Các công ty khởi nghiệp công nghệ đang hướng tới loại thực phẩm “thừa” và cung cấp các bữa ăn giảm giá thông qua các ứng dụng trên điện thoại di động.
Với một loạt các món hấp dẫn gồm gà sa tế, cua huỳnh đế và tôm sú ướp lạnh, bữa tối tự chọn tại khách sạn Grand Hyatt của Singapore thường khiến thực khách phải bỏ ra khoảng 70 USD.
Những người có kinh tế eo hẹp hơn và nghiêng về thực phẩm bền vững có thể được được “tận hưởng” thực đơn này với mức giá chỉ bằng 1/10 mức giá trên.
Ở khắp châu Á, các công ty khởi nghiệp công nghệ đang hướng tới loại thực phẩm “thừa” và cung cấp các bữa ăn giảm giá thông qua các ứng dụng trên điện thoại di động.
Theo Liên Hợp Quốc, hàng năm, khoảng 1/3 lương thực trên thế giới bị thất thoát hoặc lãng phí và hàng núi chất thải ước tính gây ra 8 – 10% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính như mêtan. Châu Á – Thái Bình Dương là một trong những khu vực tệ nhất trên thế giới về tình trạng lãng phí thực phẩm. Ở đây chiếm hơn một nửa lượng thực phẩm bị lãng phí.
Preston Wong, Giám đốc điều hành và đồng sáng lập của Treatsure – nền tảng cộng tác với các chuỗi bao gồm Hyatt, Accor Group và Singapore Marriott Tang Plaza Hotel, cho biết: “Tôi nghĩ công nghệ có thể thu hẹp khoảng cách đó”. Treatsure là nền tảng giúp người dùng chọn lựa và nhận được một “bữa tiệc thực đơn buffet chỉ trong một chiếc hộp” với những món ăn vốn dĩ có thể bị bỏ đi.
Với hơn 30.000 người dùng, Treatsure ước tính tiết kiệm được khoảng 30 tấn thực phẩm không bị lãng phí kể từ khi ra mắt vào năm 2017. Người dùng thường phải đợi cho đến khi các bữa ăn kết thúc để lựa chọn đồ cho mình. Tuy nhiên, con số này khác xa so với 817.000 tấn rác thải thực phẩm ở Singapore vào năm 2021, tăng 23% so với năm trước. Các nhà chức trách kỳ vọng bãi rác duy nhất của thành phố, Semakau, dự kiến đáp ứng nhu cầu xử lý chất thải rắn của Singapore đến năm 2035 và xa hơn.
Hong Kong cũng phải đối mặt với những vấn đề tương tự. 13 bãi rác ở đây đã bị lấp đầy. Khoảng 3.300 tấn rác thực phẩm mỗi ngày được đổ ra các khu vực còn lại vào năm 2020, theo Cục Bảo vệ Môi trường Hong Kong.
Theo Anne-Claire Béraud, quản lý vùng Hong Kong của Phenix by OnTheList, ứng dụng ra mắt vào năm ngoái: “Không gian bị giới hạn. Mọi thứ đều rất chật chội nên không có nhiều chỗ để giải quyết tất cả những chất thải này”.
Ứng dụng Phenix cho phép người dùng chọn một “Giỏ bí ẩn” thực phẩm tại các cửa hàng bao gồm Pret A Manger và cửa hàng bánh nội địa The Cakery với mức chiết khấu tối thiểu 50%.
Cho đến nay, nền tảng đã bán được 25.000 giỏ, với mỗi giỏ tương đương với khoảng 1 kg thực phẩm được tiết kiệm, không trở thành rác thải và loại bỏ được 4,5 kg khí thải CO2, công ty cho biết.
Nền tảng ban đầu của Phenix được ra mắt tại Pháp vào năm 2014 và mở rộng sang 4 quốc gia châu Âu khác, cung cấp 150 triệu bữa ăn tiết kiệm. Phenix đã hợp tác với OnTheList, một công ty bán hàng nhanh, để đưa ứng dụng này đến châu Á.
Khái niệm lương thực bền vững vẫn còn sơ khai ở châu Á so với Bắc Mỹ và châu Âu, nơi các nhà chức trách áp dụng nhiều biện phát nghiêm ngặt. Pháp đã cấm các siêu thị vứt bỏ thực phẩm không bán được và Tây Ban Nha gần đây đã soạn thảo luật để giải quyết vấn đề lãng phí bằng cách phạt tiền các công ty. Các bang của Mỹ bao gồm California và New Jersey đều áp dụng luật giảm lượng thực phẩm đổ vào các bãi chôn lấp.
Điều này đã giúp các ứng dụng như Too Good To Go trở nên phổ biến. Too Good To Go ra mắt ở Đan Mạch vào năm 2016 và hiện hoạt động ở 17 quốc gia bao gồm Mỹ, Canada và Anh. Ứng dụng đã cung cấp hơn 152 triệu bữa ăn thông qua Magic Bags (Những chiếc túi ma thuật), với các món ăn đáng lẽ sẽ bị vứt bỏ, được các cửa hàng và nhà hàng giảm giá vào cuối ngày.
Ở một khu vực đa dạng về văn hóa như châu Á, các công ty khởi nghiệp nhỏ hơn trong nước đang có được chỗ đứng vững chắc ở thị trường quê hương.
Theo Tấn Đạt-Theo ndh