Nằm trong dãy Trường Sơn, ở giữa tỉnh Kon Tum và Quảng Nam, Ngọc Linh là dãy núi lớn gồm nhiều ngọn núi, với đỉnh cao nhất 2.605 m (so với mặt nước biển) – còn gọi là núi Mẹ – cao nhất miền Nam.
Chính vì vậy, được “chạm mặt” Mẹ Ngọc Linh – “nóc nhà” của ba nước Đông Dương – nơi ẩn chứa nhiều huyền thoại là một thử thách và là cái “duyên”.
Trắng đêm với rừng
Để đến được đỉnh núi Ngọc Linh, tôi phải mất nhiều tháng liền rèn luyện thể lực. Khi thấy sức khỏe cho phép, tôi làm việc với anh Đinh Ngọc Thanh – Giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh và hẹn ngày lên đường. Cái khó với tôi trong chuyến đi là tại thời điểm khám phá Ngọc Linh, chưa có phóng viên nào ở Trung ương và địa phương công tác tại tỉnh Kon Tum lên tới đỉnh Ngọc Linh để mình có thể tham khảo kinh nghiệm. Ngay cả những cán bộ Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh vẫn chưa “chạm mặt” Mẹ Ngọc Linh.
Chuyến đi này, tôi đi cùng với hai nhân viên bảo vệ rừng người Xê Đăng dày dạn kinh nghiệm, đó là A Bảy, nhân viên Trạm Quản lý bảo vệ rừng phòng hộ Đắk Nhoong có sức khỏe tốt, sử dụng thành thạo bản đồ, máy định vị, điện thoại thông minh và A Đun, nhân viên Trạm Quản lý bảo vệ rừng Ngọc Linh có trình độ leo núi cừ khôi, dày dạn kinh nghiệm đường rừng.
Bỏ lại xe gắn máy đầu làng Long Năng của xã Ngọc Linh, hơn 7 giờ sáng, chúng tôi khoác ba lô đi theo đường mòn từ các thửa ruộng bậc thang, hướng lên núi Mẹ. Cuối mùa khô, người dân đốt rẫy chuẩn bị sản xuất vụ mùa, khí trời như đông đặc lại. Chống gậy leo ruộng bậc thang và đường núi dốc đứng, chưa vào rừng mà tôi đã mệt “bở hơi tai”.
Mệt nhưng phải chống gậy tạo thêm sức bật để bước. Cứ thế, chúng tôi vào đến rừng Khu Bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh khoảng gần 10 giờ trưa.
Ở đầu rừng, tôi thấy có những cây sơn tra, bưởi, chanh và thảm thực bì khác với rừng tự nhiên. A Đun cho biết: Khu rừng này nguyên trước đây thuộc làng Long Noi cũ của xã Ngọc Linh và là một trong những khu căn cứ cách mạng; vì vậy, trong rừng còn lại nhiều cây ăn quả người dân từng trồng.
Ra khỏi làng Long Năng cũ, chúng tôi gặp rừng cây họ dầu có lớp vỏ dày xù xì, xoắn bọc thân gỗ. Xen lẫn trong rừng cây họ dầu là những cây thông 5 lá cao chót vót. Đi hết rừng cây họ dầu, gặp rừng cây hỗn giao. Dưới tán rừng, thân, cành cây rêu và địa y bám đầy vì trong rừng luôn ẩm ướt, mây mù bao phủ.
Ở trong rừng hỗn giao, thân thể mát rượi như đang ở trong phòng điều hòa nhiệt độ. Bao cảm giác mệt mỏi khi vượt dốc nhường chỗ cho cảm giác thư thái dễ chịu đến lạ thường. Rừng còn nguyên sinh, không thấy có dấu hiệu về sự tác động của con người.
Len lỏi trong rừng, đến hơn 14 giờ cùng ngày, chúng tôi dừng chân trên một bờ suối ở độ cao hơn 1.800 m. Sau khi hội ý, chúng tôi quyết định dựng lán trại, nấu cơm ăn, nghỉ tối tại đây để mai đi tiếp. Dọn chỗ nghỉ lại đêm bên bờ suối khá quang đãng, sau lưng là vách núi đá chất chồng làm chỗ dựa.
Tuy nhiên, không khí trong rừng âm u, ẩm ướt làm gai lạnh sống lưng. Tranh thủ thời gian trước khi chiều buông, chúng tôi nấu cơm, nướng thịt heo và nhâm nhi tí rượu để giải mỏi sau 1 ngày leo núi.
Trong rừng, ở độ cao không khí loãng, nồi cơm nấu rất lâu, lửa mạnh nhưng hạt cơm vẫn sượng, không chín mềm. Rượu nặng nhưng uống lại nhạt như nước lã. Đêm ở núi rừng Ngọc Linh khá yên tĩnh và trầm mặc. Trời lạnh và tối như bưng, tôi chỉ nghe tiếng côn trùng rên rỉ, làm cho không gian càng thêm ma mị, huyền hoặc.
A Đun phải liên tục choàng dậy đun thêm củi để sưởi ấm. Còn tôi cứ trằn trọc mãi không tài nào ngủ được vì lạnh và không quen với việc ngủ rừng.
Thiên nhiên kỳ thú
Từ độ cao trên 1.800 m trở lên, núi dốc đứng. Núi cao được đan cài bởi đá và rễ cây rừng khá chặt. Không xa trạm dừng chân của đêm hôm trước, chúng tôi gặp hang đá ở độ cao trên 1.900 m. Trong hang đá, thấy có những dấu củi đốt. Có lẽ từng có người nghỉ ngơi tại đây trước khi lên đỉnh núi.
Từ độ cao 1.800 – 2.400 m, rừng nhiều tầng, nhiều lớp và rễ cây bám đầy. Tôi một tay chống gậy, một tay bám rễ cây, đá và dùng sức bật của hai chân và gậy lên núi.
Ở đây có những cây rừng to có nhiều hang hốc, rong rêu bám đầy, cây đỗ quyên sống ký sinh trên đó như một loài lan. Từ độ cao 2.400 m, một nửa ngọn núi diện tích khá bằng, một nửa còn lại dáng hình chóp, cao vút lên. Ở phần núi có bề mặt tương đối bằng, A Đun chỉ cho tôi ranh giới bên này núi là thuộc Kon Tum, bên kia núi là tỉnh Quảng Nam.
Ở triền núi hình chóp, cây rừng thấp, nhỏ có hình thù kỳ quái. Cây và dây rừng như những con trăn, con rắn hay như những cánh tay “bà chằn” lông lá trong các truyền thuyết choàng cả lối đi. Nói thật, nếu đi một mình, ít ai đủ tự tin để bước tiếp.
Từ độ cao trên 2.500 m trở lên của đỉnh núi là rừng đỗ quyên. Cây đỗ quyên lá non màu hồng. Hoa đỗ quyên trắng tinh khiết, thoảng hương thơm nhẹ làm ngây ngất lòng người. Từ đỉnh núi này, nhìn rộng ra xung quanh, ta có thể thấy nhiều đỉnh núi khác nhấp nhô nhưng thấp hơn. Trên núi cao, thường ngày, ở dưới chân núi nhìn lên mây mù dày đặc, không thấy gì, nhưng không hiểu sao tại thời điểm tôi đến lại quang đãng đến lạ thường.
Rừng cây đỗ quyên thấp lùn, chỉ có một lối mòn nhỏ do người đi trước mở đường để lại, nhiều đoạn chúng tôi phải khom người xê dịch từng bước một. Dưới sự tác động của thời tiết khắc nghiệt, thân cây đỗ quyên ở đây chỉ cao khoảng 1,5 – 2 m, bám đầy rong rêu, xù xì. Điều khác lạ là trong rừng cây đỗ quyên lại có những đại lão thông 5 lá thấp lùn.
Cây thông gần đỉnh núi gốc to vòng tay người ôm, nhưng tán cây sà sà trên đầu cây đỗ quyên. Thân lão thông uốn khúc xuống đất như những con rồng, ôm giữ cho rừng đổ quyên chống chịu trước tác động mưa bão, nắng nôi.
Nhìn xa, trông các đại lão thông này giống như những cây bonsai cổ thụ được bàn tay của các nghệ nhân tạo dáng trông rất đẹp mắt. Không ai biết đích xác các đại lão thông bao nhiêu tuổi. Có lẽ cả ngàn năm tuổi cũng nên.
Ngược rừng đỗ quyên, chúng tôi “chạm mặt” Mẹ Ngọc Linh ở độ cao 2.605 m. Nhìn ra bốn bề xung quanh, chúng tôi thật sự choáng ngợp trước phong cảnh thiên nhiên kỳ thú. Nếu như ở sườn Tây rừng cây đỗ quyên điểm những bông hoa trắng muốt nhấp nhô như những con bướm trắng chập chờn đẹp đến mê hồn thì ở sườn Đông sương mù lại tầng tầng, lớp lớp như cảnh tiên.
Ngay tại đỉnh Ngọc Linh, chúng tôi gặp hình chóp bằng inox mà một đoàn công tác đã lắp đặt cách đó không lâu. Bốn mặt hình chóp ghi rõ tọa độ, độ cao đỉnh Ngọc Linh và đáy chóp được đổ bê tông gắn chặt với mặt đất. Bên gốc thông gần chóp inox, có lá cờ đỏ sao vàng của đoàn nào đó để lại màu còn tươi sáng.
Choáng ngợp và ngẩn ngơ trước phong cảnh thiên nhiên hữu tình trên đỉnh núi, nhưng chúng tôi buộc phải rời núi sớm để ra khỏi rừng trước khi trời tối.
Đường về, chúng tôi cứ bám đá, cây rừng xuống núi. Trong rừng, gần khu vực vùng đệm, chúng tôi gặp những cây rừng được người dân đục lỗ để nhử ong rừng. Cả A Bảy và A Đun đều khẳng định rằng, có nhiều hộ dân ở xã Mường Hoong, Ngọc Linh có nhiều kinh nghiệm đục lỗ nhử ong vào làm mật, thu hàng trăm lít mật ong rừng/năm.
Mật ong rừng trong lỗ sẫm màu, chất lượng tốt, giá từ 500 – 600 nghìn đồng/lít; còn mật ong tổ treo trên cây có màu vàng, giá chỉ 250 – 300 nghìn đồng/lít.
Cheo leo ở một sườn núi vùng đệm, người dân dựng chòi dưới tán cây rừng trồng sâm Ngọc Linh. Không chỉ ở xã Măng Ri, Tê Xăng, Ngọc Lây (huyện Tu Mơ Rông), nhiều hộ dân ở xã Ngọc Linh (huyện Đắk Glei) cũng đang làm giàu từ “quốc bảo” sâm Ngọc Linh và mật ong rừng.
Chuyến “chạm mặt” Mẹ Ngọc Linh – Vườn Di sản ASEAN để lại cho tôi nhiều ấn tượng khó quên. Rừng Ngọc Linh và đỉnh núi Mẹ Ngọc Linh là núi thiêng, là tài sản vô giá với sự đa dạng sinh học, có nhiều động thực vật quý hiếm; là nơi đầu nguồn của con sông lớn như Thu Bồn (Quảng Nam) và sông Sê San (Gia Lai – Kon Tum); là nơi cung cấp nước cho sản xuất, sinh hoạt và nhiều công trình thủy điện quan trọng (thủy điện Plei Krông, thủy điện Ya Ly, các thủy điện Sê San…) của quốc gia và khu vực…
Núi Ngọc Linh – Vườn Di sản ASEAN nơi điều hòa khí hậu trong khu vực; là nơi quan trọng trong chiến lược phòng thủ quốc gia… Do vậy, rừng Ngọc Linh cần phải được bảo vệ nghiêm ngặt.
Bảo vệ Ngọc Linh cũng là bảo vệ mái nhà chung, nơi chung sống của tất cả chúng ta.
Văn Nhiên (Báo Đắk Lắk)