Chia sẻ với Trí Thức Trẻ về câu chuyện lập nghiệp của mình, anh Phạm Văn Hoàng, đồng sáng lập kiêm CEO FastShip cho biết, với công ty mới thành lập, tiền rất quan trọng, đặc biệt là với mô hình chuyển nhượng bưu cục như FastShip. Tuy nhiên, nhiều tiền không quan trọng, việc dùng tiền thế nào sẽ quyết định thành công của công ty.
Anh Phạm Văn Hoàng, sinh năm 1991, tốt nghiệp Cao đẳng FPT và liên thông Đại học Kinh tế – Tài chính (UEF). Năm 2018, anh trở thành quản lý kinh doanh cho một công ty thức ăn chăn nuôi với mức lương 2.000 USD. Tuy nhiên, anh lại bỏ công việc này và chọn bắt đầu từ con số 0 với ngành nhượng quyền chuyển phát. Sau không ít thất bại, cuối năm 2021, FastShip được thành lập và có gần 200 bưu cục trên toàn quốc chỉ trong 6 tháng. Năm 2022, FastShip nằm trong Top 50 của Startup Việt 2022 của VnExpress.
Đã trở thành quản lý kinh doanh với mức lương 2.000 USD, điều gì khiến anh quyết định bỏ công việc này và chuyển qua làm shipper? Và tại sao anh lại chọn mô hình nhượng quyền bưu cục?
Trước hết, ước mơ của tôi là tự mình làm chủ một doanh nghiệp. Đó cũng là lý do vì sao tôi lựa chọn nghỉ việc ở công ty cũ.
Còn về lý do chọn nghề shipper. Trong quá trình làm việc, tôi nhận thấy thương mại điện tử hiện là xu hướng và ngành nhượng quyền chuyển phát rất có triển vọng. Việc làm shipper sẽ giúp tôi hiểu hơn về ngành. Đây sẽ là nền tảng để tôi có thể phát triển nó trong tương lai. Cái gì cũng có giá của nó, tôi muốn hiểu những gì mình làm nên chọn từ công việc thấp nhất.
Với mô hình chuỗi bưu cục, tôi có thể phát triển mọi thứ rất nhanh. Đặc thù của mạng lưới này là thứ không thể thiếu trong ngành logistics. Nếu muốn đi nhanh, FastShip rất cần nhượng quyền để mở rộng thị trường một cách thần tốc.
Bên cạnh đó, tôi quan điểm các bưu cục nhượng quyền sẽ làm tốt hơn tại khu vực đó vì việc họ làm chủ chính doanh nghiệp của họ sẽ tăng hiệu quả vận hành.
Trong khoảng thời gian đầu khởi nghiệp, khó khăn lớn nhất đối với anh là gì?
Tôi nghĩ rằng khó khăn lớn nhất của FastShip cũng như đa số các startup là nguồn vốn và dòng tiền. Tôi nghĩ đây là bước đệm quan trọng để làm được mọi thứ nhanh hơn.
Vì FastShip khởi nghiệp từ số 0 nên bước đi của chúng tôi không thật sự mạnh mẽ và mang lại hiệu quả như mong đợi. Thật ra ban đầu tôi quản lý dòng tiền không được tốt, doanh nghiệp lỗ nặng sau 6 tháng. FastShip âm gần 5 tỷ đồng một phần vì FastShip phát triển quá nhanh, nguồn lực con người không theo kịp những vấn đề phát sinh của thị trường.
Các chi phí cũng quá lớn nhưng doanh thu lại không bù kịp. Để tiếp tục có tiền chúng tôi đã huy động nguồn lực nội bộ được gần 7 tỷ đồng để tiếp tục hoạt động. Đây mới là thành công lớn nhất của tôi chứ không phải số lượng bưu cục.
Điều may mắn là hiện tại tôi đã kiểm soát được dòng tiền, và có những phương án kinh doanh hiệu quả, đặc biệt là chi phí kết nối vận tải và kho bãi.
Trước đấy, thậm chí anh còn phải cầm sổ đỏ để chạy tiền trả nợ. Vậy động lực gì khiến anh vẫn tiếp tục với mô hình này?
Trước đây, mô hình chuyển nhượng bưu cục mà tôi làm có những rào cản và bất cập nhất định. Mình muốn sửa những khuyết điểm đó. Mà muốn sửa thì mình phải tạo ra bưu cục khác thì mới có cái để sửa.
Tôi thành lập FastShip vì tôi tin rằng cách làm của tôi sẽ phát triển hơn, tối ưu hơn, và đặc biệt là đa dạng hơn. Vấn đề không phải là mô hình sai, mà là cách làm sai. Mà sai thì sửa.
Vì vậy, cuối năm 2021, tôi quyết định ra Bắc để tiếp tục bán mô hình nhượng quyền bưu cục với mong muốn mở rộng công ty. Tôi cũng nhận thấy đây sẽ là một thị trường tiềm năng và cho sản lượng tốt hơn phần các vùng khác. Thực ra, đưa ra quyết định này tôi cũng có chút cảm nhận cá nhân rằng, người miền Bắc “máu” kinh doanh hơn.
Thực tế đã chứng minh cảm nhận của tôi đúng. Các bưu cục miền Bắc của tôi phát triển kinh doanh rất tốt.
Phải nói tôi khá may mắn vì có đội ngũ đồng hành dày dặn kinh nghiệm tại FastShip. Trong giai đoạn mới khởi nghiệp, chúng tôi cũng nhận được nhiều sự trợ giúp từ các cộng sự và mọi người xung quanh. Ngoài ra, việc vào thị trường đúng lúc và mang đến đúng cái thị trường cần cũng là một lợi thế của chúng tôi.
Trong vòng 6 tháng, công ty đã có gần 200 bưu cục trên toàn quốc đi vào vận hành. Với tốc độ phát triển nhanh như vậy, anh có khó khăn gì trong việc kiểm soát hay quản lý các bưu cục không?
Điểm lợi thế nhất của nhượng quyền chính là việc quản lý bưu cục đơn giản hơn, rủi ro ít hơn rất nhiều so với việc mình tự mở rộng vì họ sẽ tự chủ động trong việc quản lý.
Bên cạnh đó, để giúp các bưu cục nhượng quyền hoạt động hiệu quả, chúng tôi có những chính sách nhất định giúp họ chủ động hơn trong kinh doanh và vận hành.
Chuyển phát nhanh là một thị trường cạnh tranh rất gay gắt vì trong ngành này có khá nhiều “đại gia”. Vậy điều gì khiến anh tin rằng FastShip có thể cạnh tranh với các hãng vận chuyển lớn khác có nhiều kinh nghiệm hơn?
Quá sớm để nói chúng tôi đang cạnh tranh với “đại gia” vì cạnh tranh thì phải ngang hàng, mà FastShip mới chỉ có một vài thành tựu nho nhỏ thôi. Tuy nhiên, con đường chúng tôi đi với một thị trường “xanh” hơn, dịch vụ đa dạng hơn. FastShip có định hướng phát triển bền vững chứ không chỉ có số lượng bưu cục. Cái chúng tôi đang làm là cả một chiến lược lớn cho 3 năm sau.
Thực ra, mọi người có thể đánh bại tôi, nhưng không bao giờ đánh bại được FastShip. Cái mà FastShip có là một khối vận hành đoàn kết, một khối kết nối trong ngành logistics rất quan trọng, khối kết nối tạo giá trị bền vững cho ngành rất lớn.
Theo tôi thấy, trong ngành này, tiền sẽ không giúp bạn phát triển bền vững trong ngành này. Tiền nhiều quan trọng, nhưng dùng tiền thế nào mới là quyết định.
Kế hoạch trong thời gian tới của FastShip là gì để nhiều người biết tới thương hiệu của mình hơn?
Cái tôi quan tâm sắp tới đó là làm thế nào để đối tác nhượng quyền chúng tôi có thêm nhiều doanh thu và tiến tới có thêm nhiều lợi nhuận. Cuối tháng 10, 90% bưu cục FastShip phải hòa vốn và trên 60% bưu cục phải có lợi nhuận.
Còn việc làm sao để chúng tôi được nhiều người biết đến thì các bưu cục hoạt động hiệu quả là cách truyền thông tốt nhất rồi.
Ngoài ra, gần đây, FastShip phát triển thêm dịch vụ Foods Delivery phục vụ việc giao đồ ăn. Với dịch vụ này, 100% nhân sự FastShip đều là “nhà trồng được” chứ không phải cộng tác viên hay tài xế công nghệ. Vì là nhân sự của “nhà” nên mức độ ổn định trong vận hành luôn được đảm bảo.
Bây giờ, shipper đâu phải đi giao hàng thôi, chúng tôi gọi họ là “ShipBrand” (đại sứ thương hiệu – PV). Các ShipBrand của FastShip sẽ mang lại sự thân thiện cho Đối tác và khách hàng cuối của Đối tác. Chính chúng tôi cũng là đại sứ thương hiệu cho các nhãn hàng. FastShip định hình mình là đơn vị giao hàng B2B trong mảng Foods, mục tiêu là mang lại trải nghiệm tốt nhất, với quy trình làm việc ổn định nhất.
Theo Anh Ngọc-Theo Trí Thức Trẻ