuyển đổi? Vì sao mình lại dùng công cụ này mà không phải công cụ kia? Mình sẽ xây dựng và phát triển thương hiệu như thế nào? Doanh thu của mình sẽ đến từ đâu? Mình có thể có nguồn thu từ bao nhiêu kênh phân phối?
Thường thì các Nhà sáng lập dự án nông nghiệp của Việt Nam mình rất giỏi về sản phẩm, rất am hiểu về nông nghiệp và có niềm đam mê bất tận trong việc ra sản phẩm. Tuy nhiên, khởi nghiệp không phải là việc bạn làm ra nhiều sản phẩm tốt là đủ, mà còn 360 nghìn thứ khác.
Muốn scale-up thì phải rất chuyên nghiệp- không thể chỉ làm thủ công, Founder phải có tư duy đủ mở để đón các nhà đầu tư bước vào. Founder phải nhìn vào hiện thực để bước đến tương lai. Tóm lại, trước khi scale-up startup, phải scale-up được các Founder”, chị Nguyễn Phi Vân bày tỏ.
Tuy nhiên, thực tế là, ở Việt Nam, niềm tin giữa các Founder và Nhà đầu tư khá thấp, nên không thể đồng hành cùng nhau đi xa hơn. Chị từng hỏi một đồng nghiệp ở Hà Lan, ‘vì sao khởi nghiệp ở nước bạn tốt như thế’, anh bạn đó đã trả lời thế này: Vì chúng tôi tin nhau trước, nếu ai đó làm sai thì không tin nữa, vậy nên chúng tôi quyết định cộng tác với nhau rất nhanh.
Tất nhiên, ‘tại anh, tại ả’, vì trước đó ở Việt Nam, có rất nhiều người không tử tế, làm sai, làm bậy khiến thị trường rối loạn; nên mới gây ra sự mất niềm tin giữa các Founder và Nhà đầu tư. Vậy nên, chị Nguyễn Phi Vân mong là các Founder lẫn các Nhà đầu tư đang sinh hoạt trong BSA có thể đặt niềm tin vào nhau, mở lòng với nhau để có thể scale-up, vì “BSA đã là nơi an toàn, nếu không thể mở lòng ở đây thì không thể mở lòng được ở đâu nữa cả”.
Quỳnh Như-Theo Nhịp sống thị trường