Nhà Tây Tấn đã hoàn thành việc thống nhất Trung Hoa với tổng thiệt hại ít nhất về người và của, mà Vương Tuấn thật sự là nhất đại công thần trong đại nghiệp này. Cuộc đời của ông có gì đặc biệt?
Thế lớn trong thiên hạ, tan lâu rồi lại hợp, hợp lâu rồi lại tan. Ba nước Ngụy, Thục, Ngô, khiến người đời chấn động tâm can, sau khi các nhân vật kiệt xuất như Tào Tháo, Lưu Bị, Quan Vũ, Trương Phi, Gia Cát Lượng, Chu Du, Tôn Quyền… lần lượt qua đời, thế lớn trong thiên hạ dần đi đến thống nhất. Năm 263, chính quyền Tào Ngụy tiêu diệt nhà Thục Hán. Năm 266, Tư Mã Viêm soán ngôi Tào Ngụy lập ra nhà Tấn, sử sách gọi là Tây Tấn. Năm 280, Tây Tấn tiêu diệt Đông Ngô, chấm dứt hoàn toàn cục diện Tam Quốc thế chân vạc, thiên hạ được thống nhất trở lại.
Trước khi Đông Ngô bị diệt, trong dân gian đã lưu truyền một bài đồng dao: “A đồng phục a đồng, hàm đao phù độ giang, bất úy ngạn thượng thú, đãn úy thủy trung long”. “A Đồng” được nói đến trong bài đồng dao này chính là Vương Tuấn – đại công thần giúp nhà Tây Tấn thống nhất được thiên hạ.
Sau lễ đội mũ, lòng ôm chí lớn
Vương Tuấn, tự là Sĩ Trị, lúc nhỏ được gọi là A Đồng, người huyện Hồng Nông (nay là huyện Linh Bảo, tỉnh Hà Nam). Ông sinh ra trong gia đình quan lại nhiều đời hưởng lộc 2000 thạch.
Gia cảnh sung túc, từ nhỏ ông đã được sự giáo dục đầy đủ. Thời trẻ, ông đã thông minh ham học, làu thông kinh điển, tướng mạo lại tuấn tú khôi ngô. Nhưng trước năm 20 tuổi, ông không chú trong tu dưỡng phẩm hạnh, hành vi phóng đãng, danh tiếng nơi quê nhà không được tốt lắm.
Ở tuổi 20 sau lễ đội mũ, chí hướng của ông thay đổi, “tính cách trở nên phóng khoáng, lòng ôm hoài bão lớn lao”. Có câu chuyện như sau cho thấy chí lớn của ông:
Một lần, khi tu tạo lại vườn nhà, ông đặc biệt mở rộng con đường trước cửa đến mấy chục bộ. Nhiều người thấy lạ hỏi vì sao, ông nói: “Tôi muốn con đường đủ rộng để có chỗ cho đồ nghi trượng như cờ phướn, quạt dù, trường kích”. Thời đó, chỉ những người làm quan lớn khi đi ra ngoài mới có khung cảnh hoành tráng như vậy. Mọi người đều cười nhạo ông, ông nói: “Chim sẻ sao biết được chí chim hồng?”.
Về sau, Vương Tuấn đã chứng minh ông thật sự là con chim hồng bay lượn trên trời cao.
Bước vào hoạn lộ, uy chấn quan trường
Vương Tuấn bắt đầu sự nghiệp làm quan của mình ở Hà Đông. Khi đó, ông được quan lớn của châu quận chọn làm Tòng sự Hà Đông, tương đương với công tố viên phụ trách tư pháp bây giờ. Lúc này, Vương Tuấn thiết diện vô tư, ngay cả những quan chức có quan hệ với gia đình ông, ông cũng kiên quyết điều tra đến cùng. Vương Tuấn có nhãn quan nhạy bén, rất mau liền có thể phát hiện vấn đề tham ô của các quan. Bản tính ngay thẳng và liêm khiết chính trực của ông khiến các quận thú và huyện lệnh hay tham nhũng thường e sợ và từ quan.
Khi đó, Thứ sử Hà Đông Từ Mão có cô con gái tài mạo song toàn, nhưng nàng muốn tự mình chọn vị hôn phu, nên vẫn chưa xuất giá. Một ngày nọ, Từ Mão cho mời đám thanh niên tài hoa anh tuấn nhưng vẫn chưa kết hôn đến dự tiệc, và bảo con gái ở trong phòng nhìn ra, kín đáo chọn lựa. Cô gái đã chọn Vương Tuấn. Từ Mão bèn gả con gái cho ông.
Không lâu sau, danh tướng Dương Hỗ đến thăm người bạn cũ là Từ Mão, Vương Tuấn với tư cách là con rể của Từ Mão cũng tham gia chuyện trò. Dương Hỗ rất mau liền nhận thấy Vương Tuấn là bậc kỳ tài hiếm có. Sau đó, khi Dương Hỗ được lệnh trấn giữ Tứ Xuyên, ông đã để Vương Tuấn làm Tư mã Tham quân cho mình, phụ trách chỉnh đốn kỷ luật trong quân đội và coi ông như người bạn tâm giao.
Giữ chức Thái thú, thành tích chính trị kiệt xuất
Cháu trai của Dương Hỗ là Dương Kỵ nói với ông rằng: “Vương Tuấn là người rất có tham vọng, xa xỉ lại không biết tiết kiệm, không thể trọng dụng, đối với người này nên có sự kìm hãm”. Vương Hỗ lại cho rằng Vương Tuấn là người rất có tài năng, nên phải đặc biệt trọng dụng, và phong ông làm Xa kỵ Trung lang.
Nhà Ngụy diệt Thục Hán (năm 264), Tây Thục thuộc về Nguỵ. Sau đó Tư Mã Viêm giành ngôi nhà Ngụy lập ra nhà Tấn. Vương Tuấn được giữ chức Thái thú Ba quận.
Ba quận khi đó (nay là Trùng Khánh) ở gần Đông Ngô, nơi đây là yếu địa chiến lược của nhà Tây Tấn. Nhưng vì chiến loạn liên miên, vùng đất Ba quận thành ra hoang vu, người dân đói khổ phải rời bỏ quê nhà. Hơn nữa, vì để trốn tránh quân dịch, nhiều nhà không muốn sinh con trai, nếu sinh con trai đều len lén đem bỏ. Một đoạn thời gian, trên những con đường chính từ Ba quận dẫn đến các nơi khác, đâu đâu cũng có thể nhìn thấy những bé trai bị bỏ rơi. Ngoài ra, các dân tộc thiểu số xung quanh Ba quận vì để sinh tồn, cũng thường xuyên quấy nhiễu người dân nơi đây.
Vương Tuấn bèn thay đổi chính sách, ông áp dụng chính sách nhân từ, giảm nhẹ tô thuế và lao dịch, cơ cấu lại đất đai, phàm là những đất đai bị người quyền quý chiếm đoạt, nhất loạt đều trả lại người dân. Người có con đều được miễn trừ lao dịch, trong gia đình mà có bé trai, quốc gia còn chu cấp chi phí sinh hoạt, miễn giảm tô thuế, vì vậy các bé trai không bị vứt bỏ nữa.
Mặt khác, Vương Tuấn vẫn không nương tay với các quan chức tham nhũng ở Ba quận. Dưới sự cai trị của ông, trật tự địa phương dần dần được khôi phục, dân số và đất canh tác đã tăng lên rất nhiều, thậm chí người dân Đông Ngô ở biên giới cũng đến xin được sát nhập. Theo sử sách ghi lại, vào năm cuối cùng ông nhậm chức Thái thú Ba quận, dân chúng Đông Ngô xin được sát nhập đã vượt quá 3 vạn, điều này rất có lợi cho việc thống nhất thiên hạ của nhà Tây Tấn sau này.
Vì những thành tích chính trị xuất sắc, năm 272, Vương Tuấn được chuyển nhiệm làm Thái thú vùng Quảng Hán (Toại Ninh, Tứ Xuyên ngày nay), lúc này ông đã hơn 60 tuổi. Trong thời gian tại vị, ông đã mở rộng chính sách nhân từ, người dân đều rất kính trọng và tin cậy ông.
Điềm báo làm Thứ sử trong mơ
Một ngày nọ, Vương Tuấn có một giấc mơ rất kỳ lạ, ông mơ thấy có ba con dao treo trên xà nhà, một lúc sau lại thêm một con dao nữa. Sau khi choàng tỉnh, trong lòng ông cảm thấy rất chán ghét, nhưng Chủ bộ Lý Nghị lại lạy ông hai lạy, chúc mừng rằng: “Ba con dao là chữ Châu, lại thêm một con dao nữa, người sắp được làm Thứ sử Ích Châu rồi!”.
Quả nhiên, không lâu sau, tướng nha môn Ích Châu là Trương Hoằng làm phản, giết chết Thứ sử Ích Châu là Hoàng Phủ Yến, rồi xâm lấn Quảng Hán. Vương Tuấn lập mưu kế, điều động quân đồn trú ở Quảng Hán dẹp yên phản loạn. Sau sự việc, tuy có quan chức cáo buộc ông không nên tự ý điều động quân đội, nhưng hoàng đế không kết tội ông, trái lại còn phong ông là Quan Nội hầu, nhậm chức Thứ sử Ích Châu.
Thứ sử Ích Châu là quan chức địa phương có quyền lực cao nhất ở vùng Tây Nam, khu vực quản lý bao gồm hầu hết Tứ Xuyên ngày nay và một phần của Vân Nam, Quảng Tây và Tây Tạng, vì vậy Thứ sử Ích Châu còn được gọi là “Tây Nam Vương”. Trong nhiệm kỳ của mình, Vương Tuấn đã thúc đẩy chính sách nhân từ, tạo dựng uy tín, rất nhiều người dân thuộc các dân tộc đều đến quy hàng.
Vương Tuấn lập nhiều thành tích chính trị xuất sắc, do đó được tấn phong là Hựu vệ tướng quân, Đại Tư nông. Vì uy tín của ông ở Ích Châu rất cao, khi ông hết nhiệm kỳ trở về kinh đô, người dân địa phương lưu luyến không rời, đi theo ông suốt cả chặng đường dài.
Đóng tàu quy mô lớn cho đại nghiệp bình Đông Ngô
Khi đó, Tây Tấn đã thống nhất được phần lớn diện tích, chỉ còn lại Đông Ngô ở Giang Nam. Xa kỵ tướng quân Dương Hỗ bắt đầu lên kế hoạch tiêu diệt Đông Ngô, thống nhất Trung Quốc. Đối với nhà Tây Tấn mà nói, vấn đề lớn nhất là làm thế nào để đánh bại thủy quân của Đông Ngô. Từ chính quyền Tào Ngụy đến Tây Tấn đều đã nhiều lần phát động tấn công Đông Ngô, nhưng dù trận chiến trên bộ có suôn sẻ đến đâu, ngay khi đến sông Trường Giang, đều sẽ bị đánh cho đại bại. Đông Ngô chính là nhờ vào những nơi hiểm yếu của tự nhiên mà tồn tại được cho đến tận ngày nay.
Do vậy, muốn bình Đông Ngô thì trước tiên phải giải quyết vấn đề thủy chiến. Dương Hỗ cũng đã kiến nghị như vậy với Tấn Vũ Đế, ông cho rằng nếu muốn có một lực lượng hải quân lớn mạnh, thì trước hết phải có tàu chiến lớn mạnh. Dương Hổ biết rõ Vương Tuấn mưu lược hơn người, bèn bí mật dâng sớ xin cho Vương Tuấn ở Ích Châu tham gia đại kế bình định Đông Ngô, đồng thời xin cho Vương Tuấn làm người phụ trách xây dựng lượng lớn tàu chiến. Tấn Vũ Đế đã đồng ý với đề nghị của Dương Hỗ.
Sau khi nhận được chỉ ý, Vương Tuấn không ngại khó khăn, bắt đầu giám sát việc đóng hàng trăm tàu chiến, chiếc thuyền được đóng dài 120 bước và có thể chở hơn 2.000 người. Chung quanh thuyền lớn, hàng rào gỗ làm thành, còn xây dựng tháp canh, có bốn cửa ra vào, trên thuyền có thể cưỡi ngựa đi lại. Ở đầu thuyền còn vẽ hình quái thú đầu chim để dọa Thần Sông.
Có thể nói, đóng tàu với quy mô và số lượng lớn như vậy, có thể nói là trước nay chưa từng có. Vì để giảm bớt gánh nặng cho người dân, Vương Tuấn đã giảm bớt số lượng dân công hết mức có thể, đồng thời huy động một lượng lớn quân đồn trú và nha dịch, quan chức từ nhiều nơi khác nhau tham gia vào việc đóng tàu. Ông cũng đích thân đứng ra chỉ đạo, ăn ở tại hiện trường.
Đối với lượng gỗ cần thiết dùng cho việc đóng tàu, Vương Tuấn đã giảm bớt quá trình đưa người vào núi đốn gỗ. Một nửa số gỗ có được là thông qua thương mại với các dân tộc thiểu số địa phương, do đó đã cải thiện đáng kể hiệu suất của việc đóng tàu. Đồng thời, ông cũng có tầm nhìn xa trông rộng, trong quá trình đóng tàu đã điều động thủy quân đến hiện trường, vừa tham gia đóng tàu, vừa làm quen với tính năng của tàu chiến, và vừa tiến hành huấn luyện.
Tuy nhiên, có một điểm mà Vương Tuấn không ngờ tới, đó là lượng lớn mùn cưa trôi theo dòng sông đến địa phận của Đông Ngô. Thái thú vùng Kiến Bình của Đông Ngô là Ngô Ngạn đã lấy những mảnh gỗ này trình lên Ngô Chúa Tôn Hạo, cho rằng nhà Tây Tấn đã có kế hoạch tấn công Đông Ngô, nên cần phải tăng cường binh lính và làm công tác phòng bị ở Kiến Bình sớm hơn. Nhưng Tôn Hạo lại không đồng ý. May thay Ngô Ngạn đã không lơ là, ông cho dùng dây xích sắt chằng quanh các bãi nổi trọng yếu khắp mặt sông và chông sắt vài trượng ngầm dưới nước để ngăn thuyền chiến của Tây Tấn tiến vào.
Lúc này, một bài đồng dao bắt đầu lưu truyền ở thành phố Lạc Dương, kinh đô của nhà Tây Tấn: “A đồng phục a đồng, hàm đao phù độ giang, bất úy ngạn thượng thú, đãn úy thủy trung long”, tạm dịch là: “A Đồng vẫn A Đồng, ngậm đao vượt Trường Giang, không sợ thú trên cạn, chỉ sợ rồng trong nước”. Có nghĩa là một người tên A Đồng giải quyết được vấn đề đại quân vượt sông Trường Giang. Phần mở đầu bài viết đã nói rằng A Đồng chính là Vương Tuấn. Sau khi nghe bài đồng dao, Tấn Vũ Đế đã phong Vương Tuấn làm Long Tương tướng quân, giám sát các việc quân sự của Lương Châu, Ích Châu.
Chiến thuyền được đóng xong rồi, nội bộ triều đình Tây Tấn xuất hiện tranh cãi về việc có nên tấn công Đông Ngô hay không. Các văn thần Giả Sung, Tuân Húc lo ngại chiến tranh, cho rằng chưa đến lúc. Lúc này, Dương Hựu đã qua đời. Năm 279, Vương Tuấn dâng biểu khẩn khoản xin đánh Ngô, và được Tấn Vũ Đế chấp thuận.
Ý của Vương Tuấn là quân chủ hiện giờ của Đông Ngô là Tôn Hạo, tính tình hung bạo, người dân đều căm phẫn, vì vậy đây là thời điểm thích hợp để công đánh Đông Ngô. Nếu chẳng may Tôn Hạo đột ngột qua đời, Đông Ngô lập một minh chủ tài đức khác lên thay, khi đó bá quan văn võ đều có chỗ đứng, người dân phát huy hết tài năng thì nước Ngô sẽ trở thành cường địch của Tây Tấn, khi đó sẽ không dễ công đánh nữa. Một nguyên nhân khác là tàu chiến đã đóng được bảy năm, thời gian lâu rồi, gỗ rất dễ bị mục nát. Một lý do khác nữa là ông giờ đã 70 tuổi, không thể chờ đợi thêm được nữa.
Bình Đông Ngô, lập công đầu
Không lâu sau, Tấn Vũ Đế hạ chiếu tấn công nước Ngô, cuộc chiến quy mô lớn cuối cùng trong lịch sử Tam Quốc đã vén màn vào tháng Giêng năm 280. Đại quân Tây Tấn chia làm 6 lộ, một lộ trong đó do Vương Tuấn thống lĩnh thủy quân xuôi dòng thẳng tiến. Trước khi khởi hành, những đứa bé trai ở Ba quận được Vương Tuấn cứu sống năm xưa nay đã đến tuổi nhập ngũ, cha mẹ chúng đều căn dặn các con rằng: “Vương phủ quân đã cứu mạng con, nay con phải dốc sức chiến đấu để báo đáp hậu ân của Vương phủ quân, tuyệt đối không được tham sống sợ chết đó!”.
Sau khi khai chiến, các lộ quân khác đều gặp phải thất bại, nhưng đội quân của Vương Tuấn, xuất phát từ Thành Đô, dẫn theo Quảng Võ tướng quân Đường Bân, liên tiếp giành được chiến thắng vẻ vang, công phá vùng Đan Dương của Đông Ngô (nay là phía đông nam Tỷ Quy, tỉnh Hồ Bắc). Khi tiến vào Tây Lăng Hiệp, đối mặt với dây xích sắt chằng quanh mặt sông và chông sắt ngầm dưới nước, Vương Tuấn cho làm ngay bè lớn ghép vào nhau rộng vài trăm bộ, trên bè có rất nhiều người cỏ mặc giáp sắt, tay cầm gậy. Trước khi lên đường, ông cho người bơi giỏi đẩy bè đi trước. Đến bãi chông, chông cắm vào bè và bị nhổ bật lên. Vương Tuấn còn cho làm nhiều bó đuốc lớn, đổ đẫm dầu xếp trên các chiến thuyền. Khi thuyền mắc phải xích sắt, quân Tấn đốt các bó đuốc lên, sắt chảy ra, đứt đoạn. Thuyền chiến của quân Tấn cứ thế tiến lên không gặp trở ngại nào nữa.
Sau đó, đội quân của Vương Tuấn đã đánh chiếm được Nghi Xương, thị trấn quan trọng của Đông Ngô, và bắt sống Trấn nam tướng quân Lưu Hiến, Chinh nam tướng quân Thành Cứ, Thái thú Nghi Đô Ngu Trung. Sau đó, ông đánh hạ hai thành Kinh Môn, Di Đạo, bắt được Giám quân Lục Yến, Khắc Nhạc Hương, Đô đốc thủy quân Lục Cảnh, còn có nhóm người Bình tây tướng quân Thi Hồng đến xin hàng. Quân Đông Ngô khi nhìn thấy chiến thuyền khổng lồ của nhà Tây Tấn đều không khỏi kinh hãi.
Vào tháng 2 năm 280, Tấn Vũ Đế hay tin Vương Tuấn liên tiếp thắng trận, bắt sống nhiều quân Ngô, đã hạ chiếu ban cho ông chức Bình đông tướng quân, thống lĩnh đội quân Ích châu và Lương châu.
Ngày Vương Tuấn giành chiến thắng, bước tiến của năm lộ quân khác đều không mấy suôn sẻ, gặp phải sự kháng cự liên tục của quân Ngô. Chiến thắng của Vương Tuấn đã làm tiêu tan sĩ khí của Đông Ngô, tuyến phòng thủ bắt đầu sụp đổ.
Vương Tuấn suốt chặng đường cơ bản là đánh đâu thắng đó, quân Ngô ở Hạ Khẩu, Vũ Xương nghe tiếng đều bỏ chạy. Vương Tuấn xuôi dòng tiến xuống Tam Sơn gần kinh đô của Ngô. Tôn Hạo sai Du kích tướng quân Trương Tượng dẫn 1 vạn quân chống trả. Tuy nhiên, binh sĩ của Trương Tượng không muốn hy sinh chiến đấu vì Tôn Hạo, nên đã thi nhau đầu hàng hoặc bỏ trốn. Khi thấy quân Tấn hùng mạnh kéo đến, Trương Tượng cũng sợ hãi xin hàng.
Tháng 3 năm 280, Vương Tuấn dẫn quân tiến vào thành Thạch Đầu, pháo đài quân sự của Đông Ngô, Tôn Hạo thấy quân Tấn khí thế mạnh mẽ không thể chống nổi, bèn dẫn theo bá quan ra hàng. Vương Tuấn đưa Tôn Hạo đến Lạc Dương, kinh đô của triều đại Tây Tấn. Thời đại Tam Quốc chia ba thiên hạ đến đây đã kết thúc.
Sau khi Vương Tuấn tiến vào kinh đô của Đông Ngô, quân kỷ nghiêm minh, không xâm phạm dân thường. Việc đầu tiên ông làm là niêm phong sổ sách và ngân khố của hoàng cung Đông Ngô, chờ triều đình cử quan chức đến tiếp quản, không có chuyện tham ô nào trong quân đội của ông.
Trong trận chiến Tây Tấn diệt Đông Ngô, tổng cộng đã thu được 4 châu 43 quận, 312 huyện và 52,3 vạn hộ dân của Đông Ngô. Ngoại trừ thời kỳ đầu chiến tranh, kinh tế và đời sống của người dân vùng Giang Nam về cơ bản không bị ảnh hưởng. Không nghi ngờ gì nữa, nhà Tây Tấn đã hoàn thành việc thống nhất đất nước với tổng thiệt hại ít nhất về người và của, mà Vương Tuấn thật sự là nhất đại công thần trong đại nghiệp thống nhất Trung Hoa này của nhà Tây Tấn.
Tấn Vũ Đế bèn gia phong cho ông làm Phụ quốc Đại tướng quân, Hiệu uý thống lĩnh bộ binh, được cấp 500 cỗ xe lớn, tăng 500 quân cho doanh trại bản bộ của ông, và phong làm Nhưỡng Dương hầu, hưởng lộc vạn hộ. Con trai ông là Vương Di cũng được phong làm Dương Hương Đình hầu, thực ấp 1500 hộ.
Về sau, triều đình lại phong cho Vương Tuấn làm Trấn quân Đại tướng quân, đi có ngựa hầu, thống lĩnh các tướng ở hậu quân.
Tháng 12 năm 285, Vương Tuấn qua đời, thọ 80 tuổi, triều đình đặt tên thuỵ cho ông là Vũ. Ông được mai táng ở núi Bạch Cốc.
Hơn 500 năm sau, thi nhân Lưu Vũ Tích đời nhà Đường trong bài thơ “Tây tái sơn hoài cổ” (Nghĩ lại chuyện xưa ở núi Tây Tái) đã viết như vậy:
Vương Tuấn lâu thuyền há Ích Châu,
Kim Lăng vương khí ảm nhiên thâu.
Thiên tầm thiết toả trầm giang để,
Nhất phiến hàng phan xuất Thạch Đầu.
Dịch nghĩa:
Thuyền lầu của Vương Tuấn đi xuống Ích Châu,
Vương khí tại Kim Lăng ảm đạm tan rã.
Ngàn tấm khoá sắt chìm dưới đáy sông,
Một mảnh cờ hàng ló ra ở thành Thạch Đầu.
Dù năm tháng trôi qua, các sự tích anh hùng vẫn luôn được người đời sau ngưỡng mộ.
Tác giả: Lưu Hiểu, Epoch Times-Vũ Dương biên dịch