Ở tuổi ‘ăn chưa no, lo chưa tới’, nhóm học sinh ở Singapore đã tự mở công ty để giúp bạn bè đồng trang lứa có thể tự cân đối tài chính và tiếp cận được với thanh toán điện tử.
Bridge là một nền tảng thanh toán di động và quản lý tài chính cho thanh thiếu niên ở quốc đảo Singapore. Bắt đầu từ thực tế của bản thân, nhóm sáng lập đã phải đối mặt với rất nhiều vấn đề trong việc quản lý tài chính ở lứa tuổi học đường, và từ đó Bridge ra đời.
Các nam sinh đã cùng nhau phát triển ứng dụng và đem đi dự thi IdeaHacks in 2018 và giành chiến thắng chung cuộc. Sau đây là bài phỏng vấn với Rafael Soh, sáng lập viên của Bridge, để hiểu được những khó khăn và thuận lợi khi khởi nghiệp ở tuổi 15.
– Bridge là gì?
Bridge là nền tảng thanh toán di động và quản lý tài chính dành cho thanh thiếu niên. Sau khi đăng ký tài khoản, người dùng là các cô cậu thiếu niên sẽ có một chiếc ví điện tử có liên kết với tài khoản ngân hàng của cha mẹ.
Bằng cách này, họ sẽ chi tiêu, tiết kiệm hay nhận tiền từ cha mẹ một cách dễ dàng. Mặt khác, phụ huynh có thể theo dõi mức độ chi tiêu, khoản dành dụm của con và gửi tiền cho con khi cần thiết.
Thông qua Bridge, chúng tôi hy vọng sẽ tạo nên thói quen thanh toán không tiền mặt cho thế hệ công dân tiếp theo, cũng như đem lại sự minh bạch và tính bảo mật trong chi tiêu cho thanh thiếu niên Singapore.
Bằng cách này, người trẻ Singapore sẽ quản lý chi tiêu của mình một cách hiệu quả và học được cách cân đối tài chính khi bước vào đời sau này.
– Động lực nào khiến bạn tạo nên Bridge?
Bản thân là một thiếu niên, chính chúng tôi phải đối mặt với rất nhiều vấn đề khi tự xoay xở tài chính. Không chỉ rắc rối và tốn thời gian, mà chúng tôi còn thường bị thiếu hụt do chi tiêu quá mức.
Thanh toán di động là một trong những tính năng tuyệt vời mà điện thoại thông minh có được, nhưng rõ ràng nó chỉ nhắm vào đối tượng khách hàng là người lớn, thanh thiếu niên không có thẻ tín dụng sẽ không thể sử dụng được.
Thế nên, để giải quyết những vấn đề này, chúng tôi quyết định tạo ra một nền tảng thanh toán số hóa hay còn gọi đơn giản là ví điện tử, dành riêng cho thanh thiếu niên.
Ứng dụng này không chỉ là cách tốt nhất để học sinh tiếp cận được với giao dịch trực tuyến, hạn chế sử dụng tiền mặt để tiến đến thanh toán chính xác và bảo mật, mà còn dạy họ cách cân đối tài chính.
– Thách thức lớn nhất mà bạn đối mặt với Bridge là gì?
Chúng tôi phải bỏ ra rất nhiều thời gian và công sức để xây dựng, nhưng hiện tại ứng dụng này chỉ mới đang ở giai đoạn thử nghiệm. Là một nhà cung cấp dịch vụ tài chính, bảo mật là thứ chúng tôi phải quan tâm rất nhiều. Trước khi ra mắt bản chính thức, chúng tôi phải đảm bảo không có một lỗ hổng nào cho hành động gian lận.
Thanh toán điện tử vốn là một thứ cần sự bảo mật cao, vì thế ứng dụng của chúng tôi phải đạt được mức độ an toàn thậm chí còn cao hơn cả như vậy. Phụ huynh sẽ không an tâm nếu họ cùng con cái mình sử dụng một phần mềm kém an toàn.
Ngoài ra, một thách thức khá lớn khác chính là việc thuyết phục những khách hàng tiềm năng sử dụng phần mềm của chúng tôi. Rất khó để mời gọi những người có thế mạnh về tài chính sử dụng một ứng dụng quản lý kinh tế non trẻ.
– Bạn nghĩ bạn có những gì để khiến Bridge phát triển?
Ngay từ nhỏ, tôi đã luôn muốn được khởi nghiệp và có một công ty cho riêng mình. Tôi từng nói với cha mẹ rằng mình sẽ bắt đầu công việc kinh doanh khi bước vào ngưỡng cửa đại học, nhưng hóa ra tôi đã bắt đầu mọi thứ khi còn đang ở trường trung học.
Bắt tay vào xây dựng một công ty ở lứa tuổi vị thành niên quả thật là rất thú vị, nhưng cũng rất đáng sợ bởi vô số những nguy cơ luôn rình rập ngoài kia. Trước khi bắt đầu Bridge, tôi đã dành nhiều thời gian với nhóm của mình để viết những ứng dụng trong các cuộc thi về công nghệ, chúng tôi đã từng hoàn thành một dự án lớn chỉ trong 3 ngày.
– Bridge đã và sẽ vẫn phát triển chứ?
Vì chúng tôi vẫn còn nhỏ và chưa có khả năng tài chính, cũng như thiếu kinh nghiệm trong việc khởi nghiệp. Vì vậy chúng tôi đã tham gia gọi vốn ở The Start và nhận được rất nhiều sự giúp đỡ, cả về tài chính lẫn lời khuyên cố vấn, từ các chuyên gia ở đây.
Qua nhiều vòng gọi vốn, chúng tôi đã học được rất nhiều điều, chọn lọc ra được những kỹ năng cần thiết để khởi động doanh nghiệp của mình. Hành trình khởi nghiệp của chúng tôi sẽ rất thú vị. Khi ứng dụng được ra mắt chính thức, chúng tôi đặt mục tiêu sẽ được giới thiệu tại các trường trung học và có ít nhất 50 doanh nghiệp trong ngành bán lẻ tham gia hợp tác.
Theo StartupX