Chuyển đổi số là một việc khó nhưng là xu hướng tất yếu khách quan, động lực quan trọng để phát triển kinh tế xã – hội nhanh, bền vững.
Đây là chia sẻ của Bà Nguyễn Thị Minh Huyền, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) tại chức Hội nghị xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ Bưởi Phúc Trạch Hương Khê, Hà Tĩnh, chiều 30/8.
Do đó, theo bà Nguyễn Thị Minh Huyền cần triển khai khẩn trương, kiên trì và liên tục. Kết nối thương mại điện tử hay kết nối thúc đẩy lưu thông hàng hóa theo phương thức truyền thống và hiện đại là giải pháp căn cơ cho phát triển, đẩy mạnh lưu thông hàng hóa, tăng trưởng kinh tế hiện nay.
Bà Nguyễn Thị Minh Huyền đánh giá, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (TMĐT và KTS) cùng với các Cục/Vụ cũng như các tỉnh thành, địa phương đã triển khai hàng loạt sự kiện kết nối thương mại điện tử cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, chương trình tập huấn đào tạo, phổ biến kiến thức và ứng dụng thương mại điện tử để phân phối hàng hóa nông sản ở gần 40 tỉnh, thành phố… trên cả nước, đạt được những kết quả tích cực.
Theo Báo cáo Chỉ số thương mại điện tử 2022 (Vecom và Cục TMĐT & KTS), chỉ số thương mại điện tử của tỉnh Hà Tĩnh hiện đứng 39/56 tỉnh, thành cả nước trong bảng xếp hạng và cho thấy thấy thương mại điện tử của tỉnh Hà Tĩnh còn nhiều không gian để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, mở rộng kênh phân phối hiện đại, nâng cao giá trị các sản phẩm của tỉnh.
Hiện nay, giao dịch qua thương mại điện tử trên địa bàn Hà Tĩnh đã trở thành phương thức khá phổ biến, được cả doanh nghiệp sản xuất, phân phối và người tiêu dùng chủ động khai thác.
Theo đánh giá của Sở Công Thương, nhiều doanh nghiệp đã đăng ký website thực hiện các dịch vụ thương mại điện tử cũng như tham gia cung ứng sản phẩm, hàng hóa, hỗ trợ và thông tin trực tiếp cho người tiêu dùng qua môi trường trực tuyến.
Trao đổi tại Hội nghị, ông Ngô Xuân Ninh, Chủ tịch UBND huyện Hương Khê cho biết, Hương Khê là huyện miền núi nằm ở phía Tây Nam của tỉnh Hà Tĩnh; địa hình lòng chảo, bao quanh là các dãy núi được bao phủ những cánh rừng nguyên sinh tạo nên tiểu khí hậu đặc biệt; tất cả đã góp phần sản sinh ra đặc sản bưởi Phúc Trạch với nét đặc trưng, riêng biệt và nổi tiếng cả nước.
Cây bưởi Phúc Trạch ra hoa, kết trái vào trung tuần tháng 2 hằng năm, chịu ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc, nhiệt độ trung bình xuống thấp dưới 200C, cá biệt có khi dưới 100C.
Sản phẩm bưởi Phúc Trạch đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý “Phúc Trạch” cho sản phẩm “Quả bưởi”, khu vực địa lý gồm 19 xã thuộc địa bàn huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh. Ảnh: Quỳnh Trang
Quả bưởi phát triển trong suốt mùa nắng nóng (bắt đầu từ tháng 4 đến tháng 8) kèm theo hạn hán kéo dài (có thể trên 50 ngày liên tục không có mưa); đặc biệt từ tháng 6-7 chịu ảnh hưởng của gió Lào (gió mùa Tây Nam), nhiệt độ lên đến 39-400C kèm theo nắng nóng gay gắt.
Sản phẩm bưởi Phúc Trạch đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý “Phúc Trạch” cho sản phẩm “Quả bưởi”, khu vực địa lý gồm 19 xã thuộc địa bàn huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh; đây cũng là một trong 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam được EU cam kết bảo hộ từ ngày 01/8/2020.
Tổ chức kỷ lục Việt Nam đã xác lập kỷ lục đặc sản “Bưởi Phúc Trạch” của tỉnh Hà Tĩnh vào Top 50 đặc sản trái cây nổi tiếng Việt Nam. Quả bưởi Phúc Trạch có nhiều khoáng chất, hàm lượng axít hữu cơ từ 0,26-0,79%, hàm lượng Vitamin C từ 32-75mg/100g; do đó ăn bưởi Phúc Trạch rất tốt cho sức khỏe, làm tăng sức đề kháng.
Hiện nay, tổng diện tích trồng tại 19 xã thuộc vùng chỉ dẫn địa lý bưởi Phúc Trạch là 2.714 ha, trong đó có 1.920 ha bưởi thời kỳ cho quả tổng sản lượng trên 23.000 tấn. Toàn huyện có 122 tổ hợp tác với diện tích 730ha được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap; 01 Tổ hợp tác sản xuất bưởi Phúc Trạch (6,5 ha) đạt tiêu chuẩn GlobalGAP; một số mô hình đang phát triển theo hướng hữu cơ.
Bưởi Phúc Trạch, Hương Khê Hà Tĩnh đã có mặt tại các hệ thống phân phối lớn như siêu thị Big C, Vinmart, Co.op mart và chuỗi Nông sản sạch tại Hà Nội, Quảng Ninh. Một số doanh nghiệp, hợp tác xã đang tích cực xúc tiến các thủ tục để đủ điều kiện xuất khẩu bưởi sang các thị trường EU, Hoa Kỳ.
Nhằm đẩy mạnh công tác quảng bá sản phẩm, từ năm 2021, UBND tỉnh Hà Tĩnh, Sở Công Thương Hà Tĩnh đã phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số – Bộ Công Thương xây dựng các gian hàng Bưởi Phúc Trạch – Hà Tĩnh trên các sàn thương mại điện tử như Voso, Postmart, Sendo, Shopee và sàn thương mại điện tử của Tỉnh.
Hiện tại, trái bưởi Phúc Trạch đang được tổ chức bán rộng rãi trên các Sàn thương mại điện tử lớn như Sendo , Voso , Postmart , Shopee , Tiki … và các kênh trực tuyến khác.
Thông qua Hội nghị, các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và hộ nông dân trồng bưởi nói chung và các sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh nói riêng có nhiều cơ hội tiếp cận với các sàn giao dịch thương mại điện tử lớn tại Việt Nam.
Đặc biệt, giúp người tiêu dùng trong cả nước biết đến quả bưởi Phúc Trạch (Hương Khê, Hà Tĩnh) qua đó tìm kiếm các đối tác kinh doanh, mở rộng thị trường tiêu thụ bưởi Phúc Trạch trong thời gian tới được thuận lợi hơn.
Trong khuôn khổ Hội nghị cũng diễn ra Lễ ký kết và trao biên bản thỏa thuận ghi nhớ hợp tác tiêu thụ sản phẩm bưởi Phúc Trạch giữa UBND huyện Hương Khê, các hợp tác xã Hà Tĩnh với các doanh nghiệp đầu mối tiêu thụ, hệ thống siêu thị và các Sàn thương mại điện tử như Voso, Postmart.
Theo Nguyễn Việt-Diễn đàn Doanh nghiệp