Vốn là những nông dân nghèo, xuất phát điểm khó khăn, song bằng ý chí và nghị lực vươn lên, họ đã “bám đất, bám làng“ để xây dựng các mô hình kinh tế hiệu quả với quyết tâm làm giàu trên chính quê hương mình.
Thành công với cây đô la bạc, cắt lá bán cũng có 2-3 triệu đồng/ngày
Trên vùng đất Kon Thụp (huyện Mang Yang, Gia Lai), nông dân trẻ Lê Văn Thìn (làng Chuk) mạnh dạn trồng loại cây mới mang tên đô la bạc để cung cấp cành, lá cắm hoa hoặc chiết xuất tinh dầu. Hướng đi mới đang giúp gia đình anh có thu nhập 2-3 triệu đồng/ngày.
Anh Thìn kể: “Trước đây, tôi tích góp mua được 1 ha rẫy trồng hồ tiêu. Nhưng hồ tiêu mắc bệnh rồi chết sạch. Tiếp đó, gia đình đành phá bỏ hồ tiêu để trồng khoai lang, ớt, mì… nhưng thu nhập cũng chẳng được là bao. Đầu năm 2022, một người quen khuyên nên thử nghiệm trồng cây đô la bạc (khuynh diệp)”.
Theo anh Thìn, loài cây này có nguồn gốc từ châu Úc, được trồng để sản xuất tinh dầu, cắm hoa trang trí. Nhiều người còn dùng để nấu nước xông khi cảm hay bỏ trên xe ô tô để khử mùi. “Ở nước ta, ngoài Lâm Đồng thì có mấy tỉnh phía Bắc đã trồng. Sau khi lên mạng tìm hiểu kỹ, tôi mạnh dạn đặt mua 1.200 cây giống về trồng”.
Đầu tháng 3, anh Thìn cày đất, đào hố, làm hệ thống tưới nhỏ giọt tự động rồi xuống giống. Chi phí đầu tư ban đầu gần 200 triệu đồng. Nhưng rồi vì thiếu kinh nghiệm, kỹ thuật nên một số cây giống bị chết. Không nản chí, anh vừa làm vừa học hỏi, sau vài tháng thì cây đã lên xanh tốt.
“Tôi đang cắt cành, lá cây bán cho khách hàng với giá 80-120 ngàn đồng/kg. Mỗi ngày, có khoảng 20-30 kg cành lá theo xe đò từ Kon Thụp đến các cửa hàng hoa trên địa bàn tỉnh Gia Lai và Bình Định. Ngoài ra, tôi cũng đến các cửa hàng bán hoa tươi ở TP. Pleiku, Quy Nhơn chào hàng và nhận được thêm nhiều đơn hàng. Nhờ loài cây này, gia đình tôi thu nhập 2-3 triệu đồng/ngày. Tôi tính khoảng vài tháng nữa là trả hết nợ đầu tư ban đầu, sau đó sẽ có lãi”-anh Thìn vui mừng chia sẻ.
Ông Lương Đình Lực-Chủ tịch UBND xã Kon Thụp-cho biết: “Gia đình anh Thìn là hộ duy nhất ở xã trồng cây đô la bạc. Chúng tôi đánh giá cao những nông dân trẻ, nhanh nhạy với thị trường, mạnh dạn trồng loại cây mới để có thu nhập ổn định hơn như anh Thìn. Tuy nhiên, xã cũng khuyến cáo người dân cần tìm hiểu kỹ thị trường, không nên trồng ồ ạt, tránh trường hợp như cây sa chi, hồ tiêu”.
Đất cằn nở hoa
Lâu nay, ông Pốt là tấm gương điển hình sản xuất kinh doanh giỏi của làng Đak Bớt, xã Đak Trôi, huyện Mang Yang. Năm 1995, nhờ nguồn vốn vay 30 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách Xã hội, ông Pốt đã đầu tư làm chuồng trại, mua 2 con bò sinh sản về nuôi.
Sau khi tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật về chăn nuôi, ông đã trồng thêm cỏ voi để chủ động nguồn thức ăn, đồng thời mở rộng chuồng trại, vay vốn mua thêm bò giống. Hiện gia đình ông có hơn 20 con bò.
“Không dừng lại ở đó, tôi còn khai hoang đất để trồng cây bời lời, mì và lúa nước. Sau khi có nguồn thu ổn định, tôi dùng số tiền tích lũy mua thêm đất để mở rộng diện tích sản xuất và chuyển dần sang trồng các loại cây công nghiệp dài ngày. Đến nay, tôi sở hữu hơn 1 ha mì, 200 cây cà phê, 500 trụ hồ tiêu, 5 sào lúa nước. Sau khi trừ chi phí, gia đình tôi thu về gần 200 triệu đồng/năm”-ông Pốt bộc bạch.
Với sự nỗ lực trong sản xuất, gia đình ông Pốt nhiều năm liền đạt danh hiệu hộ sản xuất kinh doanh giỏi của huyện và tỉnh. Không những thế, ông còn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm về chăn nuôi, trồng trọt cho bà con trong làng, vận động mọi người cùng nỗ lực làm kinh tế, vươn lên thoát nghèo.
Anh Hlêk cho hay: “Trước đây, gia đình tôi trồng gần 300 cây cà phê và hơn 2 sào lúa nước nhưng hiệu quả không cao. Nhờ sự hướng dẫn tận tình của ông Pốt, tôi đã chuyển đổi diện tích cà phê già cỗi sang cây mì. Giờ đây, gia đình tôi không còn lo thiếu cái ăn, cái mặc nữa”.
Chị Rlan Pyit (làng Khối Zố, xã Ia Tiêm, huyện Chư Sê) cũng là tấm gương vượt khó vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng gia đình hạnh phúc. Chị kể: Năm 18 tuổi, chị lập gia đình. Ngày đó, tài sản của 2 vợ chồng là 1 sào cà phê già cỗi do ông bà để lại. Để có cái ăn qua ngày, anh chị phải đi làm thuê. Rồi con bị đau ốm, nằm viện mấy năm liền. Cuộc sống lại càng thêm khó khăn.
Sau nhiều đêm trăn trở, chị bàn với chồng mạnh dạn vay 10 triệu đồng để đầu tư chăm sóc 1 sào cà phê của gia đình. Cùng với việc mua phân bón cho cà phê, chị cũng trích một phần mua heo, gà về nuôi.
2 năm sau, nhờ dành dụm, gia đình chị Pyit đã mua thêm đất để trồng cà phê, hồ tiêu và cây ăn quả. Hiện gia đình chị có hơn 2 ha cà phê, 3 sào sầu riêng, 2 sào hồ tiêu và 8 sào lúa nước. Mỗi năm, gia đình thu về 300-400 triệu đồng sau khi trừ chi phí. Hiện trang trại tổng hợp của gia đình chị Pyit còn tạo việc làm thường xuyên và ổn định cho 4-5 lao động địa phương.
Khi được hỏi về kinh nghiệm phát triển kinh tế tổng hợp, chị Pyit không ngần ngại cho biết: “Điều quan trọng nhất là phải chịu khó làm việc. Ngoài ra, phải chọn được cây giống, con giống tốt; đồng thời biết áp dụng khoa học kỹ thuật thì mới đem lại hiệu quả kinh tế cao”.
Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Thảo-Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Ia Tiêm-nhận xét: Chị Pyit rất tích cực trong việc tuyên truyền, vận động chị em có điều kiện kinh tế khá giúp đỡ những chị em nghèo để vươn lên thoát nghèo. Hàng năm, gia đình chị luôn đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”. Mới đây, chị Pyit được Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Chư Sê tặng giấy khen trong xây dựng gia đình hội viên phụ nữ tiêu biểu giai đoạn 2021-2022.
Thiên Di-Hà Phương-Trần Dung (baogialai.com.vn)