Tụt dốc liên tiếp trong nhiều năm liền, thương hiệu của Victoria Beckham đang mấp mé bờ vực phá sản.
Dòng tít báo mới đây gây chấn động động đối với những ai lần đầu biết tới chuyện làm ăn của Victoria Beckham, nhưng lại khá nhàm tai với người trong giới thời trang.
Từ lâu, cái tên Victoria Beckham như thể bảo chứng cho giấc mơ thời trang xa hoa nhưng dang dở, có sự lung linh nhưng thiếu vắng bóng dáng thành công. Cứ mãi sản xuất nhưng liên tục thua lỗ nặng nề, người ta tưởng như bà Vic kinh doanh chỉ để thoả chí tung hoành giới làm ăn, cho đã đời cái đam mê thời trang của mình. Làm thì cứ làm thôi, còn doanh thu à? Mặc kệ!
Năm 2018, doanh thu chỉ đạt 35,1 triệu bảng khiến mức lỗ thương hiệu tăng 16% so với năm 2017. Những tổn thất nặng nề này gián tiếp đẩy mức lỗ ròng của công ty mẹ là Beckham Brand Holdings (công ty mà hai vợ chồng David Backham quản lý) lên 1,6 triệu bảng năm 2018. Tháng 5/2021, trang Mirror đặt câu hỏi: “Có lẽ nào thương hiệu của bà Vic sắp đi tới hồi kết của nó?” trước thông tin nhãn hàng này tiếp tục lỗ thêm vài chục triệu bảng Anh nữa.
Vậy thì vì lý do gì mà việc làm ăn của thương hiệu Victoria Beckham lại thất bại tới thế?
Giá cả bất hợp lý
Trang The Sun trích lời BTV Joely Chilcott – người hâm mộ đã dõi theo bước phát triển của Victoria từ những ngày còn là mảnh ghép lộng lẫy của nhóm nhạc Spice Girls, rằng: “Thôi nào Victoria! Chúng tôi có thể quên đi những bộ cánh thảm hoạ của cô từ thập niên 90, nhưng không thể nhắm mắt làm ngơ trước những sản phẩm đắt một cách phi lý của cô”.
Phũ phàng nhưng lại là sự thật. Các sản phẩm từ thương hiệu của ngôi sao này có thể chạm mức hơn 45 triệu đồng cho một chiếc váy suông, hay 51 triệu cho chiếc túi xách tay. Vấn đề là, tệp khách hàng mà thương hiệu hướng tới chưa chắc có đủ tiền để “vung tay quá trán” như vậy.
Có lẽ, Victoria Beckham đang kinh doanh với tâm thế của một siêu sao, tự tin rằng mình đủ sức hút để kéo người hâm mộ tới cửa tiệm và chi trả cho mọi hoá đơn. Nhưng các chuyên gia bán lẻ cho rằng, giá trị thương hiệu và độ độc đáo trong thiết kế của cô hoàn toàn không xứng đáng với cái giá ấy.
Mẫu mã “tàm tạm”
Khi Victoria ra mắt dòng sản phẩm thời trang của mình vào năm 2008, đó là một bước tiến tự nhiên khiến người ta trầm trồ. Nhưng sau ngần ấy năm, những gì còn đọng lại trong trí nhớ của công chúng không phải là một sản phẩm “best seller” hay thay đổi mang tính đột phá trong các BST của cô, mà chỉ đơn giản là loạt ảnh Victoria xuất hiện ở cuối show diễn trong bộ dạng xinh đẹp. Mỗi thế!
Lý do là bởi, thời trang của Victoria Beckham đề cao tính ứng dụng, dễ phối đồ trong nhiều hoàn cảnh nhưng lại thiếu đi bản sắc và những yếu tố về mẫu mã giúp nâng cao giá trị sản phẩm. Một chiếc áo sơ mi của cô có thể chạm ngưỡng 15 triệu đồng, nhưng nó có giá trị cốt lõi hay chí ít là mang thiết kế nổi bật không? Câu trả lời là không.
Thảm đỏ mờ nhạt
Trong khi các NTK khác liên tục “đẩy” trang phục cho các ngôi sao hạng A, đồng thời trưng trổ hết tinh hoa của mình ra trước công chúng để tạo ra những khoảnh khắc mãn nhãn, thì bà Vic gần như bỏ quên luôn mảng miếng này. Ngoại trừ người bạn thân là diễn viên Eva Longoria, hiếm có sao nào chịu mặc đồ của cô để lên thảm đỏ.
Thất bại khi phát triển sản phẩm thứ yếu
Victoria đã học được một chiêu kinh doanh mà nhiều “ông lớn” đang làm rất tốt: phát triển sản phẩm thứ yếu nhằm tăng trưởng doanh thu. Đối với những nhãn hàng làm ăn thua lỗ mảng thời trang, việc đẩy mạnh kinh doanh mỹ phẩm và nước hoa càng phải được chú trọng hợn. Đáng tiếc là, dẫu đã bắt tay và làm ăn với thương hiệu mỹ phẩm đình đám Estée Lauder, song nước đi này của cô cũng chẳng thành công như kỳ vọng.
Tay nghề hạn chế
Hãy chấp nhận một sự thực rằng, Victoria Beckham vẫn là “kẻ ngoại đạo” trong ngành thời trang này. Cô không được đào tạo qua trường lớp bài bản, chưa từng theo học những khoá giảng dạy về thời trang mà các NTK tên tuổi khác đã từng học. Nói về kỹ năng của mình, Victoria cho rằng: “Dù không được đào tạo chính quy nhưng tôi có một cách thể hiện bản thân khác. Tôi đã học được rất nhiều điều trong những năm thàng năm qua. Tôi đã học được rất nhiều, rất nhanh. Và tôi vẫn tiếp tục học hỏi”.
Vâng, xin được đánh giá cao sự tự tin và cầu tiến của cô, nhưng như vậy là chưa đủ để tạo nên cú hích tăng trưởng cho thương hiệu. Vào năm 2014, bộ đôi thời trang danh giá Dolce & Gabbana, cho biết: “Cô ấy tự nhận là một NTK nhưng đối với chúng tôi, cô ấy vẫn không thể làm quần áo theo cách của một NTK thời trang thực thụ”.
Marketing một cách lộn xộn
Theo thông tin từ chính bà Vic, thương hiệu thua lỗ là do đầu tư quá nhiều vào “thiết kế, sản xuất và marketing”. Nhưng chính xác thì cô ấy đã và đang làm gì với hàng chục ngàn bảng Anh tiền đổ vào marketing?
Thật khó để nhớ lại bất kỳ chiêu tiếp thị hay ho nào của Victoria Beckham, ngoại trừ việc cô sử dụng chính hình ảnh của mình như một công cụ quảng cáo. Mặc dù hầu hết thời gian trông cô có vẻ xuề xoà, nhưng cựu thành viên nhóm Spice Girls vẫn thoải mái khoe dáng khi mặc những thiết kế của riêng mình khi bước ra ngoài – một chiêu Marketing vốn dĩ ít tốn kém.
Victoria Beckham và chồng, cùng các cổ đông khác đã bỏ hàng triệu bảng Anh vào để duy trì hoạt động của thương hiệu trong thời kỳ đại dịch. Với khối tài sản khổng lồ lên tới 355 triệu bảng (10655 tỷ đồng), họ được xếp thứ 372 trong danh sách người giàu nhất thế giới. Tuy thế, không ai biết cặp đôi có thể duy trì được hoạt động kinh doanh này trong vòng bao lâu, khi sự thất bại đang dần giết chết danh tiếng và sự uy tín mà Vic-Bec đã gây dựng hơn một thập kỷ.
Nguồn: The Sun UK, The News, BBC, World Today
Theo Lý Thẩm–Trí thức trẻ