Thời nay, chúng ta rất thường hay bắt gặp phải một loại câu hỏi, đó là “bán cái gì thì giàu, làm cái gì mới có tương lai?”. Theo tôi chỉ cần chúng ta có được lòng yêu thích và sự nhiệt thành cho công việc đó thì bạn nhất định sẽ thành công, cho dù là có bán sữa tắm đi chăng nữa.
Từ Truyền Hóa là đại diện tiêu biểu của giới kinh doanh Chiết Giang, Trung Quốc. Ông dám làm dám chịu, dám đi đầu, phát triển xưởng nhỏ của gia đình thành một doanh nghiệp với doanh thu hàng chục tỷ đồng hằng năm.
1. Dám mạo hiểm
Trên người Từ Truyền Hóa có một loại tinh thần dám mạo hiểm. Xuất thân là nông dân, chỉ đi học đêm để biết chữ mà thôi, nhưng ngay từ nhỏ ông đã dám thử sức mình, thể hiện tài năng kinh doanh mà không chút do dự.
Ông là người đầu tiên đăng ký hợp tác xã nông thôn, đi đầu trong việc trồng cây si và kiếm được 100.000 NDT, rồi trở thành “nhà sản xuất” nổi tiếng ở địa phương. Từ Truyền Hóa đã “dám trở thành người đầu tiên” và tích lũy kinh nghiệm thực tiễn phong phú.
Thế nhưng, trời luôn có những trận mưa bão khó lường. Năm 1985, con trai ông là Từ Quan Cự mắc bệnh thiếu máu huyết tán, còn ông thì bị cho “nghỉ việc” trước thời hạn, khiến gia đình lâm vào cảnh nợ nần chồng chất. Tuyệt vọng, Từ Truyền Hóa quyết định khởi nghiệp và thành lập một xưởng gia đình để sản xuất xà phòng dạng nước.
Điều kiện lúc đó rất khó khăn, nhưng Từ Truyền Hóa luôn kiên trì tìm ra giải pháp. Ông dùng một chiếc bồn lớn làm bồn trộn, một cái nồi sắt lớn làm nồi phản ứng, ông mời thầy Hồng về hướng dẫn sản xuất, và thế là xưởng nhỏ đã có một khởi đầu suôn sẻ.
Để phát triển thị trường, ông sản xuất sữa tắm vào ban đêm và giao hàng tận nơi bằng xe đạp vào ban ngày. Sau một thời gian nỗ lực, công việc kinh doanh của xưởng nhỏ cũng đã phát triển nhanh chóng, với doanh thu đạt 330.000 nhân dân tệ trong năm thứ hai.
Với nhu cầu thị trường ngày càng cao, sữa tắm của Từ Truyền Hóa bắt đầu cháy hàng, ông muốn mở rộng sản xuất nhưng công nghệ lại trở thành “trở ngại” lớn.
2. “2000 tệ mua một thìa muối”
Vào thời điểm đó, Từ Truyền Hóa phải đối mặt với vấn đề kỹ thuật là “làm thế nào để làm xà phòng đặc quánh lại”. Ông phát hiện mỗi lần bào chế, thầy Hồng đều sẽ cho thêm một gói hạt màu trắng vào để nước xà phòng đặc hơn, nhưng thầy Hồng lại từ chối tiết lộ công thức then chốt này.
Sau nhiều lần thử nghiệm, Từ Truyền Hóa vẫn không thể giải được bài toán này. Cuối cùng, ông cắn răng bỏ ra 2.000 NDT để mua công thức, hóa ra thứ hạt trắng đó chính là “muối”.
Ông dặn con trai Từ Quan Cự phải chuyên tâm học tập, nâng cao khả năng nghiên cứu khoa học của doanh nghiệp.
Khi đó, Từ Truyền Hóa nhận thấy vết dầu trên vải mộc in nhuộm rất khó tẩy nên muốn phát triển một loại bột giặt để tẩy vết dầu này. Nhiệm vụ này được giao cho Từ Quan Cự, người chỉ có học lực trung học cơ sở.
Từ đó, Từ Quan Cự ngâm mình trong phòng thí nghiệm mỗi ngày, cắm đầu nghiên cứu quên ăn quên ngủ. Sau hơn 1.000 lần thất bại, cuối cùng anh cũng đã phát triển được chất phụ trợ dệt may đầu tiên ở Trung Quốc, đó là “đặc hiệu trừ dầu 901”, gây chấn động trong ngành.
Kể từ đó, sự phát triển của Transfar Group đã đi vào làn đường nhanh chóng. Theo danh sách 500 doanh nghiệp hàng đầu Trung Quốc năm 2017, doanh thu của Transfar Group cao tới 33 tỷ nhân dân tệ.
Bây giờ, Từ Truyền Hóa đã lùi lại hậu trường, để Từ Quan Cự tiếp quản công ty.
Hành trình khởi nghiệp của mỗi người đều có những cốt truyện riêng biệt. Từ những người có học thức đến những người chỉ mới tốt nghiệp tiểu học, từ những người đã sẵn giàu có đến những người khởi nghiệp đúng nghĩa chỉ với hai bàn tay trắng. Nhưng điểm chung của tất cả chính là không ngừng cố gắng, quật ngã chướng ngại vật, hết mình theo đuổi và mạo hiểm.
Trần Anh-Theo Phụ nữ Việt Nam