Cả con đường đu đủ đâm có hơn chục hàng quán nhưng tiệm của chị Néang Srây Ny luôn đông khách nhất. Mỗi ngày chị bán khoảng 200 đĩa đu đủ đâm, riêng lễ, Tết tăng lên cả nghìn đĩa.
Đu đủ đâm là đặc sản gì?
Đu đủ đâm là món gỏi đu đủ của người Campuchia, thế nhưng người dân biên giới ở huyện Tri Tôn, An Giang đã học hỏi món ăn dân dã này và biến thành đặc sản “vạn người mê”.
Nằm cách thị trấn Tri Tôn (huyện Tri Tôn, An Giang) gần 2km, sóc Phnom Pi thuộc xã Châu Lăng được mệnh danh là con đường đu đủ đâm của miền Tây vì nơi đây tập trung hơn 10 quán đu đủ đâm từ đầu đường đã ngửi được hương thơm thức ăn lan tỏa. Trong đó quán đu đủ đâm Rina được đánh giá là quán ngon và đắt khách nhất “con đường đu đủ đâm”.
Chị Néang Srây Ny (27 tuổi, chủ quán đu đủ đâm Rina) cho biết, cơ sở của chị hoạt động được 10 năm nay, là tiệm đầu tiên ở sóc Phnom Pi sau đó mọi người thấy việc kinh doanh thuận lợi mới ồ ạt buôn bán theo, tạo nên đặc sản đu đủ đâm như hiện tại.
“Món ăn đu đủ đâm do em trai tôi học được khi đi ăn ở quán khác. Em thấy ngon và nguyên liệu cũng dễ tìm nên bảo mẹ tôi mở quán bán thử. Bên Campuchia chỉ bán gỏi đu đủ thôi nhưng gia đình tôi kết hợp bán thêm bò nướng, gà nướng các loại để đa dạng thực đơn”, chị Srây Ny cho hay.
Do món ăn chưa phổ biến nên thời gian đầu mở quán đu đủ đâm của chị Ny khá vắng, chủ yếu phục vụ khách địa phương. Cách đây 3 năm, em trai chị Ny quay các món ăn tại quán đăng lên mạng xã hội bất ngờ nhận được sự chú ý của nhiều người, du khách các tỉnh lặn lội đến thưởng thức món ngon, công việc kinh doanh suôn sẻ từ đó đến nay.
Nói về tên gọi đu đủ đâm, chị Ny lý giải ngoài thành phần đu đủ, món gỏi này còn có rau muống, đậu đũa, cà chua, rau thơm, củ hành, chanh hòa trộn với các gia vị như đường, ruốc, đậu phộng đặc biệt không thể thiếu mắm ruốc pha theo công thức gia truyền, đây chính là điểm nhấn giúp món đu đủ đâm đậm đà, thơm ngon hơn.
Sau khi cho các nguyên liệu vào cối, chị Ny dùng chày đâm và trộn để sợi đu đủ bào được thấm gia vị mới bày ra đĩa. Ăn kèm đu đủ đâm còn có trứng vịt luộc và xiên bò nướng.
“Ngày thường tôi bào khoảng 30kg đu đủ nhưng đến ngày lễ, Tết phải tăng lên 60, 70kg, những lúc ấy mỗi ngày bán cả nghìn đĩa đu đủ đâm là chuyện thường. Để đu đủ luôn giòn và tươi phải chọn đu đủ mỏ vịt, bào lấy sợi rồi đem ướp đá lạnh, rau muống ăn kèm cũng làm tương tự như thế”, cô chủ 9X tiết lộ.
Đặc sản đu đủ đâm: Kiếm chục triệu đồng mỗi ngày
Còn về món nướng đặc sắc nhất phải kể đến xiên bò nướng được làm từ nạm bò Bảy Núi. Thịt bò mua về được rửa sạch và ướp với đường, bột ngọt, muối và màu tầm 20 phút thấm đều gia vị thì dùng xiên que xâu bò lại rồi buộc bằng cọng lác cột bánh. Nướng thêm khoảng 10 phút bày ra đĩa ăn kèm muối ớt chanh.
“Bò ở đây người ta nuôi cho ăn cỏ nên thịt thơm ngon hơn, phần nạm có chút mỡ nên khi nướng nó có vị béo. Ngày thường tôi ướp 30kg bò nhưng ngày lễ, Tết tăng lên 50, 60kg”, chị Ny cho hay.
Quán đu đủ đâm của chị Ny mở cửa từ 11h-17h mỗi ngày, với mức giá bình dân, bò nướng 4.000 đồng/xiên, đu đủ đâm 10.0000-20.000 đồng/ đĩa, cánh gà, đùi gà 20.000 đồng/ cái… Mỗi ngày có hàng trăm du khách từ các tỉnh tìm đến thưởng thức, ước doanh thu từ vài triệu đồng đến cả chục triệu đồng.
Nam du khách Chí Công (đến từ Kiên Giang) cho biết, quan mạng xã hội anh biết đến quán đu đủ đâm Rina, có dịp đi An Giang nên anh ghé thưởng thức xem có ngon như lời đồn.
“Gỏi đu đủ tôi đã ăn nhiều lần nhưng món đu đủ đâm ở đây rất lạ, đu đủ giòn hòa với nước mắm ruốc mằn mặn, đĩa gỏi đơn giản nhưng hội tụ đủ vị chua, cay, mặn ngọt ăn kèm còn có xiên bò nướng kích thích mọi giác quan”, anh Công tấm tắc khen.
Được biết, trước khi bén duyên với nghề bán đu đủ đâm cuộc sống gia đình chị Ny rất khó khăn, mẹ chị làm mướn thu nhập bấp bênh, chị học hết cấp 2 đã phải nghỉ học, nhờ có quán đu đủ đâm em trai chị mới tốt nghiệp THPT và đang đi nghĩa vụ quân sự.
Bảo Kỳ (Dân Trí)