Trong giai đoạn đầu của khởi nghiệp, người sáng lập sẽ gặp nhiều khó khăn và vấn đề xây dựng thương hiệu cho doanh nghiệp khởi nghiệp là một trong những việc khiến chủ nhân đau đầu.
Luật sư Đào Thúy Hoàn, Giám đốc Hãng Luật & Sở hữu trí tuệ Encolaws đã có những chia sẻ rất thiết thực về vấn đề này.
Theo Luật sư cần tránh những sai lầm nào về việc đăng ký thương hiệu, nhãn hiệu, logo khi kinh doanh?
Thương hiệu, nhãn hiệu, logo là sản phẩm trí tuệ, là tài sản vô hình và theo quy định của pháp luật Việt Nam cần phải đăng ký mới có thể xác lập được quyền chủ sở hữu đối với loại tài sản này.
Tuy nhiên rất nhiều tổ chức, cá nhân khi bắt đầu kinh doanh thường chỉ tập trung vào phát triển marketing và bán hàng trước, sau đó mới nghĩ tới việc đăng ký thương hiệu, nhãn hiệu, logo. Việc chậm đăng ký so với việc đưa sản phẩm ra thị trường là sai lầm thường xảy ra nhất trong các doanh nghiệp Việt Nam. Nước ta áp dụng nguyên tắc “Nộp đơn đầu tiên” tức là chỉ đơn đăng ký nhãn hiệu sớm nhất mới có khả năng được cấp văn bằng bảo hộ, nên các doanh nghiệp và cá nhân kinh doanh rất hay bị mất quyền ưu tiên do chưa biết đặt quan tâm đúng thời điểm cho công việc rất quan trọng này.
Thứ hai là do chưa hiểu rõ giá trị to lớn của tài sản trí tuệ so với giá trị doanh nghiệp nên chủ sở hữu nhãn hiệu thường không dành thời gian tìm hiểu kỹ hoặc tham vấn Luật sư, dẫn đến việc tự nộp đơn và từ đó mắc nhiều sai sót, khiến quá trình đăng ký bị kéo dài, hay bị từ chối về mặt hình thức và nội dung. Hệ quả là nhiều trường hợp chủ sở hữu không biết cách hoặc không kịp trả lời thông báo dự định từ chối của Cục Sở hữu trí tuệ nên bị quá thời hạn xử lý, hoặc ý kiến trả lời không dựa trên kiến thức chuyên môn sâu nên không được chấp nhận và đương nhiên nhãn hiệu không được bảo hộ.
Nếu nhãn hiệu không được bảo hộ mà họ vẫn sử dụng thì có khả năng sẽ bị cáo buộc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ của người khác và phải chịu chế tài tương ứng. Điều này dẫn đến rất nhiều phiền phức, tốn kém về thời gian và tài chính để giải quyết.
Luật sư Đào Thúy Hoàn cho biết, thương hiệu, nhãn hiệu, logo là sản phẩm trí tuệ, là tài sản vô hình và theo quy định của pháp luật Việt Nam cần phải đăng ký mới có thể xác lập được quyền chủ sở hữu đối với loại tài sản này
Để xây dựng thương hiệu cần hiểu thương hiệu, logo, nhãn hàng có giá trị thế nào đối với một doanh nghiệp và đơn vị kinh doanh? Thưa Luật sư.
Theo nghiên cứu của các nhà chuyên môn và thống kê thị trường, thương hiệu (bao gồm cả nhãn hiệu, logo, hình ảnh nhận diện thương hiệu và các giá trị khác tạo nên thương hiệu của doanh nghiệp) chiếm tới hơn 60% giá trị tài sản của doanh nghiệp.
Một doanh nghiệp có thương hiệu mạnh sẽ dễ dàng tiếp cận thị trường hơn những doanh nghiệp không có tên tuổi. Các sản phẩm dịch vụ mang thương hiệu, logo, nhãn hàng có tiếng tăm sẽ dễ dàng lấy được niềm tin của khách hàng, có được nguồn khách hàng và doanh thu ổn định, dễ dàng tăng trưởng hơn so với những sản phẩm dịch vụ cùng loại của những nhãn hiệu chưa nhiều người biết đến.
Thương hiệu cũng là căn cứ rất quan trọng và có giá trị để chủ sở hữu đưa lên bàn đàm phán các thương vụ ký kết với đối tác, tăng vị thế cho chủ sở hữu đặc biệt trong những giao dịch mua bán, sáp nhập hoặc hợp tác đầu tư. Doanh nghiệp có tài sản trí tuệ đã được xác lập quyền, chẳng hạn như nhãn hiệu được bảo hộ, sẽ thể hiện ý thức tuân thủ pháp luật, nâng cao giá trị của chính doanh nghiệp đó trên thương trường. Và còn rất nhiều giá trị khác nữa.
Và có những lỗi thường gặp khi đăng kí thương hiệu?
Nếu doanh nghiệp không tham vấn luật sư chuyên ngành sở hữu trí tuệ thì thường gặp những lỗi như phân nhóm sản phẩm dịch vụ sai, tính phí sai so với bảng lệ phí nhà nước, trả lời các thông báo dự định từ chối về mặt hình thức hoặc về mặt nội dung của nhãn hiệu không đúng trọng tâm của lý do từ chối, hoặc khi doanh nghiệp thay đổi địa chỉ không thực hiện thủ tục sửa đổi đơn dẫn đến bị thất lạc đơn… Tất cả những lỗi này đều có thể dẫn đến đơn bị từ chối cấp văn bằng bảo hộ.
Việc phân biệt giữa logo, thương hiệu, nhãn hiệu sẽ được hiểu như thế nào ạ?
Logo là biểu tượng của doanh nghiệp, thường được thiết kế dưới dạng hình ảnh, màu sắc, chữ cách điệu hoặc sự kết hợp của các yếu tố này.
Nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt các sản phẩm, dịch vụ cùng loại của các chủ thể khác nhau. Nhãn hiệu có thể dưới dạng chữ (chữ in hoa, in nghiêng…), dạng hình (hình ngôi sao, cánh én, vòng tròn…) hoặc sự kết hợp cả hình và chữ. “Nhãn hiệu” là đối tượng được luật hóa trong các văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam, là một trong những đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ được pháp luật bảo hộ khi chủ thể thực hiện thủ tục nộp đơn theo quy định và đáp ứng tiêu chuẩn bảo hộ.
Thương hiệu là khái niệm rộng hơn và được sử dụng trên thị trường chứ không được luật hóa trong các văn bản pháp luật. Thương hiệu có thể bao gồm cả logo, nhãn hiệu, nhãn mác, bao bì sản phẩm, hình dạng bên ngoài của sản phẩm, chất lượng sản phẩm dịch vụ được định vị trên thị trường…
TheoPNVN