-
-
-
-
-
-
-
-
-
-
-
-
-
-
- Phan Đăng Media
-
-
-
-
-
-
-
-
-
-
-
-
-
Thật là lớn lao khi nghĩ về thiên hạ. Nhưng…tại sao không ? Khi Lưu Bị muốn tìm một chỗ đứng cho mình giữa thời Tam Quốc, đã từng cảm thán mà rằng : Lẽ nào thiên hạ không còn chỗ cho Lưu Hoàng Thúc ta ?. Để rồi ít lâu sau ông dựng lên nhà Thục. Vậy thì hà cớ gì bạn không tự hỏi rằng “còn chỗ nào cho ta” giữa thị trường rộng lớn?
Hãy cứ hỏi…và câu trả lời sẽ đến.
Từ thiên hạ của Lưu Bị….
Thời Tam Quốc, Lưu Bị muốn tranh thiên hạ để làm vua, nhưng khổ một nỗi là tài trí không đủ, thế là “tam cố thảo lư” mời Gia Cát Lượng xuống núi. Lưu Bị khao khát hiền tài, lòng thành thực đó đã làm Gia Cát Lượng cảm động. Thế là Gia Cát Lượng đã phân tích tình thế thiên hạ lúc đó và chỉ ra cho Lưu Bị một lối thoát. Ông nói: “Từ sau khi Đổng Trác nổi loạn, hào kiệt nổi dậy, quân phiệt hỗn chiến, những kẻ cướp châu lấn quận kể ra không hết, trước mắt đã hình thành mấy tập đoàn thế lực. Tào Tháo có hàng triệu quân với hàng ngàn chiến tướng, ép thiên tử lệnh chư hầu, có ưu thế về cả quân sự và chính trị. Tôn Quyền chiếm cứ Giang Đông, nối tiếp ba đời, thế đất hiểm yếu lại được lòng người quy phục; bậc hiền năng chí sĩ cũng đều được tôn dùng”. Gia Cát Lượng nói cả Tào Tháo lẫn Tôn Quyền đều không phải là chỗ mà ra tranh cướp được. Lẽ nào thiên hạ không còn chỗ làm địa bàn cho Lưu Hoàng Thúc hay sao? Lưu Bị quan tâm nhất là cái này. Gia Cát Lượng nói thiên hạ còn chưa chia nhau hết. Kinh Châu bắc dựa vào Hán Miễn, Nam thông với Hải Nam, có thể tận thu nguồn lợi của nó; Đông Tây thì kề với Ngô quận, Hôi Kê; Tây thông với Ba Thục. Kinh Châu mục Lưu Biểu không giữ nổi đất này; đó là của trời ban cho chúa công. Ích Châu địa thế hiểm yếu có hàng nghìn dặm đất đai phì nhiêu, sản vật phong phú dồi dào, người ta gọi là đất “Thiên Phủ”. Ích Châu mục Lưu Chương lại ngu đần nhu nhược, Tương Lỗ lại uy hiếp ở phía Bắc. Lưu Chương lại không biết săn sóc dân chúng, những người hiền tài đều mong được có minh quân để thay thế .Những lời lẽ đó đã làm cho Lưu Bị thấy vui thấy phục trong lòng. Cuối cùng, Gia Cát Lượng còn vạch ra cho một cương lĩnh đoạt thiên hạ và trị vì đất nước là: “Vươn sang Ích Châu, Kinh Châu, phía Tây hòa hảo với các binh nhung, phía Nam cũng gần gũi với các Di, Việt, bên ngoài giao hảo với Tôn Quyền, bên trong sửa đổi lại chính sách”. Từ tầm nhìn “cùng chung trời đất” này, sau nhiều năm gian khổ, Lưu Bị đã tìm được chỗ đứng cho mình, chia ba thiên hạ với Tào Tháo và Tôn Quyền, khôi phục lại giang sơn nhà Thục.
…Đến thiên hạ của những người dám
“chia thiên hạ”.
Chris Emery và Larry Finnson là hai người bạn thân từ thời trung học ở Cannada. Sau khi tốt nghiệp đại học, cả hai đều làm việc cho công ty của gia đình. Thừa hưởng máu kinh doanh của những người cha, cả hai ấp ủ giấc mơ có một công ty riêng của mình.
Giữa thập niên 1990, Chris và larry quyết định lập một công ty bánh kẹo, sử dụng công thức làm bánh kẹo gia truyền từ bà nội của Chris. Khi nhìn các món bánh với hạt điều, sô–cô-la, va ni, hoặc bơ đậu phộng do bà nội của Chris làm, khó ai mà cưỡng lại được sự hấp dẫn và thơm ngon của chúng! Hai người tin chắc rằng nếu tung ra thị trường những loại bánh này, họ sẽ hốt bạc.
Thế nhưng, chen chân vào thị trường cao cấp không dễ dàng. Lúc đó, thị trường bánh kẹo trị giá 24 tỉ USD ở Bắc Mỹ do các công ty đa quốc gia nắm giữ. Riêng Hershey và Mars kiểm soát 75% thị phần và hệ thống phân phối. Khi muốn gửi sản phẩm cho siêu thị và hệ thống cửa hàng bán lẻ, hai người phải trả khoản phí thuê mặt bằng cả ngàn đôla.
Không có gì ngoài công thức làm bánh kẹo truyền thống và một trái tim đầy nhiệt huyết muốn “ chia thiên hạ”, hai người thuê một mặt bằng rộng khoảng 65m2. Vì không đủ tiền để mua thiết bị hoặc thuê người phụ giúp, nên cả hai phải tự lực làm lấy mọi việc. Cả hai bắt đầu làm từng mẻ bánh kẹo 40kg bằng phương pháp thủ công rồi, cho vào lọ nhựa. Sau đó cùng nhau đi rao ở hội chợ hoặc hành lang trung tâm bách hóa để phân phát. Họ đặt tên công ty là Kraves’s Candy, nhưng khi nói chuyện với nhau, họ gọi sản phẩm của mình là Clodhoppers (người nhà quê).
Thành công đầu tiên của Chris và Larry là thuyết phục được một nhà phân phối bày bán Clodhoppers ở năm cửa hàng Wal – Mart tại một địa phương. Bánh kẹo của họ được tiêu thụ đắt như tôm tươi, nhưng một đại lý nhượng quyền của Wal – Mart đề nghị họ giao bánh kẹo không đựng trong lọ nhựa vì chúng không tương xứng với hình ảnh mà Wal – Mart muốn thể hiện, mà nên đựng sản phẩm trong hộp quà để khách mua làm quà tặng trong các dịp lễ. Ý tưởng này nghe có vẻ thú vị nên họ làm theo: đựng bánh kẹo trong những chiếc hộp thiết kế hoa mỹ như các loại Sô–cô–la khác. Tuy nhiên, sản phẩm của hai người cũng chỉ được tiêu thụ giới hạn trong vài cửa hàng Wal – Mart ở Cannada.
Một trong những khoản chi phí lớn nhất nằm ở khâu đóng gói thành phẩm, đặc biệt là chi phí in ấn những bao bì sang trọng, vì vậy họ cần phải có tỷ suất lợi nhuận cao để bù đắp lại. Ngoài ra còn việc trình bày hình dạng sản phẩm. Khi khách hàng mở nắp hộp, họ muốn trông thấy mẫu mã đẹp chứ không phải mấy khối sô-cô-la thô. Điều tệ hại hơn nữa là đóng gói hình dạng quà biếu như thế thì chỉ có thể bán chạy trong dịp lễ hội, thời gian còn lại trong năm sẽ bị ế ẩm. Lợi nhuận không cao như kỳ vọng, và chẳng bao lâu công ty lâm vào cảnh chật vật.
Hai người cố duy trì công ty bằng mọi cách để thu hút khách hàng. Họ thấy cách nhanh nhất là mời khách hàng ăn thử. Một khi đã nếm qua Clodhoppers, ai cũng thấy ngon. Nhưng làm sao để có nhiều người thử, đó mới là vấn đề.
Lúc này, trên thị trường, Krave’s Candy chỉ là một công ty tép riu mà các cửa hàng và hệ thống phân phối lớn không hề để mắt đến. Thậm chí khi một vài cửa hảng Wal – Mart bày bán sản phẩm của họ, các sân chơi lớn vẫn xem thường. Hai người không đủ tài chính, nhân lực, mối quen biết để chen chân vào những hệ thống phân phối đã ổn định. Họ thật sự bế tắc.
Sau 5 năm chật vật, Chris và Larry nhận ra rằng họ không thể cứ tiếp tục tình trạng như thế. Sau khi cân nhắc, giống như Lưu Bị chưa tính chuyện đối đầu với Tào Tháo, Tôn Quyền, họ quyết định không chen chân vào thị trường cao cấp. Thay vào đó, họ đổi tên công ty thành Chris & Larry’s Clodhoppers, đồng thời thay đổi mẫu mã bao bì sang trọng bằng những bao bì nhựa ít tốn kém hơn, với cái nhãn mới được thiết kế hài hước, thân thiện, kèm theo chân dung ký họa của Chris và Larry.
Thay đổi phương thức đóng gói đã giảm chi phí đáng kể và cho phép họ giảm giá thành sản phẩm: Từ 5,5 USD một hộp quà xuống còn 3,5 USD một bao nhựa. Với mẫu mã mới lạ và giá hạ, các nhà bán lẻ và phân phối nhanh chóng để ý đến họ. Hai người cũng ký được hợp đồng đối tác với hãng hàng không quốc gia Air Canada và một hãng hàng không địa phương, WestJet. Thế là có thêm 400 ngàn người biết đến sản phẩm. Họ tiếp tục ký thêm hợp đồng khuyến mãi và bắt đầu khai thác thương hiệu của mình.
Cơ hội đã đến với Chris và Larry. Khi họ mang sản phẩm đi triển lãm trong một hội chợ Wal – Mart ở thành phố Toronto, đến cuối ngày có một người đàn ông đến gặp họ. Hai người đang tất bật phân phát bánh kẹo cho khách ăn thử nên thậm chí không có thời gian đọc bảng tên vị khách. Họ chỉ tự giới thiệu vắn tắt: “Tôi là Chris” và “Tôi là Larry”.
Vị khách trả lời: “Tôi là Lee Scott, Chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của Wal- Mart”.
Larry bất ngờ thốt lên: “Chúng tôi đã chờ đợi cả đời để được gặp ông !”.
Lee thích sản phẩm của họ, và bảo họ giao hàng đến trụ sở trung ương của Wal – Mart ở thành phố Bentonville, bang Arkansas, Hoa Kỳ. Vào dịp Giáng sinh năm 2000, Wal – Mart bán thử sản phẩm của Chris & Larry’s Clodhoppers trong 400 cửa hàng khắp nước Mỹ. Dựa trên kết quả thử nghiệm, năm sau sản phẩm lan rộng ra tất cả 2.700 cửa hàng. Mức tăng trưởng đã tăng đến 40%.
Với mẫu mã cùng thương hiệu mới, Chris và Larry nhanh chóng giàu lên. Trong hai năm tiếp theo, doanh thu tăng gấp 3 lần, lợi nhuận vững vàng, và họ nhận được ngày càng nhiều hợp đồng của các nhà phân phối vốn trước đây không thèm để mắt đến họ. Họ đã có được “Thiên hạ” cho mình.
Thiên hạ bao la, thị trường rộng lớn, đôi khi tưởng dễ mà khó, khó hóa ra lại dễ. Điều quyết định là tầm nhìn và quyết tâm của người muốn chia thiên hạ.
Tại thành phố Asyut ở vùng thượng Ai Cập có khoảng 400.000 dân, chủ yếu theo đạo Hồi, lạ lùng thay lại đang có tới ba cửa hàng bán đồ lót của người Hoa nhập cư tại vị trí khá đắc địa ở cửa ngõ thành phố. Cửa hiệu các nơi này đều treo biển viết bằng tiếng Ả Rập: “Đồ lót Trung Quốc”.
Theo miêu tả trên tờ Newyorker (Mỹ), người ta dễ dàng tiếp cận các cửa hàng này và khi bước vào có thể tìm thấy đồ lót ở nhiều mức giá khác nhau mà nhiều nhất là hàng giá rẻ, kiểu dáng và màu sắc rất bắt mắt. Bên cạnh đó là tất chân, váy ngủ trong suốt và nhiều mặt hàng gợi cảm khác. Thương hiệu cũng đủ loại như: Cô gái vui vẻ, Thời trang gợi cảm, Quyến rũ, Tình nóng bỏng…
Ở một đất nước phần lớn người dân theo đạo Hồi, có vẻ các cửa hàng này đã đặt sai chỗ. Phụ nữ ở thượng Ai Cập – khu vực được cho là bảo thủ nhất nước – đa số mặc đồ trùm kín từ đầu tới chân nên xem ra các món đồ lót hay váy gợi cảm như vậy khó tìm được đầu ra. Thế nhưng người Hoa phát hiện một quy luật mà tiểu thương các nước lân cận đã bỏ qua: Phụ nữ thượng Ai Cập mặc đồ trùm kín hết cả ngày, nhưng đạo Hồi không cấm họ mặc đồ gợi cảm ở nhà. Và đó chính là một góc “thiên hạ” dành cho những thương nhân cần mẫn muốn chia thiên hạ.
Phụ nữ Ai Cập sau một ngày trong áo trùm, tối về họ hoàn toàn có thể mặc váy trong suốt hoặc chỉ mặc đồ lót mà không hề bị chồng hay người đạo giáo nào cản trở.
Nói cách khác, phụ nữ vùng thượng Ai Cập có hai tủ đồ: một tủ đồ theo phép tắc đạo Hồi mặc nơi công cộng và một tủ đồ tự do theo ý họ để mặc trong thời gian còn lại. Các hãng thời trang Hồi giáo tranh nhau đáp ứng tủ đồ thứ nhất, chỉ có người Hoa đang lấp đầy tủ thứ hai của phụ nữ nơi đây và do đó họ đang hưởng lợi thế độc tôn trên thị trường, hiệu suất sinh lời cao. Bên cạnh đó, họ còn lấp đầy một tủ đồ lưu động của phụ nữ các nước khi du lịch tới thượng Ai Cập.
Nếu tính cả vùng thượng Ai Cập, có khoảng 26 cửa hàng bán lẻ đồ lót Trung Quốc. Thậm chí người Hoa còn mở cả xưởng sản xuất đồ lót ở thủ đô Cario để cung cấp hàng cho các cửa hiệu trên. Đặng Vương Bình, chủ một xưởng đồ lót ở cario, cho biết họ hàng của ông sang đây lập nghiệp rất đông và đều lấy hàng ngay tại xưởng này. Sau một thời gian kinh doanh tại đây, Trần Huấn Đài, một tiểu thương đang kinh doanh đồ lót ở Asyut, đúc kết: “Dù truyền thống và tôn giáo ép phải ăn mặc theo lề lối nào đi nữa, nữ giới mọi nơi luôn có nhu cầu mặc đẹp, dù chỉ là mặc đẹp khi ở nhà hay khi đi ngủ. Nên cơ hội luôn có, kể cả những nơi như thượng Ai Cập này”.
Quả là một đúc kết vô cùng tinh tế mà chỉ có những ai muốn và dám chia thiên hạ mới có khả năng nhìn thấy.
Và “thiên hạ” của một ông chủ người Việt
Nói đến ti vi, phần lớn chúng ta đều nghĩ ngay đến các thương hiệu nổi tiếng như Sony, Samsung, Panasonic….Thế nhưng, ít ai biết rằng, giữa những thế lực phủ trùm như thế, vẫn có một thương hiệu Việt tìm được thiên hạ cho mình để làm “bá chủ một góc trời” giá rẻ. Đó là Công ty Asanzo Việt Nam với số lượng bán ra tới 30.000 chiếc mỗi tháng.
Ông Phạm Văn Tam, chủ thương hiệu Asanzo, cho biết: “Chúng tôi phục vụ người tiêu dùng có thu nhập thấp. Những người làm việc tại các đầm tôm cá ở miền Tây; “cắm” dài ngày trong nương rẫy, hoặc đánh cá ngoài biển cả tháng trời…đều dùng hàng của Asanzo. Lý do những nơi này người ta dùng nguồn điện yếu, hoặc dùng ắc quy chỉ 12v, các dòng ti vi hiện đại không đáp ứng được, nên phân khúc này coi như Asanzo một mình một chợ”. Sản phẩm ti vi CRT và LED của Asanzo hiện tiêu thụ mạnh tại các thị trường miền Tây, Tây nguyên, vùng biển đảo.
Thực tế ở phân khúc này, thương hiệu ti vi Asanzo gần như không có đối thủ. Trong nước, dòng ti vi giá rẻ trước đó cũng có một số thương hiệu Việt như SAM, Belco, VTB… phát triển nhưng không thành công. Theo các chuyên gia kinh tế, do bộ máy cồng kềnh, phân phối kém nên sản xuất không chạy hết công suất nên dẫn đến chi phí cao, gây lỗ lã. Hàng nhập, phân khúc hàng giá rẻ “sợ” nhất hàng Trung Quốc nhưng thị trường ti vi hầu như không có sự xuất hiện của hàng Trung Quốc vì sản phẩm cồng kềnh, vận chuyển khó nhưng lợi nhuận lại không cao . Đây là một lợi thế cho Asanzo.
Với hệ thống phân phối truyền thống được xây dựng từ hơn chục năm trước; am hiểu nhu cầu , tâm lý tiêu dùng; đầu tư trọng điểm vào dòng sản phẩm chính là ti vi và nhánh phụ là điện gia dụng và điện lạnh, thương hiệu Asanzo đã thành công. “Chúng tôi bán hàng giá rẻ, nhưng lợi nhuận không thua kém các nhãn hàng lớn. Chúng tôi khá tự tin để có thể làm gì đó để có thương hiệu điện tử VN trong tương lai”, ông Tam tự tin nói.
Chị Trần Thanh Vân, chủ doanh nghiệp phân phối điện tử lớn tại TP.HCM, cũng cho rằng :”Ti vi cũng như món hàng thời trang , xài vài ba năm lại đổi mẫu. Ở vùng quê, hàng giá rẻ vẫn rất được yêu chuộng. Tâm lý tiêu dùng chỉ đi theo hai hướng: có tiền mua hàng xịn của Hàn Quốc, Nhật. Ít tiền chọn hàng Thái, VN. Nhưng ti vi giá rẻ lại không có hàng Thái, hàng Trung Quốc lại càng không, nên chọn phân khúc giá rẻ là lựa chọn khôn ngoan cho nhà đầu tư nội địa”.
Một yếu tố nữa khiến ti vi của Asanzo làm mưa làm gió ở phân khúc giá rẻ là các thương hiệu ngoại hiện gần như không sản xuất ti vi dưới 25 inch song nhu cầu của thị trường này vẫn còn rất cao.
Cũng giống như thầy trò Lưu Bị, Khổng Minh, sau khi dành được thiên hạ ở vùng đất Kinh Châu ít người dòm ngó, bắt đầu nghĩ đến chuyện “xưng danh thiên hạ” với Tào Tháo, Tôn Quyền, Asanzo cũng bắt đầu tìm kiếm cho mình một “thiên hạ” lớn hơn, kể cả thị trường xuất khẩu.
Sau ti vi loại nhỏ, hiện giờ Asanzo sản xuất đủ loại, dĩ nhiên là phải rẻ mới có thể cạnh tranh. Mỗi chiếc ti vi màn hình LED 32 inch của Asanzo có giá từ 3 triệu đồng/ chiếc, rẻ hơn sản phẩm cùng loại với chức năng tương đương từ 30 – 40%. Lý giải về mức giá này, theo ông Tam, ti vi hiện đại hay thiết kế nhiều cổng, tới 3 -4 cổng AV, USB. Chi phí trung bình cho mỗi cổng này là 2 USD, trong khi mỗi lần sử dụng chỉ có thể cắm được một cổng. “Tôi bớt hơn 5- 7 cổng không cần thiết, sản phẩm đã giảm vài trăm ngàn cho người tiêu dùng rồi”, ông nói. Đó là chưa kể, nhiều nhà sản xuất thường dùng chiến lược thay đổi công nghệ, thêm một vài chức năng rồi bán giá cao hơn. Song những chức năng này như 2k, 4k, theo các chuyên gia công nghệ, hầu như không được dùng đến. Độ phân giải 4k đúng là giúp màn hình mịn hơn, nét hơn, nhưng truyền trình của chúng ta chỉ phát được HD, chưa phát được full HD, nên có tăng cấp mấy chất lượng cũng ngang HD. Với tầm nhìn chiến lược này, tháng 10 vừa qua, chuỗi siêu thị điện máy Chợ Lớn đã ký hợp đồng mua 15.000 ti vi màn hình LED của Asanzo trong thời hạn 3 tháng. Theo ông Tam, đây là một thành công không nhỏ khi công ty chọn phân khúc giá rẻ, lại được một thương hiệu điện máy lớn tin tưởng chọn làm đối tác.
Được biết, Công ty Asanzo hiện có 300 nhân viên, tập trung lao động lắp ráp. Kế hoạch của công ty là mở nhà máy tại miền Bắc và mở rộng sản phẩm làm máy lạnh và tủ lạnh. “Thị trường hạng thấp và trung cấp trong tương lai vẫn còn tiềm năng. Hơn nữa, chúng tôi đang nhắm đến làm hàng xuất khẩu sang Campuchia và Lào nên tôi khá tự tin cho những khoản đầu tư của mình”, ông Tam nói và cho biết, trong tháng 8 vừa qua, công ty đã nhận được hai đơn hàng từ Campuchia đặt hàng ti vi màn hình LED, khởi động cho chiến lược đưa ti vi Việt xuất ngoại.
Theo số liệu cập nhật từ Công ty nghiên cứu thị trường GFK, trung bình mỗi năm VN tiêu thụ khoảng 1,2 triệu chiếc ti vi, 80% số đó là hàng ngoại. 20% còn lại không phải quá nhỏ và việc khai thác thị trường ngách đã mang lại thành công cho dòng ti vi nội của một ông chủ Việt.
Có đi có tới. Dám mơ sẽ được. Dám chia thiên hạ sẽ tìm được chỗ cho mình. Hãy cứ hỏi, câu trả lời sẽ đến (“những câu chuyện làm giàu” có ở trang viết này sẽ chứng minh thêm cho điều đó).
Và nếu bạn vẫn còn một chút nghi ngờ, xin đọc lại những điều sau đây, là lời của Chúa JESUS, được ghi trong Kinh Thánh: “Ta nói cùng các ngươi: Hãy xin, sẽ ban cho; Hãy tìm, sẽ gặp; Hãy gõ cửa, sẽ mở cho. Vì hễ ai xin thì được, ai tìm thì gặp, và sẽ mở cửa cho ai gõ.
Trong các ngươi có ai làm cha, khi con mình xin bánh mà cho đá chăng? Hay là xin cá, mà cho rắn thay vì cá chăng? Hay là xin trứng mà cho bò cạp chăng? Vậy nếu các ngươi vốn là xấu, còn biết cho con cái mình các vật tốt thay, huống chi cha các ngươi ở trên trời (Đức Chúa Trời – NV) lại chẳng ban Đức Thánh Linh cho người xin Ngài?”
Phan Đăng Media
(nguồn tài liệu: “Báo thanh niên
“Tuổi trẻ”. Sách “Dám dẫn đầu”).