12h trưa, Tỉnh đang bán hàng thì nhận được email có nội dung “bạn là người duy nhất nhận học bổng này”. Cậu thanh niên hào hứng chạy quanh chiếc tủ lạnh và hét tiếng “oh yeah”.
Gác giấc mơ đại học
Hà Viết Tỉnh, 24 tuổi, ở huyện Chương Mỹ, Hà Nội, tốt nghiệp THPT năm 2017 với học lực giỏi. Anh định nộp hồ sơ vào một trường đại học song phải từ bỏ.
“Bố mẹ tôi làm ruộng nên không đủ kinh tế chu cấp cho con học đại học. Mẹ khuyên tôi đi làm để phụ giúp gia đình. Hoàn cảnh gia đình như vậy, tôi không có lựa chọn nào khác”, Tỉnh nói.
Tỉnh sau đó tìm việc làm thêm, miễn việc gì phù hợp, cậu đều làm. Cậu học may tại một xưởng gần nhà, vừa học vừa kiếm được 4-5 triệu mỗi tháng. 8 tháng sau, anh nghỉ việc để đi học nghề tiếp thị sales & marketing, sau đó làm nhân viên bán hàng cho một công ty đến năm 2020. Số tiền kiếm được, Tỉnh tích góp một phần để học đại học, phần còn lại anh trang trải cuộc sống gia đình.
Dù công việc trên ổn định với mức lương khoảng 15 triệu/tháng song trong đầu cậu lúc nào cũng có suy nghĩ: “Công việc này chỉ là tạm thời, mình phải tìm kiếm cơ hội để đi học đại học. Đó là chìa khóa giúp mình và gia đình thoát khỏi hoàn cảnh túng thiếu một cách nhanh nhất”.
Vì định hướng đó nên trong suốt quá trình làm việc, Tỉnh vẫn tự học thêm tiếng Anh. Ban ngày cậu đi làm, tối lên hồ Hoàn Kiếm nói chuyện với người nước ngoài để tăng khả năng giao tiếp.
“Nhiều hôm về muộn, tôi tự nấu cơm, tự ăn một mình. Hiếm bữa nào có đầy đủ bố mẹ. Đôi lúc tôi cũng thấy cô đơn, tủi thân và bị áp lực về kinh tế”, Tỉnh tâm sự.
Vào trường quốc tế
Năm 2020, Tỉnh biết đến học bổng “Chắp cánh ước mơ” của Đại học RMIT qua sự giới thiệu của một trung tâm hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Cậu nộp hồ sơ đăng ký với hy vọng mong manh, vì tiếng Anh của Tỉnh chỉ dừng lại ở mức giao tiếp thông thường.
“Hầu hết tiếng Anh đều do tôi tự học, không có sự nắn chỉnh của thầy cô, cũng không có trường lớp nào dạy chuyên sâu. Đó là lý do tôi gặp rào cản khi làm bài thi đầu vào của trường. Để chinh phục ban tuyển sinh, tôi kể về hành trình 4 năm nỗ lực và ước mơ của mình”, Tỉnh cho hay.
12h trưa tại thị trấn Kim Bài, huyện Thanh Oai, Tỉnh đang làm việc thì nhận được email của trường RMIT: “Bạn là người duy nhất nhận được học bổng này”. Cậu hào hứng chạy quanh chiếc tủ lạnh và không kìm được cảm xúc, phát lên tiếng “oh yeah”. Mọi người xung quanh thắc mắc: “Ô kìa, cháu làm sao thế?”
“Cháu nhận được học bổng và sắp được học đại học rồi”, Tỉnh rú lên một cách phấn khích tại cửa hàng, trước mặt cô chủ và những đồng nghiệp. “Cháu phải tạm dừng làm việc cho cô thôi”, anh cười đùa.
Chàng trai 24 tuổi không giấu nổi niềm vui khi nhận được thông báo trúng học bổng 100%, tương đương 1,5 tỷ đồng học phí (chưa kể tiền hỗ trợ sinh hoạt phí hàng tháng). Sau 1 năm được trường hỗ trợ học chương trình tiếng Anh dự bị, nay Tỉnh đã tự tin và tự hào khi là sinh viên năm nhất ngành Kinh doanh (Quản trị) của Đại học RMIT cơ sở Hà Nội.
“Việc nhận học bổng vào RMIT là bước ngoặt thay đổi cuộc đời tôi, môi trường quốc tế có những nền tảng để học với những chuyên ngành của mình. Nó là đòn bẩy giúp tôi thay đổi cả cuộc đời. Nếu không nhận được học bổng thì tôi vẫn đi học từ trung cấp rồi lên dần, nhưng sẽ mất nhiều thời gian và không biết cuộc đời sẽ trôi dạt về đâu”, Tỉnh chia sẻ.
Hành trình 70km/ngày
Sáng sớm, Tỉnh dậy từ 5 rưỡi, chuẩn bị đồ ăn và bắt chuyến xe bus đầu tiên để đến trường. Mỗi ngày cậu đi 2 chặng từ Chương Mỹ đến trường rồi ngược lại, tổng khoảng 70km, trung bình mất gần 2 tiếng.
Xe bus dừng cách trường không xa, cậu đi bộ vào phòng chờ dành cho sinh viên rồi tranh thủ ngồi đọc thêm tài liệu chuẩn bị cho tiết học bắt đầu lúc 11h. Lúc rảnh, cậu làm thêm dự án cho câu lạc bộ. Với Tỉnh, việc tham gia CLB là cần thiết, giúp cậu hòa nhập với mạng lưới sinh viên, tiếp xúc với những người bạn giỏi và học từ họ những kỹ năng mềm.
“Mọi người giúp mình xử lý công việc nhanh hơn, từ đó có nhiều bạn hơn, khiến cuộc sống sinh viên không nhàm chán và buồn tẻ”, Tỉnh nói.
Nhớ lại những ngày đầu đi học, chàng trai 24 tuổi còn lạ lẫm và có một chút tự ti về trình độ và gia cảnh. Tỉnh lo lắng về khoảng cách giàu nghèo, tuy nhiên, suy nghĩ ấy tan biến ngay sau đó vì cậu có thể kết bạn được với nhiều người.
“Đợt mới vào, mình nghĩ sẽ rất khó bắt nhịp với môi trường này. Nhưng các bạn rất thân thiện, dễ gần, không có rào cản hay bất kỳ ranh giới giàu nghèo. Chúng tôi giúp đỡ lẫn nhau một cách hòa đồng, thân thiện. Dù tuổi của tôi lớn hơn các bạn nhưng không hề bị lạc lõng mà cảm thấy đó là điểm nhấn giúp các bạn nhớ mình lâu hơn”, chàng sinh viên năm nhất chia sẻ.
Trở lại với thực tại, Tỉnh đã tự tin hơn rất nhiều vì khả năng tiếng Anh tăng dần. Cậu có thể tìm tòi và học hỏi thêm nhiều thứ để nâng cao trình độ. Ngoài việc học ở trường, Tỉnh đi dạy thêm tiếng Anh cho trẻ em để trang trải thêm phí sinh hoạt và tích góp phòng trường hợp cần thiết.
Dù đôi lúc thấy tự hào về bản thân nhưng Tỉnh luôn dặn mình “phải cố gắng nhiều hơn” để có một tương lai sáng hơn, thay đổi được hoàn cảnh của gia đình.
“Tôi muốn mình có đủ tự tin và ý chí để làm một người quản lý tốt hoặc sẽ cố gắng mở công ty riêng. Sau tất cả, tôi muốn giúp đỡ những người có hoàn cảnh giống mình. Hành trình 70km/ngày chỉ là tạm thời, tương lai sẽ còn dài hơn nữa nhưng tôi vẫn sẽ kiên trì”, Tỉnh nói.
Theo Phụ nữ Việt Nam