Bộ trưởng Năng lương Bỉ Tinne Van der Straeten cảnh báo rằng ‘5-10 mùa đông tới sẽ rất khủng khiếp’ nếu EU không áp giá trần đối với khí đốt.
Viễn cảnh tồi tệ nếu EU không áp giá trần khí đốt ?
Đài CNBC (Mỹ) đưa tin, mới đây Bộ trưởng Năng lương Bỉ Tinne Van der Straeten vừa cảnh báo rằng châu Âu sẽ phải đối mặt với từ 5 đến 10 mùa đông “khủng khiếp” trong tương lai, nếu như Liên minh châu Âu (EU) không nhanh chóng áp giá trần đối với khí đốt.
“5-10 mùa đông tới sẽ rất khủng khiếp nếu [EU] không hành động”, bà Van der Straeten đăng lời cảnh báo của mình trên mạng xã hội Twitter. “Chúng ta phải hành động từ cấp châu Âu, và nỗ lực ‘đóng băng’ giá khí đốt.”
Theo bà Van der Straeten, mức giá trần có thể giúp giảm 770 Euro/năm trong hóa đơn năng lượng của mỗi hộ gia đình ở châu Âu.
Bình luận trên được bà Van der Straeten đưa ra trong bối cảnh ngày càng có nhiều lời kêu gọi EU khẩn trương có biện pháp giải quyết tình trạng giá năng lượng tăng vọt, ảnh hưởng đến hầu bao của các hộ gia đình và doanh nghiệp.
Giá khí đốt đã tăng lên mức cao kỷ lục sau khi xung đột quân sự Nga-Ukraine bùng nổ và tới nay đã kéo dài hơn 6 tháng, kéo theo một loạt các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga. Điều này cũng đã làm tăng giá điện, do khí đốt là nguồn năng lượng chính để sản xuất điện ở châu Âu.
Bộ trưởng Năng lương Bỉ Van der Straeten nhấn mạnh rằng giá khí đốt và giá điện cần một cuộc “cải cách” khẩn cấp: “Điện vẫn được sản xuất với giá rẻ như năm ngoái, nhưng lại được bán ra với giá cao kỷ lục. Đây là điều mà các hộ gia đình và doanh nghiệp không thể chấp nhận”.
Các chính phủ châu Âu đang gấp rút bơm đầy các cơ sở lưu trữ khí đốt dưới lòng đất để bảo đảm nguồn cung trong những tháng tới, trong bối cảnh cuộc xung đột Nga-Ukraine vẫn tiếp diễn và có nhiều điều bất định.
Nga – quốc gia cung cấp khoảng 40% nhu cầu khí đốt của EU trong năm ngoái – đã giảm mạnh lưu lượng khí đốt xuất sang EU trong những tuần gần đây, với lý do là thiết bị lỗi và bị ảnh hưởng do các lệnh trừng phạt.
Đức lên án việc Nga cắt giảm nguồn cung là một động thái chính trị nhằm gây ảnh hưởng lên EU.
Trong khi đó, Thủ tướng Áo Karl Nehammer đã lên tiếng ủng hộ việc áp giá trần đối với khí đốt trên toàn EU trong bối cảnh giá năng lượng tăng cao: “Thị trường sẽ không tự điều chỉnh với tình trạng hiện tại. Tôi kêu gọi tất cả 27 quốc gia thành viên EU cùng hợp tác để ngăn chặn ‘sự bùng nổ’ về giá khí đốt ngay lập tức”.
Hãng thông tấn Reuters (Anh) cho biết, Cộng hòa Séc sẽ triệu tập cuộc họp khẩn cấp của các Bộ trưởng Năng lượng EU vào ngày 9/9 tới để tìm ra một thỏa thuận toàn khối nhằm giải quyết tình trạng giá điện tăng cao, theo đó có khả năng EU sẽ thông qua việc áp giá trần đối với khí đốt được sử dụng trong sản xuất điện.
Theo Bộ trưởng Bộ Công nghiệp CH Séc Jozef Sikela, các quốc gia cũng có một lựa chọn khác là sự can thiệp vào thị trường của nhà nước, hoặc của Ngân hàng Trung ương châu Âu và các công cụ khác. Những lựa chọn này dự kiến cũng sẽ được thảo luận tại phiên họp ngày 9/9 tới.
Chủ tịch Ủy ban Châu Âu kêu gọi “can thiệp khẩn cấp” vào thị trường điện
Theo bà Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen, cuộc khủng hoảng năng lượng ngày càng tồi tệ tại châu Âu đã cho thấy rõ những hạn chế của thị trường điện và đòi hỏi một “sự can thiệp khẩn cấp” nhằm kiểm soát đà tăng giá.
Phát biểu tại Diễn đàn Chiến lược Bled hôm 29/8, bà Von der Leyen cho biết: “[Thị trường điện của châu Âu] được phát triển trong những hoàn cảnh khác nhau cho những mục đích hoàn toàn khác, và hiện không còn phù hợp với mục đích nữa.”
“Đó là lý do tại sao Ủy ban châu Âu hiện đang tiến hành can thiệp khẩn cấp và cải cách cấu trúc thị trường điện. Chúng ta cần một mô hình mới thực sự hiệu quả và đưa chúng ta trở lại trạng thái cân bằng”, bà Von der Leyen nói.
Ngày nay, thị trường bán buôn điện của EU hoạt động trên cơ sở định giá biên. Theo hệ thống này, tất cả các nhà sản xuất điện – dù họ sử dụng nhiên liệu hóa thạch hay năng lượng tái tạo như gió và mặt trời – đều đấu thầu vào thị trường và cung cấp điện theo chi phí sản xuất của họ.
Việc đấu thầu bắt đầu từ các nguồn rẻ nhất – năng lượng tái tạo – và kết thúc bằng nguồn đắt nhất – thường là khí đốt.
Vì hầu hết các nước EU vẫn dựa vào nhiên liệu hóa thạch để đáp ứng mọi nhu cầu năng lượng của họ, nên giá điện cuối cùng thường được ấn định bằng giá khí đốt. Nếu giá khí đốt tăng, thì hóa đơn tiền điện chắc chắn sẽ tăng lên, ngay cả khi các nguồn năng lượng sạch và rẻ hơn cũng góp phần cung cấp năng lượng.
Hệ thống ban đầu được ca ngợi vì thúc đẩy tính minh bạch và thúc đẩy chuyển đổi sang các nguồn năng lượng xanh, nhưng giá khí đốt tăng cao đã khiến hệ thống này lộ điểm yếu.
“Ông lớn” dầu khí Shell: Châu Âu có nguy cơ thiếu khí đốt vài năm
Đài RT (Nga) dẫn nguồn tin của hãng thông tấn Reuters (Anh) cho biết, mới đây ông Ben van Beurden, lãnh đạo tập đoàn dầu khí Shell của Anh cảnh báo rằng “lục địa già” có nguy cơ phải đối mặt với tình cảnh thiếu khí đốt trong vài mùa đông tới.
“Tôi cho rằng cuộc khủng hoảng hiện nay sẽ không chỉ dừng lại sau một mùa đông. Rất có thể chúng ta sẽ còn phải chật vật thêm vài năm trước khi tìm được giải pháp”, ông Van Beurden nói.
Lãnh đạo tập đoàn Shell chỉ ra rằng châu Âu vẫn sẽ tiếp tục chịu áp lực trong quá trình nỗ lực ngừng nhập khí đốt Nga vào năm 2027, trong khi những kỳ vọng về một giải pháp nhanh chóng cho cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay tại châu Âu “là điều viển vông mà chúng ta cần quên đi.”
Trong khi đó, trả lời đài CNBC hôm 29/8, cựu Phó Chủ tịch công ty năng lượng Saudi Aramco, ông Sadad Al-Husseini, nói rằng phần còn lại của thế giới không có đủ năng lực để thay thế nguồn cung khí đốt của Nga cho EU, trong khi Moskva có nhiều khách hàng khác để tiêu thụ nguồn nhiên liệu của mình.
Theo ông Al-Husseini, “Mỹ không có đủ khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) để thế chân Nga trên thị trường châu Âu”, đồng thời ông cũng cảnh báo rằng giá năng lượng tại châu Âu sẽ tăng cao trong mùa đông năm nay.
Và theo vị cựu Phó Chủ tịch công ty năng lượng Saudi Aramco, điều đó có thể dẫn đến những vấn đề nghiêm trọng trên thị trường năng lượng toàn cầu. “Sẽ mất nhiều năm để EU tìm được nguồn năng lượng thay thế cho nguồn cung của Nga”, ông Al-Husseini nhấn mạnh.
Về vấn đề Nga mất khách hàng châu Âu, ông Al-Husseini lưu ý rằng Nga còn nhiều khách hàng lớn khác như Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ…
Trong khi đó, châu Âu không có nguồn cung năng lượng thay thế khi “công suất của Mỹ đã ở mức tối đa, nguồn cung Bắc Phi có vấn đề, và OPEC cũng đang cạn kiệt công suất dự phòng. Vì vậy, đây là một vấn đề toàn cầu”, theo ông Al-Husseini.
Tỷ phú Elon Musk: Thế giới vẫn cần dầu khí trong tương lai gần
Đài RT dẫn lời ông chủ tập đoàn Tesla, tỷ phú Elon Musk, cho biết việc chuyển đổi sang các nguồn năng lượng tái tạo là một trong những nhiệm vụ khó khăn nhất của nhân loại và nó có thể mất vài thập kỷ để hoàn thành quá trình chuyển đổi này.
Theo đó, tỷ phú Musk nhấn mạnh rằng thế giới cần tiếp tục khai thác các nguồn năng lượng hóa thạch là dầu mỏ và khí đốt để duy trì nền văn minh trong khi phát triển các nguồn năng lượng bền vững.
“Tôi cho rằng nếu chúng ta không sử dụng dầu và khí đốt trong ngắn hạn thì nền văn minh sẽ sụp đổ. Chúng ta cũng cần phải vạch ra con đường rõ ràng cho một tương lai năng lượng bền vững”, tỷ phú Musk phát biểu trong một hội nghị năng lượng ở Na Uy./.
Tổng hợp: CNBC, Reuters, Euronews, RT-Theo Hồng Anh-Tổ quốc