Cuộc đời ông Trần Trinh Trạch (hay còn gọi là Hội đồng Trạch) thay đổi kể từ khi ông lấy vợ.
Con nhà nghèo, phất lên nhờ lúa và muối
Ông Trần Trinh Trạch vốn sinh ra trong một gia đình nghèo khó ở Bạc Liêu, lúc nhỏ ông phải đi ở đợ cho một gia đình giàu có trong vùng. Vì cậu ấm con của người chủ bằng tuổi ông vốn làm biếng, ham chơi nên ông Trạch được cho đi học tiếng Pháp thay.
Nhờ cơ may làm “hình nhân thế mạng” này mà ông được biết cả chữ quốc ngữ lẫn tiếng Pháp. Với vốn liếng học hành đó khi lớn lên, ông không đi làm thuê nữa mà xin vào làm trong Tòa hành chính tỉnh Bạc Liêu và trở thành “thầy ký”.
Ông Phan Văn Bì khi ấy là bá hộ có ruộng đất nhiều nhất ở Bạc Liêu. Những năm cuối thế kỳ 19, ông còn được mệnh danh là vua lúa gạo Nam Kỳ.
Hàng năm, ông Bá hộ thường lên Tòa hành chính tỉnh để đóng thuế điền đại. Nhiều năm ông cũng đã để mắt tới thầy ký Trạch còn trẻ mà mặt mày sáng sủa, hiểu biết lại đứng đắn, đàng hoàng nên mời về nhà chơi, để cô con gái thứ tư tên Phan Thị Muồi có cơ hội gặp mặt. Hai bên đều ưng nhau, ông Bì tổ chức đám cưới và cho cặp đôi một số ruộng đất làm vốn.
Từ khi làm rể ông Vua lúa gạo, thầy ký nghỉ chân thư ký ở tòa hành chính. Được cha vợ cho một phần đất, ông trở thành điền chủ, đứng ra quản lý điện đại. Vì là người thông minh, có học, lại không ăn chơi cộng thêm có được động lực từ cha vợ nên ông Trần Trinh Trạch phất lên nhanh chóng.
Các lô ruộng đất của những người con khác của ông Bì do ham mê cờ bạc đều lần lượt cầm cố về tay ông Trạch hết. Lúc đầu, ông Bá hộ không vui vì con rể đã nắm hết ruộng đất. Nhưng sau này ông đành nghĩ “lọt sàng xuống nia” nên thôi. Gia tộc Trần Trinh bắt đầu gây dựng tiếng tăm từ đó.
Sự thịnh vượng của ông Trần Trinh Trạch không thể kể xiết khi ông đầu tư vào ruộng muối và trúng thầu trở thành nhà cung cấp muối cho các tỉnh Nam Kỳ. Lúc này, ông tiếp tục mua thêm ruộng và trở thành đại điền chủ có số ruộng đất nhiều nhất Đông Dương.
Ông Trạch chiếm tới 11/13 lô ruộng muối của cả tỉnh Bạc Liêu với hơn 50.000 mẫu ruộng muối. Riêng ruộng lúa ông có 74 sở điền, các con số ghi lại không giống nhau, lúc thì 110.000 mẫu, lúc thì 150.000 mẫu. Dù là con số nào thì không có đại điền chủ nào ở Nam Bộ có thể sánh với ông Trần Trinh Trạch về số ruộng đất.
Mua siêu xe và sắm máy bay
Có 7 người con, trong đó có ba con trai, ông Trạch đặt niềm tin nhiều nhất vào cậu Ba Huy sẽ trở thành người thay ông nắm cơ nghiệp và quản lý điền thổ.
Khi người con thứ hai này lớn lên được ông Trạch cho du học ở Pháp. Ngày cậu Ba Huy học thành tài về nước, Hội đồng Trạch lên tận Sài Gòn đón con. Ông còn quyết định mua thêm một xe hơi mới thật hoành tráng thay cho chiếc xe Ford đang xài để cậu Ba Huy “áo gấm về làng”.
Ông mướn khách sạn trước chợ Bến Thành, đoạn thả bộ ra ngã tư Charner – Bonard (giờ là ngã tư Nguyễn Huệ – Lê Lợi) có một hãng bán xe hơi danh tiếng để coi xe. Ông xem chiếc xe Chevrolet mắc tiền nhất, kêu sốp phơ (tài xế) kiểm tra kỹ càng, rồi ông leo lên ngồi thử xem có vừa ý không, đến khi ưng rồi ông mới trả tiền, mua luôn.
Cậu Ba Huy khoe học ở Pháp có cả bằng lái máy bay rồi thuyết phục ông Trạch nên mua máy bay, vì có máy bay thăm lúa rất nhanh, đồng thời nếu có dịch sâu rầy, cào cào, châu chấu thì dùng máy bay phun thuốc trừ sâu sẽ rất nhanh và hiệu quả hơn. Bùi tai, ông Trạch duyệt luôn cho cậu Ba Huy đặt mua một chiếc.
Ngày 24/6/1932, trên tờ báo La Courrier Saigonnais đã loan tin giật gân với tít lớn ở trang nhất, tạm dịch là: “Ông điền chủ Trần Trinh Huy ở Bạc Liêu sắm một chiếc máy bay và làm sân bay trên đất của ông ở Cà Mau“.
Gia sản khổng lồ đến ngày khánh kiệt
Giàu có nhưng ông Trần Trinh Trạch cũng nổi tiếng là người chí thú làm ăn, không ăn chơi gì nhiều trừ hai sự kiện kể trên liên quan đến con trai.
Năm 1942, sau khi mừng thọ tuổi 70 được hơn tháng, ông Trạch nói cậu Ba Huy lái xe đưa ông lên Sài Gòn chơi, tắm biển Vũng Tàu rồi lên Đà Lạt. Nhưng sau khi tắm biển lâu quá ông bị cảm lạnh, sức yếu nên mất.
Đám tang của ông lớn chưa từng, kéo dài đến 7 ngày 7 đêm. Tá điền, dân chúng tới viếng và đeo tang đều được đãi ăn uống và cho 1 giạ lúa. Đám tang ông cả chục ngàn người tham gia, tới mức xe tang đã đến nghĩa trang cách thị xã Bạc Liêu 5 km mà dòng người đi theo vẫn chưa ra khỏi thị xã.
Cả đời ông Hội đồng Trạch cần kiệm làm nên khối tài sản khổng lồ nhưng khi ông qua đời con cái lại tiêu xài phá tán hết, nhất là Công tử Bạc Liêu khét tiếng ăn chơi. Có nhiều giai thoại kể về độ ăn chơi khét tiếng của Công tử Bạc Liêu như đốt tiền nấu chè, đổi nhà phố lấy người đẹp,…
Sau này khi chế độ cũ hai lần áp dụng chính sách cải cách điền địa nên ruộng đất bị truất hữu, con cái ông được bồi thường một số tiền nhưng không biết làm ăn nên họ quyết định đem số tiền này cộng với tiền bán một số căn biệt thự trên Sài Gòn gửi ngân hàng để lấy tiền lãi chia nhau sống.
Theo Trí Thức Trẻ