Giảng viên Harvard Tal Ben-shahar chia sẻ con đường tìm thấy hạnh phúc thực sự trong đời.
Tal Ben-shahar là tác giả, chuyên gia về tâm lý học hạnh phúc. Ông cũng là giảng viên, đứng lớp một trong những khóa học phổ biến nhất của Đại học Harvard.
Trong nhiều năm nghiên cứu và nghiền ngẫm về tư duy tích cực, cũng như bí mật của hạnh phúc, ông đã có những bài học quan trọng.
Dưới đây là những lời khuyên của ông cho một cuộc đời yên vui trọn vẹn.
“Kháng thương” – bí mật để đạt được hạnh phúc thông qua gian khổ
Có một khái niệm vô cùng quan trọng được đưa ra bởi tiến sĩ, nhà toán học thiên tài Nassim Taleb, đó là antifragility (tạm dịch là kháng thương). Nói một cách dễ hiểu, “kháng thương” là phiên bản 2.0 của “phục hồi”.
Theo đó, phục hồi là khả năng của một vật, hay một người trở về trạng thái bình thường sau áp lực hoặc biến cố. Tuy nhiên, kháng thương là khả năng còn mạnh mẽ hơn vậy – sau khi trải qua áp lực và biến cố, người có năng lực này thậm chí còn trở nên mạnh mẽ, hoàn thiện hơn trước. Ví dụ kinh điển cho khả năng này là câu nói: “Thứ gì không giết được bạn, sẽ làm bạn mạnh mẽ hơn”.
Theo Ben-shahar, bản thân con người cũng chính là một cỗ máy kháng thương tự nhiên. Ông lấy ví dụ khi chúng ta tập tạ, cơ bắp phải chịu áp lực và sau đó chúng sẽ trở nên khỏe hơn.
Ở khía cạnh tâm lý học, hiện tượng tương tự được gọi với cái tên PTG – phát triển hậu sang chấn. Trái ngược với PTSD – rối loạn stress hậu sang chấn, PTG khiến con người mạnh mẽ, trưởng thành và từ đó có thể sống hạnh phúc hơn.
Nói một cách ngắn gọn, con đường để đến hạnh phúc không thể thiếu các điều kiện giúp chúng ta có được khả năng phát triển thông qua khó khăn, gian khổ.
Nghịch lý của hạnh phúc: Càng theo đuổi, càng xa tầm với
Cách con người tìm kiếm hạnh phúc liên quan mật thiết đến con đường mà mỗi chúng ta dùng để tiếp cận nó. Một mặt, hạnh phúc đáng quý không chỉ là một loại trải nghiệm, mà còn là một phương tiện giúp chúng ta đạt được những điều tốt đẹp khác trong cuộc sống như sự thành công, cảm giác thỏa mãn, yêu đời…
Tuy nhiên, nghiên cứu của Iris Moss và nhiều người khác đã chỉ ra một nghịch lý bất ngờ: Những người “cuồng” theo đuổi hạnh phúc, lúc nào cũng tâm niệm “Hạnh phúc rất quan trọng với tôi và tôi muốn theo đuổi nó” lại thường là nhóm ít hạnh phúc nhất. Thậm chí, đó còn là những người dễ gặp phải sự buồn rầu hơn cả.
Thế nhưng nếu không theo đuổi hạnh phúc, thì làm thế nào chúng ta mới đạt được nó?
Để trả lời câu hỏi đầy nghịch lý này, hãy nghĩ đến một hiện tượng ai cũng biết trong tự nhiên: Đó là ánh nắng.
Nếu bạn nhìn trực tiếp vào mặt trời với mục đích tận hưởng ánh nắng, chắc chắn bạn sẽ bị chói mắt. Tuy nhiên, khi ánh sáng mặt trời được khúc xạ qua các tinh thể giọt nước mưa, chúng ta có thể thoải mái nhìn thấy cầu vồng, tận hưởng toàn bộ vẻ đẹp của nó mà không cần tìm kiếm trực tiếp.
Thậm chí, bạn vẫn luôn có thể cảm nhận ánh nắng mặt trời ấm áp hiện hữu xung quanh vào một ngày trời quang đãng và thích thú với việc đọc sách, nằm trên bãi cỏ hay đi tắm biển mà không quá chú ý đến quả cầu lửa chói lọi kia.
Nói cách khác, khi coi hạnh phúc như một điều luôn hiện diện xung quanh mình, và quan trọng hơn là “phân tách” nó thành các yếu tố hình thành, bạn sẽ dễ dàng đạt được nó mà không phải vật lộn quá nhiều.
Mô hình “ngũ sắc” của hạnh phúc
Chúng ta đã biết hạnh phúc được tạo thành từ những yếu tố cấu thành nhỏ hơn, vậy cụ thể các yếu tố đó là gì?
Theo Ben-shahar, 5 yếu tố đó có thể viết tắt thành một từ là SPIRE, bao gồm: Spiritual (Tâm hồn), Physical (Thể chất), Intellectual (Trí tuệ), Relational (Mối quan hệ) và Emotional (Cảm xúc).
– Hành trình tâm hồn về cơ bản là việc đi tìm ý nghĩa và mục đích trong cuộc sống: Trong công việc, khi ở nhà, và trong từng hơi thở. Khi bạn thức dậy với một mục đích và ý nghĩa rõ ràng, bạn sẽ dễ dàng vượt qua các rào cản trong cuộc sống, cũng như nắm được động lực để “kháng thương”.
– Khi nói đến thể chất, yếu tố quan trọng nhất theo Ben-shahar là stress. Trong thời đại công nghiệp với guồng quay gấp gáp như hiện nay, đa số người lao động sẽ chịu vô số áp lực. Vấn đề là, văn hóa “cuồng công việc” ở nhiều nơi đang khiến người lao động dễ dàng kiệt sức do thiếu vắng thời gian nghỉ ngơi, thư giãn hợp lý để hồi phục, tái tạo thể chất.
Ben-shahar tiết lộ vấn đề không nằm ở bản thân stress vì ai cũng sẽ phải trải qua, và stress là cần thiết cho kháng thương. Vấn đề nằm ở chỗ thiếu sự hồi phục cần thiết.
– Về mặt trí tuệ, ông cho biết nghiên cứu chỉ ra những người luôn tò mò, thường xuyên đặt câu hỏi không chỉ hạnh phúc hơn mà còn sống thọ hơn.
Hơn nữa, chỉ đặt câu hỏi là chưa đủ mà còn phải đắm chìm vào những tư liệu lành mạnh, bổ ích như sách, các tác phẩm nghệ thuật, hay thậm chí là chính thiên nhiên.
– Yếu tố tiếp theo có lẽ là quan trọng hàng đầu. Theo vị chuyên gia về khoa học hạnh phúc, thành tố số 1 tác động đến hạnh phúc chính là thời gian chất lượng bên cạnh những người chúng ta san sẻ tình yêu thương. Không chỉ thế, chất lượng của các mối quan hệ sẽ quyết định khả năng kháng thương của mỗi chúng ta.
– Cuối cùng, hãy nói đến sự vẹn toàn về cảm xúc. Tất nhiên việc biết đón nhận những cảm xúc tiêu cực là rất quan trọng, nhưng nuôi dưỡng những cảm xúc tích cực càng thiết yếu không kém.
Vậy làm sao để nuôi dưỡng cảm xúc tích cực?
Theo Ben-shahar, chìa khóa chính là “lòng biết ơn”. Cicero, nhà triết học La Mã cổ lừng danh đã có câu nói rất nổi tiếng cô đọng sự thật này: “Lòng biết ơn chính là người mẹ của mọi đức hạnh”.
Khi ta biết trân trọng và biết ơn những điều tốt đẹp đang xảy đến với cuộc đời ta, ta mới thấy cuộc đời trọn vẹn và tươi đẹp.
Nói cách khác, hạnh phúc không phải là một trải nghiệm vui thú đơn thuần. Hạnh phúc chính là sự toàn vẹn. 5 yếu tố trên gộp lại thành một món quà duy nhất – chính là hạnh phúc. Trên thực tế, hạnh phúc không phải một điểm đến, cũng không thể dễ dàng đạt được bằng một tác động duy nhất như bóng đèn được bật bởi công tắc.
Trái lại, hạnh phúc là hành trình trọn đời. Biết được điều đó, con người ta mới có được những kỳ vọng thực tế thay vì hão huyền.
“Tôi không tin rằng những điều tốt đẹp nhất sẽ luôn xảy đến với chúng ta. Tuy nhiên, chúng ta luôn có thể học cách đối mặt một cách đúng đắn nhất với tất cả mọi sự” – Ben-shahar kết luận.
(Nguồn: Big Think)-Theo Thạch Anh–Phụ nữ Việt Nam