Mì ăn liền chính là “kho báu” mà Momofuku Ando đã phát hiện ra, từ đó trực tiếp đưa cái tên của ông trở thành một trong những huyền thoại thế giới.
Mì ăn liền là một món ăn phổ biến trên toàn thế giới. Nhưng có lẽ ít ai biết rằng, sự ra đời của món ăn này xuất phát từ một lần giúp vợ nấu ăn của ông Momofuku Ando.
Với phát minh này, ông là một trong những cái tên được vinh dự góp mặt trong danh sách những nhân vật có tầm ảnh hưởng nhất do Tạp chí Times châu Á bình chọn.
Tuy vậy, ít ai biết rằng, cuộc đời của “cha đẻ” mì ăn liền lại trải qua biết bao thăng trầm, thậm chí từng vào tù ra tội, vượt nhiều biến cố mới đạt được thành tựu đáng nể như vậy.
- CƠ NGƠI TO LỚN BỖNG TAN TÀNH MÂY KHÓI
Momofuku Ando là người Nhật gốc Trung Quốc, sinh năm 1910 tại Đài Loan. Là người có đam mê làm ăn, ông bắt đầu mở một công ty kinh doanh sợi dệt từ năm 22 tuổi tại quê hương.
Thời điểm đó, do thị trường vẫn còn khá ít người buôn hàng dệt kim nên công ty này đã nhanh chóng ăn nên làm ra.
Chỉ sau 1 năm, Ando đã tích lũy được một khoản tiền lớn, đủ để sang Osaka, Nhật Bản và mở công ty chuyên kinh doanh hàng dệt kim, cùng với thiết bị máy móc. Cũng tại đây, ông theo học khoa kinh tế của trường đại học Ritsumeikan để mở mang thêm kiến thức.
Những tưởng công việc kinh doanh cứ thế thuận lợi phát triển thì chiến tranh thế giới bùng nổ. Rất nhiều đô thị và cơ sở công nghiệp ở Nhật bị tàn phá nghiêm trọng sau những đợt không kích từ Thế chiến II. Hàng loạt nhà máy và cửa hiệu của Ando cũng không phải ngoại lệ.
Nhà xưởng và văn phòng đều thành một đống phế tích, việc sản xuất đình trệ, không cách nào khởi công. Chỉ trong thời gian ngắn ngủi, “giang sơn” mà ông vất vả gây dựng đã nhanh chóng tan thành mây khói.
Tuy nhiên, những khó khăn đó còn chưa phải là tất cả. Sau đó một thời gian, theo quy định của chính phủ Nhật Bản, các xí nghiệp tư nhân không còn được kinh doanh vật tư nữa. Thay vào đó, chính phủ sẽ thống nhất quản lý vật tư.
Trước thay đổi này, trong khi nhiều thương nhân khác “bó tay” thì Ando Momofuku đã nhanh nhẹn đổi hướng. Ông lập tức tìm kiếm cơ hội để buôn bán linh kiện, động cơ cung cấp cho quân đội. Khi vốn liếng không đủ, ông chắp nối hợp tác làm ăn chung với những người khác.
Thế nhưng, vận mệnh vẫn chưa mỉm cười với Ando. Năm 1948, ông bị khép tội trốn thuế và bị bắt giam vào tù.
Tới 2 năm sau đó, Ando mới được trả tự do. Vào lúc này, thứ mà ông phải đối mặt không chỉ là tình trạng phá sản của bản thân, mà còn là nền kinh tế đã bị chiến tranh tàn phá nghiêm trọng của Nhật Bản.
- Ý TƯỞNG THAY ĐỔI THÓI QUEN ẨM THỰC CỦA CẢ THẾ GIỚI
Sau những biến cố lớn như vào tù, phá sản, ít ai nghĩ rằng, Momofuku Ando còn có thể đứng lên lần nữa. Tuy vậy, thực tế đã chứng minh, ông vẫn nuôi ý chí thép của một doanh nhân.
Thời điểm đó, Nhật Bản đang rơi vào tình trạng thiếu thốn lương thực. Ông Ando đã thành lập công ty thực phẩm Nissin tại Ikeda, Osaka, Nhật Bản. Đây là công ty nhỏ do gia đình tự quản lý và hoạt động xung quanh việc sản xuất muối, kinh doanh cả bách hóa và thực phẩm.
Hồi ấy, bột mì được khuyến khích làm thành bánh mì để ăn vừa nhanh vừa tiện, đỡ phải đun nấu tốn thời gian, đồng thời tiết kiệm nhiên liệu đang rất khan hiếm. Một số khác vẫn quen ăn gạo và mì nên dùng bột mì để làm mì sợi, tuy nhiên số lượng ít hơn. Điều đó dẫn tới tình trạng phải xếp hàng dài ngoài phố trong băng tuyết nếu muốn mua một tô mì nóng.
Ông Ando đã chứng kiến điều đó và dấy lên trăn trở. Ông muốn tìm ra cách để làm ra một loại mì sợi chẳng cần đun nấu lâu, chỉ cần đổ nước sôi vào là ăn được ngay. Mong muốn này nhanh chóng được ông đưa vào nghiên cứu, nhưng khó khăn về vốn liếng khiến ý tưởng trì trệ trong một thời gian rất dài.
Đồng thời, câu hỏi hóc búa nhất mà ông Ando phải giải quyết là làm thế nào để sợi mì có thể nhanh chóng hút nước sôi và chín trong thời gian ngắn. Tình cờ, trong một lần giúp vợ nấu bữa tối, ông đã tìm ra đáp án cho mình.
Khi đó, ông đang đổ mì sợi vào chảo để xào thì nhận ra rằng, mì trộn mỡ không chỉ hút nước nhanh hơn ở nhiệt độ cao mà còn chín nhanh hơn. Thế là ông áp dụng phát hiện này vào thí nghiệm. Sau hàng trăm lần thử, cuối cùng thành công cũng đến với người đàn ông ở độ tuổi U50.
Đồng thời, để sợi mì có vị ngon, ông ngâm nó vào loại soup nấu từ xương bò hoặc xương gà, rồi mới chiên khô.
Tháng 8/1958, ông Ando sản xuất thành công lô mì ăn liền vị thịt gà đầu tiên mang nhãn hiệu Ramen, thường gọi là Chikin Ramen. Loại thực phẩm này không cần đun nấu, chỉ cần cho vào bát, rót nước sôi vào đậy kín, để một lúc là ăn được ngay.
Tính tiện lợi đã khiến Chikin Ramen nhanh chóng chiếm được cảm tình của những con người bận rộn, sau đó trở thành món ăn nổi tiếng. Món mì này cũng có lợi thế là bảo quản được rất lâu.
Tuy nhiên, thời gian đầu khi mới ra mắt, Chikin Ramen được coi là một món ăn sang trọng vì giá bán cao hơn nhiều lần so với mì sợi thông thường.
Để sản xuất với quy mô lớn, 4 tháng sau, ông Ando mở rộng Công ty TNHH Thực Phẩm Nissin tiên phong trong sản xuất và kinh doanh mì ăn liền.
Năm 1971, người đàn ông này đã nối tiếp thành tựu của mình với phát minh mì cốc. Ông lấy cảm hứng từ việc khách hàng sử dụng cốc cà phê để pha mì nên đã cho ra đời loại mì tôm đựng sẵn trong cốc.
Thành công vang dội của Ando cũng khiến ngành công nghiệp mì ăn liền trở nên cạnh tranh hơn. Không ít những phát minh mới, những sản phẩm tiện dụng trong đời sống, lần lượt ra đời.
Chúng ngày càng trở nên phổ biến nhất là sau khi được giảm giá để trở thành một món đồ ăn phổ thông.
- NGƯỜI GHI DẤU KỶ NGUYÊN CỦA MÌ ĂN LIỀN
Những năm 2000, đại đa số người Nhật Bản tin rằng, mì ăn liền là một trong những phát minh vĩ đại nhất của quốc gia này. Những cốc mì tiện dụng nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường nội địa, sau đó lan rộng trên thế giới, sánh vai với hàng loạt sản phẩm công nghiệp điện tử nổi tiếng của đất nước mặt trời mọc.
Momofuku Ando trở thành một thành viên quan trọng trong ngành công nghiệp mì ăn liền. Năm 1964, ông thành lập Hiệp hội Công nghiệp Thực phẩm ăn liền, nơi đưa ra những hướng dẫn để đảm bảo cạnh tranh công bằng và chất lượng sản phẩm đầu ra. Họ đã đưa ra những ý tưởng mà ngày nay trở thành tiêu chuẩn của ngành, chẳng hạn như ghi ngày sản xuất trên bao bì. Bên cạnh đó, Ando cũng là Chủ tịch của Hiệp hội các nhà sản xuất mì Ramen toàn cầu.
Năm 1999, ông đã thành lập Bảo tàng kỉ niệm phát minh mì ăn liền mang tên ông ở Ikeda thuộc quận Osaka (Momofuku Ando Instant Ramen Museum). Trong suốt cuộc đời mình, ông nhiều lần được Hoàng gia và Chính phủ Nhật Bản trao tặng những huân chương cao quý.
Ông Momofuku Ando bắt đầu nghỉ hưu từ tháng 7/2005 và chỉ đảm nhiệm vai trò chủ tịch sáng lập. Đến đầu năm 2007, ông qua đời tại Osaka vì một cơn nhồi máu cơ tim, hưởng thọ 96 tuổi. Vào năm đó, doanh nghiệp mì của ông vẫn đem tới khoản lợi nhuận đạt 300 triệu USD.
Ngôi trường Ritsumeikan mà ông từng theo học đã xây dựng quỹ Học bổng Ando Momofuku đầy danh giá để trao cho những sinh viên xuất sắc nhất theo học tại đây. Đó chính là một cách để vinh danh vị doanh nhân tài giỏi của thời đại.
Thuý Phương–Nhịp Sống Thị Trường