Elon Musk – nhà sáng lập của cả hãng sản xuất ô tô điện Tesla và hãng không vũ trụ SpaceX được biết đến là người giàu nhất thế giới hiện nay. Tuy nhiên, trong lịch sử loài người đã chứng kiến rất nhiều tên tuổi sở hữu khối tài sản còn khủng hơn tỷ phú này rất nhiều. Dưới đây là 3 cái tên như thế.
- Hoàng đế La Mã Augustus Caesar (năm 63 TCN – năm 14 CN): 4,6 nghìn tỷ USD
Augustus Caesar (63 TCN – 14 SCN) là hoàng đế chính thức đầu tiên của đế chế La Mã cổ đại. Ông thay thế nền cộng hòa La Mã bằng một nền quân chủ hiệu quả. Dưới thời vị hoàng đế này trị vì, La Mã phát triển mạnh mẽ về kinh tế, nông nghiệp và nghệ thuật, có ảnh hưởng lớn đến tình hình thế giới. Người dân được sống trong thời kỳ hòa bình, thịnh vượng.
Sự giàu có của vị vua này đạt đến đỉnh điểm khi ông sở hữu Ai Cập như một phần tài sản riêng cá nhân của mình. Theo giáo sư sử học Ian Morris (Đại học Stanford, Mỹ), hoàng đế Augustus Caesar từng nắm giữ lượng tài sản bằng 1/5 nền kinh tế của cả đế chế. Số của cải này, nếu quy đổi vào thời điểm năm 2014, tương đương 4.600 tỷ USD.
Các nhà sử học cũng cho rằng Augustus Caesar là hoàng đế vĩ đại nhất La Mã khi đưa đất nước trở thành quốc gia giàu có, hùng mạnh. Tên của ông còn được đặt cho tên gọi tháng 8 (trong tiếng Anh là August).
- VuaSolomon (970- 931 TCN): 2,2 nghìn tỷ USD
Vua Solomon là vị vua thứ 3 của Israel, thống trị đế chế trải dài từ Euphrates tới mỏm Bắc của Vịnh Aqaba. Ông không chỉ nổi tiếng bởi trí tuệ sắc sảo, các phán đoán độc đáo, mà còn nổi tiếng bởi những kho báu nhiều vàng chứa đựng đầy bí mật.
Cũng chính vì thế nên ông còn được mệnh danh là người giàu có và khôn ngoan nhất trong lịch sử Do Thái và cũng là người xây dựng Ngôi đền Đầu tiên của người Do Thái ở Jerusalem. Ngoài số vàng dự trữ trị giá 2,2 nghìn tỷ USD theo giá thị trường ngày nay, ông còn sở hữu 4.000 chuồng ngựa, xe ngựa và thuê đến 12.000 người giữ ngựa.
Trong thời gian trị vì, Vua Solomon áp dụng chính sách đối ngoại kết thân với các nước láng giềng nhằm phát triển về kinh tế và thương nghiệp, về đối nội thì củng cố chế độ phong kiến tập quyền, tăng cường tổ chức và phát triển quân đội, cải cách hành chính. Ông đã cho xây nhiều đền đài và lăng tẩm là những công trình kiến trúc tuyệt mỹ, di sản nghệ thuật quý báu để lại cho đời sau.
Thời kỳ này được coi là “thời đại hoàng kim của đất nước Israel thống nhất trong lịch sử dân tộc Do Thái. Vua Solomon được coi là một vị quân vương anh hùng, đã đưa đất nước Do Thái vào thời kỳ vàng son nhất trong lịch sử.
Sinh thời, Solomon đã truyền lại những lời răn, bí quyết có được trí tuệ và của cải cho đời sau. Ghi chép của ông được hậu thế tuyển tập thành sách Châm Ngôn và đưa vào Kinh thánh Do Thái hoặc Cựu Ước.
- Vua Mansa Musa (1280 – 1337): 415 tỷ USD
Mansa Musa là vị vua của Đế chế Mali, cai trị Tây Phi từ năm 1312 đến khi qua đời vào năm 1337. Trong cuộc đời của mình, vị vua này tích luỹ số của cải đến mức khó có thể tính chi tiết. Nếu điều chỉnh theo lạm phát, khối tài sản của Mansa Musa có giá trị 415 tỷ USD.
Ở thời kỳ hoàng kim, Musa đã mở rộng đế chế của mình lên gấp 3 lần, ông cũng sáp nhập được 24 thành phố. Đế quốc Mali trải rộng hơn 3.200 km, bao gồm các khu vực ngày nay là Chad, Bờ biển Ngà, Gambia, Guinea, Guinea-Bissau, Mali, Mauritania, Niger, Nigeria và Senegal.
Dù vậy, những thứ đem lại sự giàu có cho ông lại không phải của cải thu được từ những cuộc chinh phạt hay sáp nhập mà bản thân nguồn tài nguyên thiên nhiên được tìm thấy ở Mali. Theo nhà nghiên cứu Kathleen Bickford Berzock, là một hoàng đế, Mansa Musa có khả năng tiếp cận gần như vô hạn tới những nguồn của cải giá trị cao nhất thế giới Trung cổ.
Giàu có là vậy song Mansa Musa chỉ thực sự thu hút sự quan tâm của toàn thế giới vào năm 1324 khi ông thực hiện chuyến hành hương đến thánh địa Mecca theo truyền thống đạo Hồi. Hoàng đế Musa được cho là đã mang theo 60.000 tùy tùng, 12.000 nô lệ và mỗi người đi theo sẽ mang 4lb (tương đương 1.81kg) vàng khối. 80 con lạc đà có nhiệm vụ chở 50-300lb (tương đương 22-136kg) bụi vàng.
Trong suốt thời gian ở Cairo, Musa chi tiêu rất hào phóng. Ông ban phát vàng cho người nghèo ở đây và tiêu nhiều vàng đến nỗi làm lạm phát và giảm giá trị của vàng ở Ai Cập suốt 12 năm liên tiếp.
(Tổng hợp: moneycontrol.com;citizenshipbyinvestment.ch)
Ánh Lê–Nhịp sống thị trường