Lạm phát tại Mỹ đã chạm mức cao nhất trong 40 năm vào tháng 5 vừa qua. Đây là mức tăng lớn, tạo thêm áp lực cho Fed trong lộ trình nâng lãi suất và làm căng thẳng thêm các vấn đề về chính trị cho Nhà Trắng, cũng như Đảng Dân chủ.
Theo Bộ Lao động Mỹ, CPI tháng 5 đã tăng 8,6% so với 1 năm trước và tăng 1% so với tháng 4, vượt ước tính của các chuyên gia. Yếu tố đẩy CPI tăng mạnh là giá nhà, thực phẩm và xăng . Trong khi đó, CPI lõi – không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng, tăng 0,6% so với tháng trước và 6% so với 1 năm trước, cũng cao hơn dự báo.
Số liệu mới công bố đang là lu mờ kỳ vọng về việc lạm phát đã đạt đỉnh và bắt đầu hạ nhiệt. Giá xăng tại Mỹ tăng cao kỷ lục, cộng với chi phí ăn uống và chỗ ở không ngừng lên cao. Điều này cho thấy Fed sẽ sớm phải đưa ra biện pháp kiểm soát hiệu quả hơn. Song, động thái nâng lãi suất mạnh mẽ của NHTW có thể làm tăng nguy cơ suy thoái – điều mà một số nhà kinh tế đã nhận định là có thể xảy ra vào năm tới.
Trong tháng 5, giá nhu yếu phẩm tại Mỹ tiếp tục tăng ở mức 2 con số. Giá năng lượng tăng 34,6% so với 1 năm trước, cao nhất từ năm 2005, trong đó giá xăng dầu tăng gần 49%. Giá xăng trong tháng 6 đã cũng đạt mức kỷ lục mới, báo hiệu áp lực lớn cho số liệu CPI trong thời gian tới và Fed đang phải ngồi trên một “chiếc ghế nóng”.
Giá hàng tạp hóa tại Mỹ tăng 11,9% so với năm trước, cao nhất kể từ năm 1979. Giá điện tăng 12%, cao chưa từng thấy từ tháng 8/2006. Giá thuê căn hộ tăng 5,2% so với 1 năm trước, mức cao kỷ lục kể từ năm 1987.
Tình trạng này có thể trở thành vấn đề nan giải cho Tổng thống Joe Biden, khi tỷ lệ ủng hộ ông đã giảm xuống mức thấp trước thềm cuộc bầu cử giữa kỳ vào cuối năm nay. Dù thị trường lao động vẫn là một điểm sáng, nhưng lạm phát cao kỷ lục trong nhiều thập kỷ đang tác động không nhỏ đến tâm lý người dân Mỹ vì lương tăng không kịp với tốc độ của giá hàng hoá.
Thu nhập trung bình theo giờ của lao động Mỹ được điều chỉnh theo lạm phát đã giảm 3% trong tháng 5 so với 1 năm trước đó. Đây là mức giảm lớn nhất kể từ tháng 4/2021 và là lần giảm thứ 14 liên tiếp.
Giá đồ nội thất – bao gồm cả giường ngủ, là một trong số ít hàng hóa hạ giá trong vài tháng qua. Trong khi đó, giá các mặt hàng như quần áo tiếp tục tăng và tác động đến CPI lõi.
Giá vé máy bay tăng 12,6% trong tháng 5, giảm nhẹ so với tháng trước nhưng vẫn tăng cao chưa từng thấy kể từ năm 1980. Giá khách sạn tăng 22,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhu cầu du lịch và sử dụng các dịch vụ giải trí tăng cao trong mùa hè này, đặc biệt là đối với các hộ gia đình giàu có, họ là nhóm người tiêu dùng có tiền tiết kiệm để chi tiêu cho các mặt hàng không thiết yếu. Ngoài ra, thị trường lao động đang gặp khó khăn có thể tiếp tục tạo áp lực đối với tình hình lạm phát trong những tháng tới.
Trong năm nay, chi tiêu của người tiêu dùng vẫn được giữ vững dù lạm phát tăng nóng, nhờ số tiền tiết kiệm “rủng rỉnh” và các khoản vay thẻ tín dụng. Một số nhà kinh tế lo ngại Fed sẽ đi quá xa trong việc thắt chặt chính sách tiền tệ và khiến sức chi tiêu yếu đi.
Trong khi đó, chi phí lưu trú – chiếm khoảng 1/3 CPI, tăng 0,6% so với tháng 4, cao nhất kể từ năm 2004 và tăng 5,5% so với năm ngoái. Các nhà kinh tế không cho rằng lạm phát chi phí nhà ở sẽ đạt đỉnh trong năm nay và có thể hạng mục này sẽ còn tăng nữa.
Giá ô tô đã qua sử dụng – vốn đã hạ nhiệt trong những tháng gần đây, tăng 1,8% trong tháng 5. Giá xe mới tăng 1%.
Áp lực lạm phát tại Mỹ ngày càng gia tăng khi có nhiều yếu tố tác động: mâu thuẫn Nga – Ukraine vẫn chưa hạ nhiệt, cùng với đó là những biện pháp trừng phạt của phương Tây với Nga; khả năng gián đoạn lớn khi hợp đồng của các công nhân ở các cảng ở khu vực Bờ Tây sắp hết hạn; các đợt phong tỏa ở Trung Quốc và tình trạng hạn hán.
Theo Nhịp sống kinh tế