Khoảng quý I năm nay, tôi có nhận được một cuộc gọi ngẫu nhiên từ một người tư vấn chứng khoán nói rằng, ‘hãy nhanh chóng đầu tư mã nào đó, vì tình hình chiến sự Ukraine nên mã này tăng nhanh lắm, ngày 15 mọi người đang chia sẻ cổ tức’ v.v.
Vì tôi chưa tìm hiểu mảng này nên tôi từ chối. Anh tư vấn vẫn cứ nài nỉ, bảo kết bạn Zalo… nhưng cuối cùng tôi vẫn cự tuyệt. Những chuyện này có thể chúng ta đã từng gặp qua, có người được tiền nhưng cũng có người mất tiền.
Có một nhà đầu tư nổi tiếng người Mỹ là Warren Buffett, ông đầu tư cổ phiếu hầu như chưa bao giờ bị lỗ, đã đưa ra một số nguyên tắc đầu tư kinh điển, nếu làm theo thì hầu như ‘trăm trận không nguy’. Nhưng vấn đề ở đây là: đã biết nguyên tắc đầu tư, nhưng tại sao có người vẫn mất tiền?
Trong chương trình Thiên Lượng luận chính đăng ngày 9/2, nhà sử học, chuyên gia phân tích các vấn đề thời sự, đồng thời là giảng viên Đại học Phi Thiên – Giáo sư Chương Thiên Lượng đã đưa ra nguyên tắc đầu tư của Warren Buffett, phân tích điểm yếu trong nhân tính, từ đó tìm ra nguyên nhân khiến con người mất tiền.
Ôn cố tri tân
Đầu tiên Giáo sư Chương chia sẻ rằng, hình thức kinh tế, mua bán cổ phiếu v.v. cuối cùng đều quy về ‘phản ánh trong nhân tính’. Hiểu được ‘nhân tính’ (tính cách con người) có thể nắm vững tình huống của thị trường.
Trong ‘Sử ký – Trọng Ni đệ tử liệt truyện’ có ghi chép về 72 cao đồ của Khổng Tử, nhưng chỉ có ghi chép về Tử Cống là dài nhất. Khổng Tử đánh giá Tử Cống là người giỏi du thuyết.
Tử Cống là Nho – Thương đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc, ông không chỉ là Nho sinh mà còn là thương nhân. Ông giao dịch rất nhiều của cải, tích lũy được sản nghiệp nghìn vàng, vô cùng giàu có. Ông chu du các nước bằng cỗ xe bốn ngựa (phương tiện di chuyển cao cấp thời đó), qua lại giao tiếp với rất nhiều quân chủ các nước nên nhận được sự tôn trọng của họ.
Trong ‘Luận ngữ – Tiên tiến’ có ghi lại lời của Khổng Tử rằng: “Hồi thường không có gì để ăn, hay bị đói. Tứ thì không giống vậy. Tứ có tài đoán giá cả thị trường rất chuẩn, hễ đoán là trúng”.
Từ câu chuyện này, Giáo sư Chương nhìn nhận rằng, Tử Cống phán đoán thị trường rất chuẩn, nếu ông ấy mua bán cổ phiếu thì chắc chắn kiếm được khoản lớn. Nhưng Giáo sư Chương không đồng ý với cách đầu tư theo kiểu đầu cơ, mua bán trong thời gian ngắn.
Nhân tiện Giáo sư Chương kể một câu chuyện đang nóng trên mạng nói về người phụ nữ mất rất nhiều tiền khi đầu tư. Về chi tiết thì ở đây tôi không đề cập, nhưng trong đó có 2 điểm mà Giáo sư Chương nói rất đáng phân tích.
Nguyên tắc đầu tư của Warren Buffett
Thứ nhất là cô ấy vi phạm nguyên tắc về loại tiền để đầu tư. Đầu tư phải dùng ‘tiền nhàn rỗi’, nhàn rỗi đến độ 20 mấy 30 chục năm không dùng đến.
Giáo sư Chương kể câu chuyện ở Mỹ rằng, khi làm việc ở đây, công ty sẽ cho bạn benefit – đãi ngộ phúc lợi, trong đó có giúp bạn làm ‘kế hoạch nghỉ hưu’. Công ty sẽ trích một phần tiền trong lương của bạn để đầu tư, đến khi 60 tuổi về hưu bạn sẽ được nhận lại. Điều này nghĩa là họ trích ‘tiền nhàn rỗi’ của bạn để đầu tư, mà tiền này bạn không dùng trong 30 mấy năm!
Vì sao lại lấy tiền nhàn rỗi để đầu tư? Bởi vì dao động của cổ phiếu trong thời gian ngắn là rất lớn, nếu dùng tiền sinh hoạt hàng ngày, nhỡ cổ phiếu giảm thì bạn không còn tiền trang trải cuộc sống, tiền mất thậm chí không lấy lại được. Do đó đầu tư phải dùng tiền nhàn rỗi, đây là điểm thứ nhất.
Thứ hai là người phụ nữ này mua bán cổ phiếu trong thời gian ngắn. Có thể hình dung như thế này: có cổ phiếu tăng phi mã, người phụ nữ này mua nhưng lúc đó nó đã đến đỉnh, ngày hôm sau lại bắt đầu giảm, cứ bị nhiều lần như vậy khiến cô ấy tổn thất càng ngày càng nhiều. Việc mua bán cổ phiếu trong thời gian ngắn là một nguy cơ lớn.
Buffett từng có một câu nói rất nổi tiếng rằng: “Nếu bạn không muốn giữ một cổ phiếu trong 10 năm, bạn sẽ không muốn giữ nó trong 10 phút”. Giáo sư Chương thấy rằng, đầu tư giống như trồng trọt canh tác vậy, đừng bao giờ nôn nóng đốt cháy giai đoạn kiểu như… ‘nhổ lúa để cho mau lớn’ (1). Phẩm chất quan trọng bậc nhất để bạn không bị mất tiền khi đầu tư chính là: kiên nhẫn, nhất định phải kiên nhẫn.
Từ nguyên tắc đầu tư ở trên, Buffett đã đưa ra một vài kiến nghị.
Kiến nghị thứ nhất là: “Đừng bao giờ mất tiền”. Kiến nghị thứ hai là vĩnh viễn không được quên… kiến nghị thứ nhất “Đừng bao giờ mất tiền”. Nói tóm lại là “Đừng bao giờ mất tiền, đừng bao giờ mất tiền” – Never lose money!
Đến đây có thể một số người nghĩ rằng ‘không mất tiền khi đầu tư’, điều này là không thể. Chẳng phải Buffett từng mất 23 tỷ đô-la Mỹ (khoảng 530 nghìn tỷ đồng) vào năm khủng hoảng kinh tế thế giới 2008 hay sao? Nhưng Giáo sư Chương đánh giá, tiền ông mất là tiền trên sổ sách chứ không phải mất tiền mặt thật sự.
Vậy thì điều Buffett muốn nói là gì? Chính là không được mang cái tâm ‘nhảy động’, hoặc cái tâm ‘đánh bạc’ khi đầu tư, kiểu như ‘Ok, để tôi cược một ván vào cổ phiếu này’ v.v. Nếu mang một tâm thái như vậy, Buffett cho rằng bạn nhất định thua cược. Buffett nói “đừng bao giờ mất tiền” là để khuyên rằng: khi bạn tiến vào đầu tư, bạn nhất định phải rõ ràng những nguy hiểm hay rủi ro là gì.
Trước khi đầu tư cổ phiếu, Buffett nghiên cứu rất chi tiết cho đến khi ông lý giải (hiểu) được vận hành, mô hình lợi nhuận, cho đến viễn cảnh trong tương lai của công ty đó. Ông không có tâm thái ‘lần này thua cũng được’.
Buffett nói điều quan trọng khi đầu tư không phải là thông minh, mà là tính khí của người ấy. Thà ngốc một chút, chậm một chút nhưng phải nhẫn nại chứ không phải ‘khôn vặt’ mà đi lấy cái lợi nhỏ. Bạn không phải theo số đông, cũng không phải đi ngược số đông, mà là hãy có phán đoán của riêng mình. Nếu làm được việc này, thành công trong thị trường chứng khoán, thì bạn có ‘critical thinking’ (tư duy phản biện) rất tốt, giống như Tử Cống phán đoán thị trường rất chuẩn.
Có người nói cổ phiếu này tốt, có người nói không tốt, quan trọng là bản thân chúng ta phải xem ai nói có đạo lý, lúc này ‘tư duy phản biện’ trở thành điều vô cùng quan trọng.
Khi đầu tư, Buffett thường nhìn vào báo đáp/lợi nhuận lâu dài mà công ty đó mang lại, chứ không phải xem thị trường hôm nay biến động gì. Khi cổ phiếu giảm rất mạnh ông không bán, cũng như khi cổ phiếu tăng mạnh ông không mua. Ông không kiếm tiền nhờ cổ phiếu tăng/giảm trong thời gian ngắn, mà là kiếm được nhờ hồi báo của cổ phiếu trong tương lai.
Điều này dẫn đến nguyên tắc thứ hai của Buffett trong đầu tư đó là: ‘người đầu tư hãy coi công ty như của mình, cùng tiến cùng thoái‘. Bạn là người đầu tư chứ không phải người đánh bạc, hãy coi đó như là business – việc kinh doanh của bạn, không thể để công ty ‘của mình’ đóng cửa. Buffett khuyên người đầu tư nên có tâm thái như vậy.
Trước khi đầu tư một cổ phiếu nào đó, Buffett thường lấy ra một tờ giấy, ghi ra một cách chi tiết ‘vì sao lại mua cổ phiếu này’. Ví như cổ phiếu này có lợi tức bao nhiêu, bao nhiêu lâu có thể thu hồi lại, mô hình lợi nhuận là gì. Ông còn xem xét từ quá khứ đến hiện tại thì tỷ lệ lợi nhuận là bao nhiêu, ước tính cho tương lai, từ đó phân tích mô hình này liệu có thành công hay không v.v.
Ông phân tích rất kỹ rồi mới đưa ra phán đoán ‘liệu cổ phiếu của công ty này có đáng để tôi đầu tư hay không’.
Nhân chuyện này, Giáo sư Chương chia sẻ thêm về tâm thái đầu tư. Trong tiếng Anh, người mua cổ phiếu của công ty gọi là Share Holder (cổ đông). Share Holder có 2 loại là: Preferred Stock Holder và Common Stock Holder.
Preferred Stock Holder nghĩa là bạn có quyền được chia cổ tức nhưng không có quyền bỏ phiếu trong việc định hướng phát triển công ty. Còn Common Stock Holder là người kiểu như chủ tịch hội đồng quản trị, những người đầu tư Thiên sứ (đặt nền móng cho mô hình kinh doanh), đầu tư vòng A, B… tức những người có quyền được chia cổ tức và quyền bỏ phiếu phát triển công ty.
Thông thường đa phần người đầu tư là Preferred Stock Holder, nhưng Warren Buffett khuyên rằng bạn nên mang tâm thái của Common Stock Holder, coi việc công ty như công việc kinh doanh của mình, cùng tiến cùng thoái. Đây là nguyên tắc rất quan trọng của Buffett.
Nguyên tắc thứ ba, Buffett khuyên rằng: Tốt nhất nên mua cổ phiếu của công ty tốt, giá cả công bằng là có thể mua. Không nên mang tâm thái cổ phiếu của công ty đột nhiên rẻ thì mua nhiều, hay cổ phiếu tăng thì không nên bán số lượng lớn.
Trong khủng hoảng kinh tế năm 2008, cổ phiếu Goldman Sachs thấp nhưng ông vẫn mua rồi giữ đó. Sau này công ty ấy hoạt động bình thường trở lại thì ông thu được món tiền lớn. Ở đây ông đặt mắt vào những công ty tốt, bởi vì một khi nó đã lớn tới một mức độ nhất định thì không dễ phá sản hay sụp đổ.
Ngoài ra còn cân nhắc thêm là nợ của mình không được quá cao, tỷ lệ Lợi nhuận/Thu nhập hàng năm không được quá thấp v.v. Khi rõ ràng những thông số ấy thì mới mua cổ phiếu.
Có người hỏi Buffett rằng ‘cầm cổ phiếu bao lâu thì bán’, ông trả lời “muốn giữ nó vĩnh viễn”, đây là lý do vì sao Buffett có một câu nói rất nổi tiếng “Nếu bạn không muốn giữ một cổ phiếu trong 10 năm, bạn sẽ không muốn giữ nó trong 10 phút”.
Nguyên tắc đầu tư của Buffett rất đơn giản, tại sao có người vẫn không tuân thủ được?
Trên đây là những nguyên tắc rất đơn giản của Buffett khi đầu tư, một người bình thường có thể áp dụng được để có được thu nhập tốt. Nhưng khúc mắc ở đây là: nguyên tắc đầu tư của Buffett rất đơn giản, tại sao có người vẫn không tuân thủ?
Là một người am hiểu văn hoá, Giáo sư Chương nhìn nhận: bởi vì con người có nhược điểm trong nhân tính là Tham lam và Sợ hãi. Thấy người khác kiếm được mình cũng nổi lòng tham, thấy số đông mua/bán ồ ạt làm mình sợ, phải chạy theo số đông trong khi không có chính kiến. Do đó, đừng vì thấy số đông đang mua/bán cổ phiếu mà làm theo khi không dựa vào nguyên tắc cơ bản: công ty ấy hoạt động có hiệu quả và mô hình lợi nhuận của họ có ổn định hay không.
Trong tiếng Anh có một từ chuyên ngành là FOMO (Fear Of Missing Out: Hội chứng sợ bỏ lỡ). Người bị hội chứng này dễ bị người khác lôi kéo khi thấy lợi trước mắt. Ví như khi thấy tiền ảo đang trên đà tăng thì cũng bị kéo vào mua, nhưng đến khi mua xong thì đó là giá cao nhất, sau đó tiền ảo lại hạ; khi thấy hạ nhiều quá thì lại bán, nhưng lúc bán lại là giá thấp nhất… Loại mua bán trong thời gian ngắn này rất dễ xảy ra. Đây lại là nhược điểm của con người: Tham lam và Sợ hãi.
Là một người có tín ngưỡng chân chính, Giáo sư Chương chia sẻ thêm rằng, điểm yếu trong nhân tính khiến con người không kiếm được tiền, đây là một phương diện. Ở một phương diện khác, con người giàu có hay không thì trong mệnh đã có, bao gồm cả việc kiếm được tiền hay mất tiền.
Do đó không nên mang một thái độ rằng ‘Tôi PHẢI phát đại tài’. Nên đầu tư chính thường, làm việc chính thường, nỗ lực công tác, dù mua nhà hay cổ phiếu cũng không được mang cái tâm tham lam… như thế bạn sẽ nhận được hồi báo rất tốt.
Cá nhân tôi còn liên tưởng đến một câu chuyện về… Pháp gia. Pháp gia khống chế xã hội bằng cây gậy và củ cà rốt. Nếu bạn không nghe lời thì sẽ dùng cây gậy để làm bạn Sợ hãi. Còn nếu nếu dụ dỗ mê hoặc bạn, họ sẽ dùng củ cà rốt (chính là) để đánh vào Lòng tham của bạn. Mà Tham lam và Sợ hãi đều là những điểm yếu trong nhân tính, cũng là chấp trước của con người. Từ điều này, tôi liên tưởng đến tầm quan trọng của khả năng phân biệt thật giả, đúng sai, chính tà.
Nếu bạn nhận một tin nhắn nói kiểu như ‘làm rất ít mà được rất nhiều, liên hệ số điện thoại nào đó’, ‘bạn là một trong số ít những người may mắn nhận được phần thưởng gì đó, gọi số nào đó nhận ngay’ v.v. thì chúng ta hãy thử nghĩ: liệu có tiền ngẫu nhiên từ trên Trời rơi xuống, hay làm ít mà được nhiều chăng? Sở dĩ có người mất tiền là vì có chấp trước Tham lam.
Còn về nhận định chính tà, nếu môn pháp nào đó giúp trừ bỏ chấp trước thì đó mới là môn pháp đúng, còn nếu tăng cường chấp trước về tiền bạc, vật chất hay những thứ khác thì khả năng cao không phải là điều chính, bởi vì Giác Giả muốn con người chịu khổ, trả nghiệp, về Thiên quốc; chứ không phải tăng cường ham muốn ở thế gian.
Trong thời đại loạn như thế này, thì việc hiểu được những điểm yếu trong nhân tính, từ đó khắc phục và phân biệt được thật giả, chính tà là một điều hết sức quan trọng, một phần là để sống tốt ở thế gian, phần còn lại là để có được những sự lựa chọn đúng đắn trong tương lai.
Mạn Vũ