Mọi sự việc xảy ra trên thế gian này đều có nguyên nhân, trên thế giới này không có chuyện gì là ngẫu nhiên, là “tai bay vạ gió” tự nhiên xuất hiện.
Vào cuối thời nhà Minh, thiên tai khắp nơi, giặc cỏ hoành hành, dân chúng phải gánh chịu đủ loại thảm họa do thiên nhiên và con người gây ra. Sử sách có ghi lại cảnh Tứ Xuyên bị giặc cướp xâm lược trong “Thiên phủ chi quốc”: “Xương chất thành đống cao như gò đồi, đồng ruộng hoang vu, ngàn dặm không thấy có khói bốc lên, hiếm thấy vết chân người”.
Nhân gian nơi con người sinh sống vốn là xã hội trong mê, mọi chuyện xảy ra đều có nguyên nhân, trên đời không có gì gọi là tai bay vạ gió.
Kỷ Hiểu Lam, một học giả nổi tiếng ở thời nhà Thanh, đã ghi lại một đoạn đối thoại sâu sắc trong “Kỷ văn đạt công bút ký trích yếu”, chỉ ra nguyên nhân và hậu quả của thảm họa.
* * *
Khi ông cố của tôi (Kỷ Hiểu Lam) tên Nhuận Sinh Công ở Tương Dương đã từng gặp một tăng nhân, nghe nói người này vốn là cấp dưới của thủ lĩnh bất hảo Huệ Đăng Tướng vào cuối thời nhà Minh. Vị tăng nhân kể về những vụ cướp hồi đó rất chi tiết và cụ thể, người nghe chỉ biết lắc đầu thở dài: “Đây là số kiếp do ông Trời sắp đặt, khó tránh khỏi”.
Tuy nhiên, vị tăng nhân không đồng ý, ông nói: “Theo ý kiến của bần tăng, loại số kiếp này hoàn toàn là do chính tự bản thân con người gây ra, Thiên thượng tuyệt đối sẽ không bao giờ giáng tai họa xuống cho con người một cách vô duyên vô cớ. Thảm cảnh giết người, gian dâm, đánh cướp xảy ra vào cuối thời nhà Minh, thậm chí còn kinh khủng hơn việc đổ máu ba nghìn dặm trong vụ tạo phản của Hoàng Sào vào cuối thời nhà Đường”.
“Hãy cùng tìm hiểu nguyên nhân xuất hiện nghiệp báo này. Từ giữa thời nhà Minh, quan lại người người đều tham lam bạo ngược, nhân sĩ hoành hành ngang ngược. Nếp sống của người dân từ đó cũng trở nên gian giảo, độc ác, xảo trá, giả tạo, đạo đức trượt dốc, không trừ một nơi nào. Vì vậy, ở tầng lớp dân thường, lòng dân oán hận vô tận; đứng từ góc độ trên thượng giới, cũng khiến Thần phẫn nộ, bất bình. Tích lũy ân oán hơn một trăm năm, một khi bộc phát ra, thì không ai có thể ngăn cản lại được”.
Vị tăng nhân tiếp tục nói: “Lại nói tiếp về những điều bần tăng mắt thấy tai nghe. Những người chịu tai họa nghiêm trọng nhất trong loạn lạc, thường là những người thường ngày hung ác nhất. Đây có thể gọi là “kiếp số” sao?
“Tôi nhớ trước đây khi còn sống trong toán cướp, một lần, bọn cướp bắt được con cháu một vị quan lại, chúng sai người bắt cậu ta quỳ trước cửa lều, rồi ôm vợ và vợ bé của người đó uống rượu mua vui, rồi hỏi: “Anh có dám nổi giận không?” Anh ta quỳ xuống và nói: “Không dám.” Tên cướp hỏi lại một lần nữa: “Anh có muốn phục vụ chúng ta không?” Người đó vội vàng trả lời: “Có.” Vì vậy, anh ta được nới lỏng dây trói và ngồi cạnh phục vụ rót rượu”.
“Cảnh tượng này khiến không ít người đứng ngoài quan sát phải thở dài ngao ngán. Khi đó, một cụ già bị bắt làm tù binh đã nói: ‘Hôm nay mới biết nghiệp báo quả là rõ ràng’. Hóa ra, gia đình vị quan này từ đời ông nội đã thường xuyên gạ gẫm, giở trò đồi bại với vợ của kẻ hầu người hạ. Nếu người hầu có chút bất mãn, sẽ bị đánh một trận rất tàn nhẫn, rồi trói vào gốc cây, để hắn nhìn thấy vợ mình phải ngủ với chủ nhân. Tuy nhiên, đó chẳng qua chỉ là một mặt bạo hành hung ác của những tên cường hào này. Còn có những tội khác không khó để tưởng tượng ra”.
Khi vị tăng nhân nói những lời này, một cường hào tình cờ ở đó, nghe xong rất bất bình và nói: “Trên đời, cá lớn ăn cá bé, chim săn mồi ăn chim yếu, tại sao Thần không nổi giận? Riêng chỉ có con người có hành vi độc ác Thiên thần liền tức giận là sao?”
Vị tăng nhân nghe xong, quay đầu nhìn một cách khinh thường và nói: “Chim và cá là loài vật, lẽ nào con người cũng giống cầm thú chim muông sao?”
Vị cường hào không nói nên lời và tức giận bỏ đi.
Ngày hôm sau, vị cường hào tập hợp môn khách, tìm đến ngôi chùa nơi vị tăng nhân ngủ lại để khiêu khích cố gắng làm nhục tăng nhân kia, chẳng ngờ vị tăng nhân đã sớm rời đi chỉ để lại dòng chữ trên tường: “Ông không cần nói gì, ta không cần nói gì, dưới lầu cô quạnh không người, trên lầu có trăng sáng”.
Điều này có thể là để chế giễu những việc làm xấu mà vị cường hào kia đã gây ra. Sau đó, người này cũng bị thân bại danh liệt, gia đình tan vỡ, tuyệt tử tuyệt tôn.
Người xưa giảng: “Trồng dưa được dưa, trồng đậu được đậu”. Mặc dù đây là câu tục ngữ cửa miệng, nhưng cũng là thiên lý của vũ trụ, thiện ác hữu báo. Gieo nhân thiện lương ắt gặt quả thiện, gieo nhân ác, tất sẽ gặp ác báo, chỉ là sớm hay muộn mà thôi. Xét cho cùng, chính sự băng hoại của đạo đức con người là nguyên nhân dẫn đến những thảm họa tự nhiên.
Theo Vision Times-Kiên Định biên dịch