Ở thời kỳ chuyển đổi số lên ngôi, chuyên gia nhấn mạnh các lao động trẻ hiện nay cần trước hết là nền tảng tri thức về kỹ thuật số.
Theo ông Lê Đình Hiếu, chuyên gia về phát triển kỹ năng cho người trẻ cho biết, theo Mc Kinsey Global Institute, vào năm 2030, máy tính sẽ thay thế 60% công việc của con người. Vậy, để có việc làm bền vững, bạn trẻ cần làm gì?
Từng đào tạo kỹ năng cho lao động cho các tập đoàn toàn cầu, ông Lê Đình Hiếu cho rằng, ở thời kỳ chuyển đổi số lên ngôi, các bạn trẻ hiện nay cần trước hết là nền tảng tri thức về kỹ thuật số.
Cụ thể, đó là khả năng sử dụng mạng xã hội một cách an toàn và hiệu quả, kỹ năng quản lý cảm xúc và thích nghi cùng sự bền bỉ, kiên định. “17% người trẻ Việt Nam ở nhóm siêu nhảy việc, họ sẽ không ở công ty quá 2 năm. Trong khi đó, doanh nghiệp lại rất cần những lao động kiên định, bền bỉ và chung sức để họ không phải đau đầu về vấn đề tuyển dụng và đào tạo”, ông Hiếu phân tích.
Ở góc độ chuyên gia đào tạo, PGS.TS Nguyễn Thị Thuận chỉ ra những tập trung của UNICEF vào 4 nhóm gồm các kỹ năng nền tảng, các kỹ năng có thể chuyển đổi, kỹ năng kỹ thuật số, các kỹ năng cụ thể trong công việc.
Bởi đánh giá thực tế được chuyên gia chỉ ra cho thấy, có tới 83% sinh viên tốt nghiệp ra tường bị đánh giá là thiếu kỹ năng mềm. 37% sinh viên không tìm được việc làm phù hợp do kỹ năng yếu. 50% lao động tốt nghiệp phổ thông không có kỹ năng họ cần, lao động tốt nghiệp đại học cũng chưa đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. 40% phải được kèm cặp lại tại nơi làm việc…
Do đó, vị chuyên gia khuyến nghị, người lao động cần phải đào tạo từ gia đình, nhà trường, sau đó mới đến đào tạo doanh nghiệp. “Một đứa trẻ giật đồ chơi của bạn. Khi đó, bố mẹ biết giải thích với con, rằng vật đó không phải của con mình. Bạn ấy sẽ cho con mượn sau khi chơi xong… thì có nghĩa rằng, bố mẹ đang dạy những kỹ năng mềm cho con mình. Tôi tin rằng, đứa trẻ đó cũng sẽ dần hình thành thói quen giao tiếp xã hội chuẩn mực”, PGS.TS Nguyễn Thị Thuận.
Ngoài ra, các cơ quan quản lý Nhà nước cần ra các chính sách thúc đẩy nâng cao kỹ năng cho người lao động, đầu tư kinh phí để xây dựng ngân hàng bài giảng về kỹ năng, thiết lập hệ thống chứng chỉ, kiểm tra, đánh giá chứng chỉ để nâng cao kỹ năng mềm cho lao động trẻ hiện nay.
Đặc biệt, PGS.TS Nguyễn Thị Thuận nhấn mạnh doanh nghiệp là một trong những đơn vị đóng vai trò quan trọng nhất trong việc phát triển kỹ năng có thể chuyển đổi, mặc dù họ tập trung chủ yếu vào các kỹ năng có thể áp dụng và chuyển giao trong doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp quy mô vừa và lớn thực hiện các đánh giá kỹ năng của người lao động dễ dàng hơn. Các doanh nghiệp này hoan nghênh việc đánh giá và cấp các chứng nhận về cấp độ kỹ năng chuyển đổi của từng cá nhân.
Theo đó, vị chuyên gia khuyến nghị, các doanh nghiệp phải tham gia đào tạo cho lao động trẻ, bao gồm đào tạo kỹ năng nghề cụ thể, đào tạo kỹ năng sống, đào tạo ngoại ngữ, đào tạo kỹ năng mềm, đào tạo công nghệ thông tin, đào tạo các kỹ năng khác khi chuyển đổi vị trí làm việc.
Bên cạnh đó, việc doanh nghiệp đào tạo cho người lao động phải được thực hiện ngay từ khi mới tuyển lao động, đào tạo lại, bổ sung định kỳ đồng thời đào tạo lại, bổ sung khi thay đổi vị trí việc làm của người lao động hoặc các yêu cầu khác.
Theo Thy Hằng–Diễn đàn Doanh nghiệp