Đây là nhận định của ông Nguyễn Thọ Tuyển – Chủ tịch BHS Group. Ông Tuyển cũng được biết đến là một chuyên gia lâu năm trên thị trường bất động sản.
Trong 2 năm quá, bất chấp tác động từ đại dịch Covid-19, các cơn sốt đất điên cuồng liên tục thống trị nhiều khu vực. Lúc bây giờ, sốt đất không chỉ loanh quanh những khu vực lân cận TP. HCM hay Hà Nội mà đã len lỏi về nông thôn, thậm chí là miền núi cũng sốt đất mạnh mẽ.
Đặc biệt sau Tết Nguyên đán, tình trạng nhiều dòng tiền liên tục đổ dồn vào bất động sản đã làm cho giá đất ở nhiều địa phương trên cả nước tăng lên chóng mặt, bắt nguồn từ nỗi lo lạm phát, nhiều người tìm đến bất động sản làm nơi trú ẩn. Đến nay, trải qua 6 tháng đầu năm, từ nhiều nguyên nhân như lạm phát, kiểm soát hoạt động trái phiếu và tín dụng bất động sản,… đã khiến thị trường đột ngột “quay xe” hạ nhiệt.
Chia sẻ về thị trường bất động sản thời gian qua, ông Nguyễn Thọ Tuyển – CEO BHS Group cho biết, trong 2 năm Covid-19, khi mà cả xã hội đứng lại, thì ngành tài chính nói chung hay bất động sản nói riêng lại tăng trưởng rất mạnh. Giá cả và thanh khoản bất động sản đều tăng trưởng tốt.
“Bất động sản như hình ảnh một lực sĩ đang tham gia cuộc thi cử tạ. Lực sĩ này thay đổi mức tạ liên tục và mốc nào cũng đạt được”, ông Tuyển ví.
Nói về thị trường trong suốt thời gian dịch bệnh, ông Tuyển nêu: “VN-Index từ 900 điểm phi lên 1.500 điểm. Bitcoin từ 15.000 USD/BTC lên tới gần 70.000 USD/BTC. Các ngân hàng và công ty chứng khoán báo lãi hàng ngàn tỷ đồng. Khi đó, cả ngành tài chính hân hoan reo hò khi từng mốc, từng mốc tạ được thiết lập mới. Bất động sản cũng không ngoại lệ, do được hưởng lợi từ nguồn vốn rẻ, từ tiền nhàn rỗi, và là đích đến của dòng tiền lời từ các kênh đầu tư khác.
Chàng lực sĩ này cũng cử giật, rồi cứ tăng liên hồi, nhiều mốc đỉnh giá bất động sản ở các địa phương bị phá vỡ. Đất đấu giá hay thổ cư, đất dự án đô thị hay nghỉ dưỡng, đất nông thôn hay khu công nghiệp, cả thị trường sơ cấp và thứ cấp đều tăng giá và thanh khoản tốt. Chàng lực sĩ tiếp tục hăng say, miệt mài gồng tạ”.
Nói về các tác động vào thị trường bất động sản, ông Tuyển chia sẻ, ngay từ khi xung đột địa chính trị xảy ra, lạm phát bắt đầu xuất hiện trên toàn cầu. Cùng thời điểm đó, trong nước một vài vụ án lớn được đưa ra điều tra và tiếp tục còn điều tra, cả tháng 4/2022 không một đồng trái phiếu bất động sản nào được huy động.
Chưa hết, ngân hàng đột ngột khóa van tín dụng chảy vào bất động sản, lãi suất huy động tăng theo đó, lãi suất cho vay cũng đang có xu hướng tăng. Bên cạnh đó, dự thảo sửa đổi luật Kinh doanh Bất động sản liên quan đến việc đánh thuế chuyển nhượng, đánh thuế cao với người sở hữu nhiều bất động sản, rồi bỏ quy định khung giá đất,…
“Tất cả những gì đang xảy ra chẳng khác nào một cú cù thật chí mạng và chàng lực sĩ đang mồ hôi nhễ nhại gồng mức tạ cao”, ông Tuyển nhận định.
Ông Tuyển nói thêm: “Như chúng ta đã thấy, thị trường bất động sản đang dần mất thanh khoản. Những địa phương có giá đất cao thì giờ đây chẳng thấy bóng dáng nhà đầu tư. Những nhà đầu tư đã mua bất động sản thì đang lo tiền mặt để đóng vào các đợt tiếp theo vì ngân hàng ngừng giải ngân. Những sản phẩm đầu tư mới ra hàng phần lớn phải đóng lại để chờ một cơ hội khác. Những bất động sản giá trị cao đến triệu đô tuyệt nhiên không thể giao dịch…. Lúc này, chàng lực sĩ của chúng ta đang khá hoang mang, nhưng có vẻ vẫn quyết tâm gồng để giữ tạ không rơi vào chân”.
Chia sẻ riêng với chúng tôi, ông Tuyển cho rằng, cử tạ sẽ rơi vào chân chàng lực sĩ này khi thị trường bất động sản xảy ra hiện tượng nhiều nhà đầu tư tìm cách thoát hàng, bán tháo. Tuy nhiên, thực trạng này sẽ không phải xuất hiện ở tất cả các phẩm bất động sản, bởi vấn đề nằm ở sự lựa chọn, vẫn sẽ có những sản phẩm bán tốt và sản phẩm rất khó.
Minh Tâm–Theo Nhịp sống kinh tế