Từ mô hình nuôi chồn hương đã giúp anh Khúc Văn Phường, ở thôn 5, xã Đắk Búk So (huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông) thu 500 triệu đồng mỗi năm.
Trong một lần tình cờ, anh Khúc Văn Phường mua được 2 con chồn hương về nuôi. Ban đầu, chỉ nghĩ nuôi cho vui nhưng sau quá trình chăm sóc, anh Phường thấy chồn hương là loài dễ nuôi, cho thu nhập cao nên nảy sinh ý tưởng xây dựng chuồng trại, đầu tư con giống.
Để biết tập tính của chồn hương, anh đã tìm hiểu cách nuôi ở các trang trại và tham khảo tư liệu trên mạng internet. Khi nắm bắt được kiến thức và hiểu hơn về loại vật này, năm 2018, anh bắt đầu mua chồn hương giống để phát triển đàn nuôi.
Anh lên mạng tìm hiểu các địa chỉ bán chồn, sau đó chủ động liên hệ đi xem giống và mua. “Ban đầu, tôi đầu tư 20 triệu đồng mua 8 con chồn giống từ 1 trang trại ở Vĩnh Long, gồm 7 con cái, 1 con đực. Tôi tận dụng diện tích phía sau nhà thoáng mát, yên tĩnh để làm chuồng nuôi. Chuồng được chia thành 2 dãy, chủ yếu nuôi chồn hương sinh sản và chồn thịt. Mỗi chuồng có diện tích 60 x 80 cm, cao hơn mặt đất khoảng 40 – 50 cm”.
Cũng theo anh Phường, chuồng làm bằng gỗ kiên cố, bao quanh bằng lưới sắt, cửa có then cài, chắc chắn để chồn không chui ra ngoài. Chuồng nuôi chồn đẻ, phần đáy được làm bằng các tấm gỗ nhẵn, khe hở khoảng 1 cm giữa các tấm để chồn con không bị lọt chân.
Nói về quá trình khởi nghiệp, anh Phường chia sẻ thêm: “Trước đây, tôi mua giống trôi nổi, không phân biệt được nguồn giống. Có lần tôi đã mất 60 triệu đồng vì mua phải chồn bị bệnh tiêu chảy, về được 1 tuần thì chết hết. Từ đó, tôi rút ra một điều, con giống sạch bệnh và nguồn gốc chồn rõ ràng là điều quan trọng nhất để bắt tay vào khởi nghiệp tránh rủi ro và thất bại. Ngoài ra, nuôi chồn phải có giấy phép của cơ quan chức năng…”.
Anh Phường cho biết thêm, nuôi chồn hương sinh sản phải hạn chế tối đa người lạ để cách ly tuyệt đối với bên ngoài và bảo đảm môi trường yên tĩnh. Đặc biệt, tránh gây hoảng loạn cho chồn, nếu không chồn sẽ cắn con mới sinh gây thiệt hại lớn cho việc chăn nuôi.
Thức ăn của chồn hương khá đa dạng, dễ kiếm trong tự nhiên và quanh nhà, có thể là bột cám, cháo nấu, côn trùng, một số loại trái cây như đu đủ, chuối chín, cà phê… hoặc cơm. Trong quá trình nuôi, cần đặc biệt quan tâm đến khâu chăm sóc, áp dụng đúng kỹ thuật về vệ sinh chuồng trại, chế độ ăn uống để phòng bệnh cho chồn hương.
Hiện nay, đàn chồn hương của anh Phường có 40 con chồn mẹ, 8 con chồn đực giống với chu kỳ sinh sản 2 lứa/năm, mỗi lứa từ 3-4 chồn con. Anh Phường đang bán chồn hương giống khoảng 2,5 tháng tuổi trở lên với giá từ 8 triệu đồng/một cặp, tùy theo kích thước và trọng lượng. Chồn hương thương phẩm được bán với giá từ 1,4-1,5 triệu đồng/kg.
Mỗi năm, anh Phường bán được hơn 100 con giống, mang về nguồn thu nhập trên 500 triệu đồng. Nhờ chăm sóc tốt nên chồn hương giống và chồn thương phẩm của anh Phường đạt tiêu chuẩn, được nhiều người trong và ngoài tỉnh đến đặt mua, thậm chí không đủ hàng để cung cấp cho khách. Anh cũng đã lập nhiều kênh để bán chồn qua tiktok, mạng xã hội facebook, youtube…
Theo ông Ngô Văn Thịnh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đắk Búk So (huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông), mô hình nuôi chồn hương của anh Phường mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Thời gian qua, mô hình nuôi chồn của anh đã trở thành điểm tham quan, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm của nhiều nông dân tại địa phương. Anh Phường còn chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ giống cho nhiều thành viên hội nông dân, từ đó mở ra hướng chăn nuôi chồn cho nông dân địa phương.
Hưng Nguyên (Báo Đắk Nông)