Một công việc độc hại có thể khiến bạn bị “ốm” theo nhiều cách.
Đa số chúng ta đều mong muốn có được một bến đỗ ổn định khi đi làm, công việc vừa phải, mức lương hợp lý, phúc lợi vô biên, cơ hội triền miên… Không ai ưa thích việc nay đây mai đó, đi làm được hai ba hôm đã phải F5 trang tuyển dụng để tìm kiếm một cánh cửa nhanh chóng nhảy việc. Thế nhưng, cuộc đời đưa đẩy, sẽ có những lúc, những nơi làm việc, bạn từng cho rằng đó là điểm đến cuối cùng lại khiến bản thân cảm thấy thất vọng và chán nản. Kết quả là mỗi ngày đi làm bạn đều trong trạng thái chán chường và trong đầu bạn lúc nào cũng chực chờ duy nhất một suy nghĩ: Hay là nghỉ việc quách cho rồi!
Nếu bạn đang có những nhận định tiêu cực như thế về công việc hiện tại thì khả năng thôi việc của bạn là vô cùng cao. Tuy nhiên, trước khi đưa ra quyết định cuối cùng, hãy xem thử những dấu hiệu dưới đây để biết tình trạng “phát bệnh” chán việc của bạn đến giai đoạn nào rồi nhé:
- Cơ bắp và đầu đau triền miên
Điều này cho thấy các cơ đang căng lên để bảo vệ cơ thể khỏi những tác động xấu. Theo Hiệp hội Tâm lý Hoa Kỳ, khi bạn coi nơi làm việc là một khu vực nguy hiểm, việc đó sẽ khiến các cơ của bạn căng ra, đồng thời gây ra chứng đau nửa đầu và đau đầu mãn tính.
- Sức khỏe thể chất và tinh thần giảm sút
Một hệ quả của việc luôn phải đối mặt với áp lực không chỉ là một tinh thần tồi tệ, mà còn là sự giảm sút về thể chất.
Công việc áp lực, độc hại có thể khiến bạn bị trầm cảm, mệt mỏi, mất ngủ, bệnh tật triền miên… Chính vì thế, một công việc khiến cả sức khỏe và tinh thần của bạn “ốm yếu” thì chắc chắn công việc đó đang “hủy hoại” bạn.
Bên cạnh đó, E. Kevin Kelloway, chuyên gia nghiên cứu về Tâm lý Sức khỏe Nghề nghiệp tại Đại học St. Mary (Canada), cho biết việc đối xử không công bằng tại nơi làm việc có thể khiến chúng ta căng thẳng quá mức. “Sự bất công là một tác nhân gây căng thẳng đặc biệt độc hại vì việc này đánh vào cốt lõi của con người. Khi bạn đối xử không công bằng với tôi, bạn đang động chạm đến phẩm giá con người tôi — một cách rõ ràng rằng tôi không đáng được đối xử công bằng hoặc được đối xử như những người khác.”
Ngoài ra, bạn liên tục phải tăng ca, hoặc bị căng thẳng và khổ sở mỗi khi về nhà, thì đã đến lúc phải rời đi, bởi công việc của bạn đã bắt đầu ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống riêng.
- Mất hứng thú, giảm ham muốn
Khi bạn mang công việc về nhà, các mối quan hệ của bạn có thể bị ảnh hưởng. Theo Hiệp hội Tâm lý Hoa Kỳ, khi phụ nữ phải liên tục giải quyết căng thẳng nghề nghiệp bên cạnh các nghĩa vụ cá nhân và tài chính, điều đó có thể làm giảm ham muốn tình dục. Đối với nam giới, căng thẳng mãn tính này có thể làm giảm testosterone trong cơ thể, từ đó dẫn đến giảm ham muốn tình dục.
- Không muốn giúp đỡ người khác
Khi có đồng nghiệp cần giúp đỡ trong công việc bạn tỏ ra khó chịu, không muốn giúp cho dù bạn dư sức để làm việc đó. Thời gian ở công ty bạn chỉ muốn dành cho những việc riêng tư hoặc ưu tiên những việc nhẹ nhàng của mình, không muốn giao lưu, hỗ trợ đồng nghiệp khi có yêu cầu hoặc nếu có giúp thì cũng chỉ là “sắn tay cho có” chứ không nhiệt tình.
- Phàn nàn quá nhiều về công việc
Nếu bạn thực sự không hài lòng và không hoàn thành công việc của mình, bạn có thể bắt đầu dành nhiều thời gian và năng lượng để kể lể cho bạn bè, gia đình và bất cứ ai rằng công việc của bạn tồi tệ như thế nào. Bạn bắt đầu soi mói nhiều hơn về đồng nghiệp và sếp.
- Chìm vào nỗi sợ ngày Chủ Nhật
Chủ nhật thường không phải là một ngày thư giãn nếu công việc của bạn đang làm bạn đau khổ. Bởi chúng ta có thể cảm thấy lo lắng, choáng ngợp hoặc buồn bã về tuần làm việc sắp tới.
Nếu thấy những dấu hiệu trên, đừng chủ quan và làm ngơ. Hãy hành động ngay, phân tích xem bạn nên thay đổi bản thân hay thay đổi công việc. Hãy luôn tạo niềm vui và hứng thú để công việc không bị nhàm chán. Và nếu không thể tìm thấy niềm yêu thích thì hãy tìm một công việc mới để cuộc sống luôn tươi vui nhé.
Các mẹo để “giải thoát” bản thân khỏi sự chán nản và công việc độc hại
– Nghỉ giải lao: Sau khi cơ thể phát tín hiệu cảnh giác cao độ để bảo vệ bạn khỏi những yêu cầu vô lý và những ông chủ tồi tệ, bạn cần cho bản thân thời gian nghỉ ngơi. Nhà tâm lý học lâm sàng Monique Reynolds thuộc Trung tâm Lo lắng và Thay đổi Hành vi có trụ sở tại Maryland giải thích: “Khi chúng ta không cho hệ thần kinh của mình cơ hội để thư giãn và tự phục hồi, việc này sẽ gây ra những tổn thương lâu dài… Thiền định và tập thể dục có thể giúp giảm bớt các triệu chứng căng thẳng hiệu quả”.
– Định hình lại suy nghĩ tiêu cực: Một trong những nguyên tắc của liệu pháp hành vi nhận thức là cách bạn suy nghĩ có thể thay đổi cảm giác của bạn.
– Học thêm kỹ năng mới: Chán nản công việc khi bị bão hòa thì học thêm kiến thức để nâng cấp bản thân là một việc làm cần thiết. Bởi thay vì chờ cơ hội, sao không tự tạo cho mình cơ hội mới. Hãy thử tạo nên điều mới mẻ trong công việc bằng cách đăng ký một khóa học đào tạo mới, tham gia workshop, lớp học ngoại ngữ, hay tự mày mò phát triển kỹ năng để bản thân trở nên tài giỏi và tỏa sáng hơn.
– Rời bỏ công việc hiện tại và tìm kiếm bến đỗ mới: Hãy xem đây là lời cảnh báo rằng bạn cần phải kiếm một công việc mới. Bởi thời gian dài không có quyền tự chủ, lịch trình không chắc chắn và bất an về kinh tế tại nơi làm việc là các yếu tố góp phần tạo nên một môi trường làm việc độc hại mà nhân viên cần phải bỏ lại phía sau chứ không chỉ đối phó. Chính vì thế, bạn cần phải giải quyết vấn đề cơ bản chứ không phải giải quyết các triệu chứng.
Nguồn và ảnh: Huffpost-Theo Minh Hà–Theo Trí Thức Trẻ