Kỷ Hiểu Lam là tác giả của cuốn “Duyệt Vi thảo đường bút ký”, bộ tiểu thuyết chí quái ghi chép lại những câu chuyện ngắn kể về ma quỷ thần tiên, nhân quả báo ứng, khuyến thiện và trừng trị cái ác v.v. Trong đó phần lớn các câu chuyện kỳ dị đều là chính tác giả đích thân trải nghiệm hoặc mắt thấy tai nghe. Bài viết dưới đây thuộc loạt bài “Duyệt vi thảo đường bút ký” của Kỷ Hiểu Lam.
Địa tiên báo ân
Vương Sử Đình – người biên soạn của Hàn Lâm Viện đã kể lại một câu chuyện như sau: Có một vị quan họ Thôi vì phạm lỗi nên bị phạt đi đày ở Quảng Đông. Quan viên này trong lòng lo lắng mang theo gia quyến đi cùng sẽ phát sinh những chuyện bất trắc, bèn dặn dò thê thiếp ở lại và tự mình rời đi.
Sau khi đến nơi chịu phạt, ông ngày ngày sầu não không cách nào giải tỏa. Mỗi khi nhớ nhà, nghĩ đến tình cảnh ‘thiếu phụ ngóng trông chồng’, uẩn khúc lòng ông lại càng trải dài vô tận.
Một lần, Thôi mỗ tình cờ gặp được một lão nhân họ Đổng – tự ‘Vô Niệm’. Hai người nói chuyện rất ăn ý. Lão Đổng đồng cảm với tình cảnh họ Thôi lưu lạc nơi xứ người, bèn mời về làm thầy dạy chữ cho con trai mình. Kể từ đó họ Thôi trở thành sư gia nhà họ Đổng, khéo thay hai thầy trò cũng khá hoà hợp.
Vào một đêm nọ, Đổng lão cùng họ Thôi uống rượu đàm đạo. Đang lúc cao hứng, họ Thôi ngước mắt nhìn lên, đối diện với cảnh sắc trăng phủ lầu cao, mà bất giác nhớ tới quê nhà. Họ Thôi tay cầm ly rượu, dựa cột thất thần, mà quên mất rằng đang có người bên cạnh.
Đổng lão thấy vậy cười nói: “Phải chăng ngài đang nhớ tới gia quyến? Chúng ta là bằng hữu! Tôi sớm đã nghĩ cách, nhưng không biết có thể thực hiện được hay không nên vẫn chưa tiện nói ra, đợi khoảng mươi hôm nữa sẽ có tin báo về”.
Đặng nửa năm sau, một ngày nọ, lão nhân bỗng nhiên hớt hải dặn dò người hầu dọn dẹp một gian phòng. Lúc sau thì có ba chiếc kiệu nhỏ được khiêng tới, thê thiếp của vị họ Thôi cùng một tỳ nữ vén màn bước xuống.
Thấy vậy, họ Thôi vô cùng ngạc nhiên, mừng không kể xiết, nghi nghi hoặc hoặc bước đến hỏi: ‘Các nàng làm cách nào mà tới được đây?’. Hai vị thê thiếp nói: “Bọn thiếp nhận được thư của chàng, liền theo dặn dò đi cùng một vị quan viên thân thích tới đây. Vì vị quan viên nọ không thể chờ lâu, nên chúng thiếp thu thập qua loa rồi lên đường ngay. Việc trong nhà gửi gắm đại ca thay mặt lo liệu. Ước định số tô thóc thu được mỗi năm, đại ca sẽ bán lấy tiền để gửi tới nơi này cho chúng ta”.
Nghe xong họ Thôi lại hỏi: “Tỳ nữ đi theo các nàng là từ đâu tới?”. Thê thiếp đáp: “Đây chính là tiểu thiếp của vị quan viên kia. Vì chính thất phu nhân không thể chung sống hòa hợp với nàng ta, nên đã đem bán nàng đi. Lúc đi thuyền trên đường tới đây hai thiếp gặp được, liền dùng giá rẻ mua lại nàng”.
Họ Thôi cảm kích, xúc động đến rơi lệ mà bái lạy cảm tạ Đổng lão. Từ nay về sau, gia đình đoàn tụ, ông cũng sẽ không còn phải chịu nỗi khổ nhớ quê nhà như trước nữa.
Lại qua mấy tháng, lão nhân nói với người họ Thôi rằng: “Tỳ nữ kia là do các vị phu nhân tình cờ gặp được giữa đường, lại cùng với các nàng đồng cam cộng khổ mà tới được đây, nên cũng coi như là có duyên với anh. Anh hãy coi nàng như thê thiếp mà đối đãi, không nên lạnh nhạt với nàng mới phải!”.
Vài năm sau, triều đình đại xá thiên hạ, họ Thôi được trở về. Vị này vui mừng tới mức tối ngủ cũng không yên giấc. Nhưng thê thiếp cùng tỳ nữ lại mang sắc mặt thê lương, âu sầu. Dáng vẻ của các nàng không có chút nào giống như sắp được trở về quê hương, mà dường như sắp phải ly biệt thì đúng hơn.
Họ Thôi an ủi các nàng, nói: “Các nàng là vì cảm kích ân tình của lão nhân đối với chúng ta chăng? Nếu vượt qua được giai đoạn sinh tử này, chắc chắn chúng ta sẽ trở lại báo đáp lão vào một ngày không xa”.
Các nàng đều không đáp lời, chỉ mau chóng giúp ông thu dọn hành trang. Đương lúc sắp lên đường, lão nhân bố trí tiệc rượu để tiễn chân vị quan nọ, đồng thời lại gọi ba cô gái ra và nói: “Hôm nay ta nhất định phải đem sự tình giải thích rõ ràng cho ngài”.
Sau đó ông chắp tay hướng họ Thôi mà nói: “Ta thật ra chính là một địa tiên. Kiếp trước ta và ngài cùng làm quan trong triều. Sau khi ta mất, ngài đã nghĩ đủ mọi cách mang vợ ta trở về quê nhà. Ân đức này của ngài, ta mãi không quên. Có ân phải trả là quy củ của Thiên giới. Đến nay, ngài vì gặp chuyện mà phải xa cách thân nhân ở quê nhà. Ta tự nhiên nghĩ cũng nên vì ngài mà lo liệu một vài chuyện. Nhưng mà núi cao, đường xa, làm sao hai người phụ nữ yếu đuối có thể đến được. Vì vậy, ta đã nhờ tới hoa yêu. Đầu tiên, ta để cho các nàng ở trong nhà ngài nửa năm, quan sát tướng mạo và thói quen nói chuyện của hai vị quý phu nhân. Sau đó để các nàng mô phỏng, bắt chước làm theo. Hơn nữa, ta còn để các nàng nghe ngóng tìm hiểu chuyện cũ trong nhà ngài. Như vậy sẽ khiến ngài không sinh lòng nghi ngờ với họ. Các nàng vốn dĩ là ba chị em, cho nên mới nhiều thêm một người tỳ nữ. Hình tượng của các nàng đều là do biến hóa mà thành. Ngài cũng không cần phải nhớ nhung làm gì. Khi ngài về nhà sẽ thấy thê thiếp của ngài cùng các nàng ở đây không mấy khác nhau”.
Nghe xong đầu đuôi sự việc, họ Thôi thỉnh cầu ông lão cho phép ba cô gái hồi hương cùng mình.
Lão nhân bảo: “Quỷ thần đều có ranh giới của bản thân. Họ có thể tạm thời rời đi, nhưng không được phép rời đi quá lâu mà không quay trở lại”.
Ba nàng nắm tay vị quan viên họ Thôi bịn rịn hồi lâu, nói lời từ biệt. Các nàng khóc mà nước mắt rơi thấm ướt cả y phục. Đương lúc nói chuyện, các nàng đã dần biến mất. Lúc lên thuyền, từ xa trông lại có thể thấy các nàng đang đứng bên bờ sông, nhưng có gọi thế nào các nàng cũng không tới. Sau khi về đến nhà, gặp mặt thê thiếp, thê tử của ông nói với ông rằng: Những năm gần đây hoàn cảnh gia đình ngày một sa sút, đều là dựa vào chút tiền phu quân hàng năm gửi về mới có thể sống tới ngày hôm nay. Bấy giờ, quan viên họ Thôi mới hiểu: hóa ra tất cả mọi chuyện đều đã được lão nhân kia sắp xếp ổn thỏa.
Nếu như người thế gian ly biệt đều có thể gặp vị địa tiên này thì chắc cũng không còn cảnh Ngưu Lang – Chức Nữ mang mối hận chia ly.
Vương Sử Đình nói: “Lời này quả thực không sai. Thế nhưng, Quảng Đông có địa tiên, chỗ khác nhất định cũng sẽ có. Vị địa tiên họ Đổng có pháp thuật như vậy, các địa tiên khác nhất định cũng sẽ có pháp thuật như thế. Sở dĩ không một ai khác có được loại may mắn này, đại khái chắc là bởi kiếp trước họ chưa từng làm được chuyện tốt như vậy. Địa tiên cũng không nhận được ân huệ gì nên cũng không có trách nhiệm phải giúp đỡ người ta. Có ân phải trả, đó là ý Trời. Tuy nhiên người không có công gì mà hưởng lợi ích thì cũng là không được”.
Theo Sound of Hope-Bích Liên biên dịch