Khó gọi vốn, gặp bất lợi do đại dịch cùng với bất ổn kinh tế toàn cầu đã khiến Propzy buộc phải ngừng hoạt động.
Từ việc Prozy đóng cửa…
Theo thông tin từ Deal Street Asia cho biết, Propzy, công ty khởi nghiệp đình đám trong lĩnh vực công nghệ bất động sản (proptech) đã đóng cửa hoạt động từ thứ Hai vừa qua.
Propzy, công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ bất động sản đã đóng cửa hoạt động từ thứ Hai.
Propzy từng được coi như ngôi sao sáng trong lĩnh vực công nghệ bất động sản khi nhận được khoản đầu tư lớn từ các quỹ đầu tư nước ngoài. Tính đến năm 2020, công ty đã huy động được 37 triệu USD trong 3 vòng gọi vốn, với sự góp mặt của các quỹ Đầu tư đình đám. Trong đó, có 25 triệu USD đến từ Gaw Capital và SoftBank Ventures.
Công ty được thành lập bởi Việt kiều Mỹ, John Lê vào tháng 7 năm 2015. Propzy được coi là công ty đầu tiên tại Việt Nam áp dụng công nghệ hiện đại đưa ra giải pháp thực hiện giao dịch nhà đất theo quy trình khép kín, giúp kết nối trực tiếp khách hàng là bên mua và bên bán với nhau. Theo tiết lộ của Propzy, công ty đã thực hiện số lượng giao dịch bất động sản trị giá hơn 1 tỷ USD kể từ khi ra mắt, trở thành nền tảng giao dịch bất động sản cả ngoại tuyến và trực tuyến lớn nhất tại Việt Nam.
Tuy nhiên gần đây, Propzy liên tục có những động thái thu nhỏ hoạt động. Theo TechinAsia, họ đã sa thải 50% nhân sự bắt đầu từ tháng 9 năm 2021, trong bối cảnh tái cấu trúc mô hình kinh doanh. Và đến cuối tháng 5 vừa qua, họ đã giải thể Propzy Services. Và dù mới đây, họ đang được 99 Group, một công ty cũng hoạt động trong lĩnh vực Proptech, cân nhắc mua lại. Tuy nhiên, thương vụ còn “nhiều điều chưa chắc chắn”.
Có thể thấy, việc khó gọi vốn, gặp bất lợi do đại dịch cùng với bất ổn kinh tế toàn cầu và nhiều vấn đề hơn nữa đã khiến Propzy không thể duy trì hoạt động.
…đến những “cái chết yểu” của Startup
Theo một dữ liệu nghiên cứu về “cái chết” của startup, CB Insights, nền tảng phân tích kinh doanh và cơ sở dữ liệu toàn cầu, đã đưa ra một thống kê đáng sợ, có đến 70% các công ty công nghệ mới nổi toàn cầu thất bại, thường là chỉ 20 tháng sau khi huy động vốn đầu tiên (với tổng số tiền tài trợ trung bình khoảng 1,3 triệu USD).
Cũng theo CB Insights, được thúc đẩy bởi sự không chắc chắn về kinh tế và sự hoài nghi của nhà đầu tư, nguồn vốn đầu tư mạo hiểm đã tiếp tục giảm mạnh gần đây. Trên thực tế, nguồn tài trợ toàn cầu cho các công ty khởi nghiệp đã giảm 23% so với quý 1 xuống còn 108,5 tỷ USD trong quý 2 năm 2022, mức giảm hàng quý lớn nhất trong gần một thập kỷ.
Trong khi một số công ty phải đối mặt với những khó khăn khác nhau, chẳng hạn như vi phạm dữ liệu và thiếu sự rõ ràng về tầm nhìn sản phẩm, thì phần lớn các công ty khởi nghiệp đã bỏ cuộc gần đây là do không có khả năng huy động vốn mới trong điều kiện khắc nghiệt này môi trường gây quỹ.
Đơn cử như trường hợp của Airlift, công ty có trụ sở tại Pakistan chuyên về dịch vụ chuyển phát nhanh đi chung xe, đã thông báo rằng họ sẽ ngừng hoạt động vào giữa tháng 7. Mặc dù đã huy động được vòng Series B 85 triệu USD vào tháng 8 năm 2021, vào thời điểm đó dường như báo hiệu một tương lai đầy hứa hẹn, nhưng công ty đã không thể hoàn tất vòng tài trợ mà họ đã lên kế hoạch cho năm nay. công ty đã buộc phải đóng cửa, vì không thể đáp ứng các yêu cầu tài trợ để tiếp tục hoạt động
Hay như nền tảng dịch vụ phòng ảo theo yêu cầu Butler đã phải sa thải toàn bộ lực lượng lao động lên đến 1.000 nhân viên vào hồi tháng 5 vừa qua. Các báo cáo sau đó chỉ ra rằng công ty đã thực sự sụp đổ. Việc đóng cửa là một bất ngờ đối với cơ sở khách hàng của khách sạn, khiến nhiều người phải tranh giành để tìm các lựa chọn thay thế để phục vụ khách của họ.
Theo TechCrunch, sự sụp đổ của Butler là một câu chuyện cảnh báo về cả cơ hội và thách thức tồn tại trong thế giới của các công ty khởi nghiệp. Những bất ổn từ kinh tế cho đến xã hội và những luồng gió cực đoan về sức khỏe cộng đồng đang khiến nhiều công ty khởi nghiệp gặp khó khăn và thất bại.
Còn tại Việt Nam, sự thất bại của WeFit là một trong những ví dụ điển hình. Ra đời giữa năm 2016 bởi Founder Khôi Nguyễn, WeFit là ứng dụng kết nối các phòng tập Gym, Yoga, Boxing, Zumba,…với khách hàng với mục tiêu tạo điều kiện thuận lợi và tiết kiệm thời gian, chi phí cho người sử dụng.
Tuy nhiên, đã có những biến động khiến Wefit không thể “sống sót”, đầu tiên là những khó khăn về dòng tiền cuối năm, bên cạnh đó là việc họ đã “vung tay quá trán” với số tiền nhận được từ các nhà đầu tư. Cuối cùng là đại dịch COVID-19 đã có những tác động nặng nề và là “cọng rơm cuối cùng trên con lạc đà” với Wefit, khiến họ buộc phải ngừng hoạt động trong khi số vốn cạn dần.
Có thể thấy, trong bối cảnh không chắc chắn về kinh tế và cùng với sự hoài nghi của nhà đầu tư, đây là những thời điểm khó khăn của các startup. Những công ty nào không biết cách vượt qua những thách thức ở thời điểm hiện tại, có thể sẽ thất bại.
Theo Diễn đàn Doanh nghiệp