Nếu bạn đang phân vân, hãy làm theo trực giác của mình. Trực giác có thể giúp bạn đưa ra những quyết định đúng đắn.
Vài năm trước, em gái kể cho tôi nghe câu chuyện về một người đàn ông cùng gia đình chuyển đến Asheville, Bắc Carolina nơi em tôi sinh sống. Họ đang xây một ngôi nhà ở trên ngọn đồi gần thành phố. Vào một ngày Chủ nhật nọ, người đàn ông lái xe ra ngoài để kiểm tra tiến độ xây dựng căn nhà. Anh ấy mang theo đứa con trai nhỏ mới chập chững biết đi của mình.
Cậu bé ngủ gật trong xe. Người đàn ông quyết định để cậu bé ngủ một giấc trong khi anh ấy đi kiểm tra ngôi nhà đang xây.
Tuy nhiên, sau khi rời khỏi xe vài bước, vì một số lý do không thể giải thích được, anh cảm thấy không an tâm khi để con lại một mình trong xe. Vì vậy, anh đã quay lại, bế cậu bé trên tay và đi đến ngôi nhà. Sau khi anh quay trở ra xe của mình thì thấy một con gấu đen đã trèo vào ô tô qua cửa kính để mở, và đang vui sướng ngấu nghiến mấy cái bánh quy.
Tôi không biết làm cách nào mà người đàn ông đuổi được con gấu ra khỏi xe ô tô, nhưng nghe theo sự mách bảo của trực giác đã giúp anh bảo vệ mạng sống của cậu con trai nhỏ.
Một ví dụ khác. Hàng năm, các sinh viên tiếng Latin của tôi tham gia Kỳ thi tiếng Latin Quốc gia. Chúng tôi sử dụng giáo trình và các bài kiểm tra thực hành để chuẩn bị cho thử thách của kỳ thi. Tôi cũng xem xét một số mẹo hay để dạy cho sinh viên của mình áp dụng trong quá trình làm bài thi.
Tôi nói với các sinh viên, “Nếu các em làm bài xong sớm”, “hãy dành vài phút để tĩnh tâm và sau đó kiểm tra lại bài làm của mình. Và hãy nhớ”, tôi luôn nói thêm rằng, “đừng thay đổi câu trả lời nào trừ khi các em biết chắc chắn là nó sai. Ngay cả khi các em không thể giải thích chính xác được tại sao, nhưng trực giác đầu tiên của các em có thể đã đi đúng hướng”.
Trong bài viết được đăng trên mạng của nhà văn Colleen Oakley có nhan đề “Sức mạnh của trực giác phụ nữ”, bà Colleen đã đưa ra một ví dụ khác về sự chính xác của trực giác như sau:
“Khi tôi và chồng mình đi chọn mua ngôi nhà đầu tiên, chúng ta đã xem hơn 20 căn nhà đang rao bán trên thị trường. Không có ngôi nhà nào có vẻ phù hợp với danh sách các tiêu chí mà chúng tôi đề ra về một ngôi nhà hoàn hảo. Tôi thất vọng và gọi điện cho mẹ. “Con hãy quên cái danh sách đó đi”, bà bảo tôi. “Khi con bước qua cánh cửa chính của ngôi nhà dành cho mình, con sẽ cảm giác được điều đó”. Ba ngày sau cuộc trò chuyện với mẹ, khi tôi cùng với nhân viên môi giới bất động sản bước lên hiên nhà hơi dốc của một ngôi nhà thiết kế theo phong cách Tây Ban Nha được xây dựng từ năm 1926, gồm ba phòng ngủ, tôi nhận ra rằng những gì mẹ tôi nói là đúng. Ngôi nhà chỉ có một phòng tắm và cần phải sơn sửa cũng như lắp đặt một hệ thống điều hòa không khí mới. Nhưng bằng cách nào đó mà tôi biết rằng ngôi nhà này sẽ là ngôi nhà của mình”.
Đối với một số người, sự mách bảo của trực giác này có vẻ không đáng tin, thậm chí ngớ ngẩn. Trong thời đại công nghệ của chúng ta với câu thần chú “Hãy làm theo khoa học”, chúng ta có thể thấy vô lý khi có những người nói rằng, “Tôi không thể giải thích được, nhưng đây là ngôi nhà hoàn hảo dành cho tôi”.
Tuy nhiên, giác quan thứ sáu này đã được một cuốn từ điển trực tuyến đã định nghĩa như sau “một khả năng trực giác được cho là đưa ra nhận thức mà không thể lý giải được theo cách thông thường”, không tương đương với việc nhìn vào một quả cầu pha lê để dự đoán tương lai. Cho dù là tình yêu sét đánh, tránh một con phố nào đó vào ban đêm, hay quyết định mua cho một người bạn món quà sinh nhật khiến cô ấy vui sướng như đi trên mây, trong các trường hợp này, trực giác sẽ phát huy tác dụng.
Đương nhiên, hiểu sai về giác quan thứ sáu này cũng có thể nguy hiểm. Ví dụ, hầu hết chúng ta có những lúc hiểu sai động cơ của những người xung quanh. Trong bài viết của mình, bà Oakley trích dẫn chia sẻ của cô Judith Orloff, bác sĩ tâm lý và tác giả của cuốn sách “Hướng dẫn Chữa lành bằng Trực giác”, cảnh báo rằng “Sự sợ hãi, ước muốn và nỗi đau tất cả có thể xen vào trực giác. Điều quan trọng là bạn cần thật sự tập trung lắng nghe tiếng nói từ sâu thẳm bên trong nội tâm mình”.
“Có thể bạn đang cố gắng quyết định xem mình có nên nhận một công việc mới trả lương gấp đôi công việc hiện tại hay không. Lý trí của bạn nói “Đương nhiên rồi! Công việc mới kiếm được nhiều tiền thế kia mà”, nhưng bạn nhận ra mình cảm thấy hơi nôn nao ở dạ dày hay kiệt sức. Đó là một tín hiệu của trực giác mách bảo rằng bạn nên chậm lại và thật sự xem xét cẩn trọng lời đề nghị”, cô Orloff chia sẻ.
Hầu hết chúng ta suy nghĩ và lên kế hoạch trước khi đưa ra các quyết định quan trọng, nhưng đừng quên rằng sự mách bảo của trực giác có thể đóng một phần trong phương trình đó.
Theo Jeff Minick/The Epoch Times