Khi cha mẹ ngày càng lớn tuổi, con cái cũng đã trưởng thành và có gia đình riêng. Cuộc sống bận rộn khiến nhiều người không đủ thời gian và sự quan tâm để nhận ra những điều cha mẹ khó nói.
Người làm cha mẹ đã trải qua đủ các giai đoạn, các cung bậc cảm xúc mà con cái đang trải qua. Họ hiểu thấu những khó khăn, vất vả và áp lực trên vai con mình. Do đó, họ rất ít khi than phiền cho bản thân. Thứ mà cha mẹ cất giữ trong lòng không chỉ là sự cô đơn, mà còn ẩn giấu nhiều nỗi niềm khác.
Sau đây là 3 điều cha mẹ rất ngại nói ra khi về già, chúng ta nên đủ tinh tế để hiểu rõ tấm lòng của họ, dành thời gian quan tâm tới cha mẹ nhiều hơn.
Dù có bệnh cũng không muốn nói, sợ trở thành gánh nặng cho con
Vì vất vả mưu sinh, nhiều người rời xa quê hương và cha mẹ, tới nơi khác để làm việc và xây dựng cuộc sống. Điều này khiến họ không có nhiều thời gian ở bên cha mẹ, cũng không thể tận tay chăm sóc cho cuộc sống xế chiều của họ.
Do đó, rất nhiều trường hợp, khi chúng ta nhận được tin nhắn báo tình hình sức khỏe của cha mẹ có vấn đề, chắc hẳn đó đã là một vấn đề nghiêm trọng. Nếu không, họ nhất định sẽ lựa chọn giấu đi, âm thầm điều trị và không nói cho con cái hay.
Khi tuổi già ập tới, sức khỏe thường giảm đi, bệnh tật cũng bắt đầu tìm tới. Cha mẹ luôn có những ngày đau đầu, mỏi người, nhức chân nhức tay, ăn uống không ngon miệng. Tuy nhiên, họ không phàn nàn với bất cứ ai khác. Nếu con cháu có nhận ra, họ chỉ nói một cách nhẹ nhàng “bệnh này qua đêm là khỏi”, “ngủ một giấc là sẽ tốt hơn thôi”…
Thực chất, thâm tâm họ chỉ không muốn đem lại phiền phức hay tạo thêm gánh nặng cho con cái. Họ càng không muốn nói ra để khiến con cái phải lo lắng, bận tâm về mình. Đây là “tâm bệпh” của đa số các bậc làm cha, làm mẹ.
Đó là lý do mà con cái phải luôn dành thời gian để thăm hỏi cha mẹ, cho dù chỉ là một cuộc điện thoại ngắn ngủi vài phút cũng đủ thời gian để tận mắt nhìn thấy cha mẹ mình. Đồng thời, đừng đợi đến lúc họ già yếu, ốm đau mới bắt đầu chăm lo vấn đề sức khỏe.
Khi nói chuyện luôn cẩn thận, sợ con cái không vừa lòng
Đến một ngày nào đó, bạn bỗng nhận ra, tấm lưng cao lớn của cha mẹ giờ đã còng. Khi đứng trước mặt con cháu, họ bắt đầu nói chuyện một cách “cẩn thận”. Đó là khi tuổi già đã tới với cha mẹ.
Khi người ta đã già, họ sẽ giống như một đứa trẻ. Sẽ có lúc cha mẹ để ý sắc mặt của bạn, xem xem bạn đang vui vẻ hay u sầu. Hỷ, nộ, ái, lạc của bạn cũng chính là hỷ, nộ, ái, lạc của họ. Đôi khi, họ nói chuyện dài dòng, lặp đi lặp lại những câu vừa nói xong. Con cái cũng trở nên mất kiên nhẫn và không để tâm tới những gì họ nói. Cha mẹ sẽ luôn để ý thái độ này, âm thầm đặt vào trong lòng chứ không nói ra.
Khi đứng trước người ngoài, đối mặt với xã hội, chúng ta thường luôn mang “bộ mặt tốt đẹp”, lúc nào cũng tươi cười niềm nở, đón ý nói hùa với mọi người xung quanh. Tuy nhiên, khi đứng trước bố mẹ, những người thân yêu nhất, chúng ta lại thể hiện những gì ích kỷ và vô tâm nhất.
Bất luận là cuộc sống có vất vả và bận rộn đến đâu, đáng nhẽ chúng ta vẫn có thể dành ra thời gian để ngồi lại, cùng tâm sự với cha mẹ. Chỉ cần lắng nghe những chuyện xung quanh cuộc sống của con cái, chứng kiến con cái ngày một trưởng thành, đó đã là một niềm hạnh phúc của cha mẹ.
Sợ con cái gặp vấn đề, nhưng bản thân bất lực
Ngày bạn còn nhỏ, cha mẹ tựa như “siêu nhân”, luôn có thể giải quyết mọi thứ. Nhưng đến ngày cha mẹ già đi, sức khỏe cũng suy yếu, họ đã không còn nhiều cách để gánh vác khó khăn thay cho bạn như hồi thơ bé. Họ chỉ có thể dặn dò, lo lắng cho bạn, thường xuyên hỏi thăm tình hình của bạn.
Khi con cái phải đối mặt với sự vất vả của cuộc đời, lỡ gặp chuyện không may, cuộc sống kém thuận lợi, đó đều là những lúc cha mẹ đau đớn và lo lắng nhất. Có đôi khi, họ hàng, bạn bè cười nhạo, gây trở ngại cho bạn, duy chỉ có cha mẹ vẫn dành tình yêu thương cho con cái vô điều kiện.
Thấy con vấp ngã, tổn thương và thất bại, nhưng không thể giúp đỡ, đó là điều cha mẹ lo lắng nhất. Do đó, đừng bao giờ trách cha mẹ để lại cho mình ít, họ đã nỗ lực cả đời vì lo cho các con của mình.
Lời kết
Dù ở thời điểm nào, tình yêu thương của cha mẹ đối với con cái là vô điều kiện, không thể nào báo đáp được. Chính vì thế nên họ mới luôn nghĩ đến con cái, đôi khi sợ con lo lắng, phiền lòng mà không muốn nói ra những cảm nhận của bản thân.
Con người ai cũng sẽ trưởng thành từ đứa trẻ thơ ngây trở thành người lớn chững chạc, rồi cũng sẽ già đi, từ thế hệ này sang thế hệ khác. Cha mẹ của hiện tại cũng chính là hình dáng của bạn trong tương lai. Bạn là con cái của cha mẹ, cũng là cha mẹ của con cái. Do đó, hãy dành thời gian để thấu hiểu và đồng cảm cho những tâm tình của cha mẹ bây giờ.
Cha mẹ còn ở cạnh bên, là hạnh phúc nhất của cuộc đời. Cha mẹ mất đi, thì không còn mái ấm để trở về. Dù có bận đến mấy, hãy cho cha mẹ biết bạn vẫn bình an, dù có nghèo đến mấy, cũng đừng để thiếu sự quan tâm, chăm sóc cho cha mẹ.
(* Tổng hợp)-Phương Thuý-Theo Phụ Nữ Việt Nam