“Apple từng bán nhiều thứ tuyệt vời, còn giờ đây, những gì họ bán là nỗi sợ”, một tờ báo nhận định.
Tại Hội nghị các nhà phát triển toàn cầu của Apple năm 2013, Phil Schiller – Phó Chủ tịch marketing toàn cầu của công ty, đã tự hào giới thiệu sản phẩm Mac Pro mới. Tuy nhiên, ông đã nói một câu khiến mọi người bất ngờ: “Không thể đổi mới hơn được nữa”.
Thời điểm đó, Apple vẫn áp dụng triết lý thiết kế “chúng tôi biết bạn muốn gì trước khi bạn biết điều đó”. Mặc dù vậy, sản phẩm mới lại không được người dùng đón nhận tích cực.
2 năm kể từ khi Steve Jobs qua đời (ông mất năm 2011), Apple bị đánh giá là không biết người dùng muốn gì và quá trình đổi mới của họ có xu hướng chậm lại. Các buổi ra mắt sản phẩm năm 2013 và 2014 của “nhà Táo” bao gồm yếu tố như tăng kích thước điện thoại, giới thiệu đồng hồ thông minh – những thứ đã có từ lâu trong các dòng sản phẩm của đối thủ cạnh tranh mà công ty từng không để tâm đến.
Apple Watch và AirPods: Cả hai đều là sản phẩm bổ sung đem lại lợi nhuận cao, rất thích hợp để bán cho người dùng iPhone. Business Insider ví chúng như “khoai tây chiên” và “đồ uống” bán kèm cùng hamburger.
Đó là câu chuyện của quá khứ. “Tua” nhanh đến tháng 9/2022, sau khi xem sự kiện giới thiệu sản phẩm mới nhất của Apple, có lẽ không ít người nhận ra rằng sự đổi mới của gã khổng lồ này không chỉ chậm lại mà còn đang ở mức cao, ít nhất là ở thời điểm này.
Thậm chí, một số người còn gọi điều đổi mới duy nhất mà Apple giới thiệu là “sự nhàm chán”.
Apple đã giới thiệu một loạt các sản phẩm với những thay đổi nhỏ được “ngụy trang” dưới dạng tính năng. iPhone 14 không khác nhiều so với iPhone 13 hoặc iPhone 12. Ngay cả với “Photonic engine” (công nghệ chụp ảnh thuật toán, kết hợp phần cứng với phần mềm để nâng cao chất lượng ảnh chụp trong môi trường thiếu sáng), mọi người cũng khó phân biệt được ảnh do iPhone 14 chụp với iPhone đời cũ hơn.
Theo Business Insider, dưới sự lãnh đạo của Tim Cook, Apple đã cho ra đời nhiều sản phẩm không thực sự thu hút. Dù vậy, với danh tiếng vốn có, họ vẫn bán được hàng chục triệu sản phẩm trên thế giới. Điều này đã giúp công ty đạt mức định giá hàng tỷ USD – điều mà các cổ đông đánh giá cao nhưng lại là sự thất vọng với những người tiêu dùng mong chờ sự đổi mới.
Trong khi đó, dưới thời Steve Jobs, Apple thực sự biết người dùng muốn gì trước khi họ nhận ra điều đó. Apple bán khát vọng sở hữu sản phẩm như một thứ gì đó có thể trao quyền cho người tiêu dùng. “Không người nào yêu cầu iPod hay iPhone nhưng Apple biết họ cần chúng, hoặc ít nhất muốn chúng”, một người nhận xét.
Còn ngày nay, Apple lại cho rằng người dùng cần những thứ mà họ không muốn. Chẳng hạn, công ty cho rằng người dùng cần thiết bị ngày càng mỏng hơn – không giống cách Heinz thuyết phụ thị trường rằng “dày hơn” sẽ tốt hơn khi quảng bá sản phẩm tương cà của mình.
Business Insider nhận định rằng gần đây, Apple đã bắt đầu bán “nỗi sợ” hơn là sự đổi mới. iPhone hiện có tính năng kết nối với vệ tinh để kêu gọi sự giúp đỡ khi người dùng bị mắc kẹt trong tình huống nguy hiểm. Bên cạnh đó là tính năng phát hiện va chạm và gọi 911 trong trường hợp người dùng bị tai nạn ô tô.
Apple Watch thì sao? Nó không chỉ để rèn luyện sức khỏe mà các tính năng của nó có thể cứu mạng bạn. Trên thực tế, đã có một số người được cứu nhờ sản phẩm này nhưng hãy nhìn nhận cách Apple quảng cáo.
Ví dụ: Nếu không yên tâm về cha mẹ già, hãy tặng họ Apple Watch để được thông báo nếu họ bị ngã hay nếu du lịch 1 mình trên sa mạc, Apple Watch Ultra sẽ phát ra tiếng hét có khả năng giúp bạn được đội cứu hộ tìm thấy khi gặp tai nạn. Hay nói cách khác, Apple ngụ ý rằng: “Nếu bạn muốn sống sót, hãy mua sản phẩm của chúng tôi”.
Một số người dùng khó tính nói rằng đây không phải những tính năng truyền cảm hứng mà là những thứ hầu hết người dùng gần như chắc chắn sẽ không cần đến. Business Insider nhận xét những cải tiến mới, truyền cảm hứng của Apple như thời Steve Jobs có lẽ bây giờ đã trở thành quá khứ khiến nhiều người tiếc nuối.
Nguồn: BI, Fast Company-Mộc Tiên–Theo Nhịp sống thị trường