Với những thay đổi mới từ Zalo, dễ thấy đối tượng người dùng phổ thông sẽ không bị ảnh hưởng nhiều. Tuy nhiên, đối tượng người dùng bán hàng online hay doanh nghiệp lại ảnh hưởng trực tiếp.
Từ ngày 1/8, Zalo chính thức triển khai 3 gói thuê bao tháng cho người dùng tại Việt Nam, song song với đó vẫn phát hành một phiên bản miễn phí nhưng bị giới hạn về mặt tính năng.
Zalo từng cho biết các cập nhật này nhằm giúp người dùng quản lý quyền riêng tư của mình một cách tốt hơn. Tuy nhiên, việc triển khai thu phí từ hôm 1/8 lại gây ra nhiều ý kiến trái chiều. Một bộ phận người dùng ủng hộ thu phí để duy trì các quyền lợi nhưng nhiều người cho biết sẽ xoá ứng dụng, hoặc sử dụng ứng dụng thay thế khác.
Doanh nghiệp, người bán hàng online bị ảnh hưởng khi Zalo thu phí
Theo đó, với những người không sử dụng gói thuê bao, Zalo có 6 thay đổi quan trọng từ ngày 1/8 so với thời điểm trước khi thu phí:
– Thứ nhất, người lạ (không có trong danh bạ) sẽ không thể xem, bình luận vào nhật ký của người dùng.
– Thứ hai, mỗi tài khoản Zalo từ ngày 1/8 sẽ chỉ có 40 lần hiển thị/tháng khi người lạ tìm kiếm qua số điện thoại.
– Thứ ba, mỗi tài khoản chỉ được phản hồi 40 hội thoại/tháng từ người lạ, vượt hạn mức sẽ chỉ được đọc chứ không thể tiếp tục trả lời.
– Thứ tư, tối đa người dùng sẽ chỉ có 1.000 bạn bè, vượt mức sẽ không thể thêm bạn mới hay chấp nhận yêu cầu kết bạn từ người lạ.
– Thứ năm, sẽ không còn dùng tính năng username, điều này áp dụng cho toàn bộ tài khoản Zalo cá nhân.
– Cuối cùng, mỗi tài khoản được mặc định có 5 tin nhắn nhanh, nếu muốn thêm tin nhắn nhanh mới, người dùng cần xóa bớt những tin nhắn nhanh cũ.
Để có thể sử dụng không giới hạn như trước kia, người dùng sẽ phải chuyển sang gói Zalo OA (Zalo Official Account) doanh nghiệp. Các loại tài khoản OA xác thực sẽ có 4 gói sử dụng từ cơ bản (miễn phí), dùng thử (10.000 đồng), nâng cao (59.000 đồng) và Premium (399.000 đồng) cho mỗi tháng. Tất cả tính trên chu kỳ một tháng sử dụng.
Tài khoản OA khi mua thuê bao tháng sẽ bao gồm các tính năng không có trong bản thường, loại bỏ giới hạn về lượt hiển thị trong kết quả tìm kiếm, hỗ trợ danh bạ, phản hồi chat…
Dựa trên những thay đổi này, dễ thấy đối tượng người dùng phổ thông của Zalo sẽ không bị ảnh hưởng nhiều. Tuy nhiên, đối tượng người dùng bán hàng online hay doanh nghiệp lại ảnh hưởng trực tiếp.
Theo đó, người dùng phổ thông ít khi trả lời tin nhắn của người lạ và cũng ít khi được mọi người tìm kiếm. Nhưng với doanh nghiệp, người bán hàng online, việc bị giới hạn tính năng tìm kiếm, nhắn tin đồng nghĩa sẽ khiến cả người bán và khách hàng đều khó kết nối với nhau.
Việc người lạ (không có trong danh bạ) không thể xem, bình luận vào nhật ký của người dùng; mỗi tài khoản chỉ có 40 lần hiển thị/tháng khi người lạ tìm kiếm qua số điện thoại; mỗi tài khoản chỉ được phản hồi 40 hội thoại/tháng từ người lạ, vượt hạn mức sẽ chỉ được đọc chứ không thể tiếp tục trả lời khiến khách hàng không thể tiếp cận được các bài đăng của người bán hoặc ngược lại.
Không những thế, thay đổi từ ngày 1/8 của Zalo còn khiến mỗi tài khoản không trả phí giờ đây chỉ có tối đa 1.000 bạn bè. Đây là một điều không tưởng đối với doanh nghiệp, người bán hàng online bởi với tính đặc thù trong kinh doanh, mua bán, tệp khách hàng của họ không thể chỉ dừng lại ở 1.000 bạn bè.
Chung quy, tất cả những điều này đều ảnh hưởng tới “túi tiền” của doanh nghiệp, người bán hàng online hàng tháng.
Người chọn ở lại, kẻ chọn ra đi
“Hạn chế về mặt tin nhắn chính là hạn chế về mặt khách hàng“, đây là nhận định của chị T.Vân chủ của một cơ sở làm đẹp có mặt tiền tại Q1, TP.HCM.
Chị Vân cho biết, Zalo là ứng dụng chị và khách hàng hay sử dụng để trao đổi cũng như đặt lịch sử dụng vụ. Tuy nhiên, với thay đổi mới đây từ nền tảng, việc chị chuyển sang sử dụng Messenger, Viber,… là điều chắc chắn sẽ xảy ra.
“Các thay đổi của Zalo khiến cả tôi và khách hàng gặp khó khăn khi muốn kết nối cùng nhau. Thử hình dung, nếu khách hàng lạ nhắn tin đến mà chúng tôi hết lượt phản hồi hoặc chúng tôi muốn kết nối cùng họ nhưng lại vượt quá số bạn bè cho phép. Điều gây ảnh trực tiếp tới hưởng tới lợi nhuận thu về hàng tháng“, chị Vân cho biết.
Cũng giống với chị Vân, chị Bích Ngọc (Phú Nhuận, TP.HCM) cho biết thay đổi mới của Zalo gây phiền phức với người dùng. Là một người tập tành bán hàng online từ vài năm trước, chị Ngọc hay sử dụng Zalo để đăng bài bán hàng. Với giao diện dễ sử dụng, dễ kết nối với khách hàng, đây là ứng dụng chị vẫn hay sử dụng để chốt đơn, tư vấn size cho khách.
“Bên cạnh Facebook, Zalo là ứng dụng giúp tôi tiếp cận được phân khúc khách hàng mong muốn, đảm bảo lượng khách online thường xuyên“, chị Ngọc chia sẻ.
Tuy nhiên, đó chỉ là chuyện trước đây. Khi các trang thương mại như Shopee, Lazada bùng nổ, chị Ngọc cũng như nhiều người kinh doanh online đã chuyển sang dựng gian hàng trên các nền tảng. Việc kinh doanh cũng không còn bị phụ thuộc quá nhiều vào Zalo, Facebook.
“Việc Zalo thu phí có thể khiến nền tảng này mất không ít người dùng. Vẫn còn rất nhiều ứng dụng khác có chức năng tương đồng, thậm chi tốt hơn Zalo“, chị Ngọc nhận định.
Còn theo anh Trung Hiếu (Q3, TP.HCM), chủ một cửa hàng bán các dụng cụ và thực phẩm chức năng dành cho dân tập thể hình, việc bỏ ra một khoản phí hàng tháng cho nền tảng giúp mình kiếm ra tiền cũng là điều hợp lý.
“Nếu bạn dùng nền tảng của Zalo để kinh doanh thì việc nền tảng này thu phí là hoàn toàn bình thường. Tôi nghĩ sự thay đổi này là công bằng cho nhà phát triển thôi bởi họ còn phải tốn tiền duy trì hệ thống, đội ngũ nhân viên vận hành ứng dụng,… Không có gì là miễn phí mãi được. Người tiêu dùng thích thì sử dụng, không thích thì có thể chuyển sang ứng dụng khác“, anh Hiếu cho biết.
Theo Huỳnh Duy–Tổ Quốc