Nghe có vẻ nghịch lý nhưng tiền thực sự là vòng tuần hoàn, và cuối cùng sẽ quay trở lại với gốc rễ.
Hiếu thảo với cha mẹ
Một số người không có cơm ăn áo mặc và nợ nần chồng chất, họ không có cách nào để đưa tiền tiêu vặt cho cha mẹ một cách thường xuyên. Số khác thì nói rằng gia đình dư giả, cha mẹ cũng có đủ tiền để tiêu nên con cái không cần biếu thêm.
Dù tình hình tài chính của cha mẹ ra sao, tiền báo hiếu nên được đưa đều đặn và có định lượng. Bởi cha mẹ có vất vả cực nhọc ra sao, họ vẫn nuôi con cái hết khả năng. Vậy nên khi lớn, con cái nên đền đáp cho cha mẹ. Trong trường hợp bạn không có khả năng kiếm tiền hay không có thu nhập, ít nhất bạn cần nhớ rằng phải ngoan ngoãn, hiếu thảo.
Cha mẹ nào cũng mong con cái thành đạt, sống hạnh phúc. Vì vậy, con cái nên quan tâm đến cha mẹ, đặc biệt khi họ ngày một có tuổi.
Tiền trả lại cho xã hội
Robert T. Kiyosak, tác giả của cuốn sách bán chạy “Cha giàu cha nghèo”, cho biết người cha giàu của ông tin rằng tiền phải được trả cho xã hội trước khi thành công. Trong khi đó, người cha nghèo luôn nói rằng chỉ cần có dư tiền là phải quyên góp. Song trong đời, ông chưa bao giờ dư dả.
Hay như cố Thủ tướng Anh Winston Churchill từng nói: “Chúng ta kiếm sống bằng những gì chúng ta nhận được, nhưng chúng ta tạo dựng cuộc sống cho chính mình bằng những gì chúng ta cho đi”. Việc cho đi giúp bạn sống tích cực và nhìn nhận sự việc ở khía cạnh tươi sáng hơn. Cuộc sống không thể thiếu đi sự đóng góp của chúng ta cho người khác và sự khác biệt mà chúng ta tạo ra trong xã hội.
Vì vậy, hãy biến việc làm này thành thói quen ngay khi còn trẻ. Bạn có thể trích một phần tiền của bản thân để quyên góp, ủng hộ cho những người hay cộng đồng khó khăn.
Dù nghèo khó đến đâu, trên đời vẫn có những người bất hạnh hơn chúng ta và tấm lòng sẵn sàng cho đi sẽ đem lại không ít hạnh phúc.
Khi bắt gặp những người đang vất vả để mưu sinh, bạn nên có sự thương cảm và tấm lòng bao dung. Ngay cả với số tiền nhỏ, bạn cũng có thể giúp mang lại miếng cơm hay áo mặc và niềm hạnh phúc cho người nhận.
Hãy làm mọi công việc với tấm lòng của mình. Đó cũng là một kiểu đền đáp.
Tiền đầu tư vào bản thân
Đầu tư vào bản thân là việc biến mình thành người có kinh nghiệm và toàn diện hơn. Điều này có thể bao gồm đọc nhiều hơn, tạo lịch trình cho bản thân hoặc tham gia lớp học kiến thức, kỹ năng. Nếu đầu tư vào bản thân, bạn có thể thấy năng suất và hạnh phúc của mình được cải thiện. Bạn cũng có thể đạt được những kỹ năng mới hoặc tạo ra những thói quen tích cực, mang lại lợi ích cho bản thân và sự nghiệp.
Nhiều người có ý nghĩ rằng lo ăn còn chưa xong, nợ nần chưa trả hết thì lấy đâu ra tiền để đi học nâng cao bản thân, chưa chắc đã thấy ngay kết quả học tập. Do vậy, họ sẽ không tính đến chuyện đầu tư vào chính mình.
Song việc đầu tư tiền vào bản thân là cách an toàn nhất để quản lý tài chính. Khi đã trang bị cho bản thân kiến thức và kỹ năng, bạn có thể “sống sót” ở bất cứ đâu. Đặc biệt, bộ não là vốn liếng lớn nhất để bạn tiến đến thành công.
Khó khăn trong cuộc sống là điều bình thường. Chỉ khi bạn tự tìm tòi, học hỏi thì mới có thể tạo ra những bước đột phá và nhảy vọt. Những người thông minh biết cách tránh lặp lại những sai lầm tương tự bằng cách học hỏi kinh nghiệm của những người khác.
Vì vậy, tiền cho việc học là cần thiết, thậm chí có thể đầu tư tạm thời cho bản thân bằng cách vay mượn tiền. Bạn có thể kiếm lại bằng những kiến thức và kinh nghiệm đã tích luỹ được.
Bên cạnh đó, bạn cũng nên lưu ý đến việc đầu tư cho sức khoẻ bản thân. Khỏe mạnh là cách tốt nhất để có thể tạo thêm các khoản tiền khác trong tương lai. Đầu tư vào sức khỏe có thể hiểu đơn giản như ăn uống lành mạnh hay đăng ký gói tập thể dục bạn mong muốn.
Theo Aboluowang-Theo Lam Phương-Theo PNVN