Đạt được thành công to lớn cần nhiều yếu tố: sự chăm chỉ, tận tâm, kiên trì, và có lẽ quan trọng nhất là: thật nhiều may mắn. Nhưng nhiều khi, may mắn không dành được sự tôn trọng mà nó xứng đáng.
Một quan niệm “độc hại” đang lan tỏa khắp thế giới kinh doanh: chỉ cần làm việc cần cù sớm tối và kiên trì nỗ lực là sẽ đạt được thành công rực rỡ và vươn tới đỉnh cao sự nghiệp.
Đây là câu chân ngôn xuất hiện trên cửa miệng của tất cả những bậc đại tài và thành đạt trên Phố Wall, bao gồm cả đương kim tổng thống Mỹ. Ông Donald Trump đã từng nói năm 1992 rằng: “Tôi tự xây dựng những gì tôi đã xây dựng. Tôi đã làm việc trong nhiều giờ, làm việc chăm chỉ và làm việc khôn ngoan!”
Lối suy nghĩ này đã cắm rễ chắc chắn trong suy nghĩ người Mỹ, trong nền tảng giá trị Mỹ, nơi người ta lập nước trên chủ nghĩa cá thể, đi lên từ khó khăn, rồi đạt được thành công nhờ quyết tâm tuyệt đối của bản thân. Những người làm lớn được đều tự hào quy cho thành công của mình là “tự lực cánh sinh – tự thân vận động”.
Nhưng những câu chuyện như vậy thường bỏ qua một nguyên liệu chính của thành công: may mắn.
Trong cuốn sách của mình có tên: “Thành công và May mắn: Chuyện hoang đường về Chế độ Nhân tài,” giáo sư kinh tế của trường đại học Cornell, ông Robert Frank đã biện luận một cách thuyết phục rằng chúng ta thường đánh giá thấp sức mạnh của may mắn trong thành công của mình.
Dưới đây là đoạn phỏng vấn của phóng viên với giáo sư Robert Frank:
Phóng viên: Chúng ta bắt đầu nhé, một số nhân vật thành công và có danh tiếng nhất định – những doanh nhân “tự mình làm nên” ấy – họ tin rằng họ đạt được mọi thứ trên đời nhờ chăm chỉ làm việc và quyết tâm. Nhưng ông lại cho rằng họ đã quên mất một yếu tố quan trọng.
Robert Frank: Trong các thành tựu của cuộc sống, may mắn đóng một vai trò lớn hơn rất nhiều so với những gì mà các bậc thành danh muốn thừa nhận. Khi anh nói với họ rằng may mắn đóng một vai trò trong thành công của họ, họ thường có xu hướng phản đối.
Các kết quả khảo sát cho thấy những người có thu nhập cao thường cho rằng thành công chủ yếu đến từ sự chăm chỉ hơn là những người có thu nhập thấp. Cũng đồng như vây, những người giàu có thường quy kết thành công của họ cho chăm chỉ hơn là cho may mắn.
Vậy ông định nghĩa ‘may mắn’ và ‘thành công’ như thế nào?
Tôi cho rằng may mắn là những gì không thuộc sự chi phối của anh. Nó là thứ gì đó tình cờ đến chứ không phải từ hành động có chủ đích của anh. Còn đối với thành công, tôi giới hạn sự tập trung vào những thành công vật chất – những người có nhiều tiền nhất, những người ở trên đỉnh của giới kinh doanh.
Vậy là ông nói rằng chăm chỉ và tài năng chẳng có ý nghĩa gì?
Không hẳn là như vậy. Chăm chỉ và tài năng chắc chắn là cần thiết cho thành công.
Thị trường – đặc biệt là trong mảng công nghệ – là rất cạnh tranh. Vậy nên bạn có lẽ còn không có cơ hội được cạnh tranh nếu không có cả chăm chỉ và tài năng giúp sức. Nhưng luận điểm của tôi là chỉ những thứ đó thôi thì chưa đủ.
Trong phần lớn các trường hợp, những người chăm chỉ nhất và tài năng nhất không phải là những người thành công nhất. Có rất nhiều người chỉ giỏi gần bằng và chăm chỉ gần bằng những người [thành công] có lẽ chỉ may mắn hơn một chút.
Giờ hãy thử hình dung một cuộc phỏng vấn tuyển chọn nhân tài, nơi 98% sự thành công của ứng viên là dựa vào tài năng cùng chăm chỉ, trong khi chỉ 2% dựa vào may mắn. Anh có thể thử đi thử lại hàng ngàn lần, những người chăm chỉ và giỏi nhất rất hiếm khi chiến thắng. Để vượt lên – anh cần phải giỏi, phải chăm – nhưng cũng phải cực kỳ may mắn nữa.
Ông có viết tác phẩm “Người chiến thắng giành tất cả thị trường”. Ông có thể giải thích về nó không?
Khi anh leo lên tới những thang bậc cao nhất trong bất kỳ ngành nghề nào, anh sẽ nhận thấy rằng có nhiều người rất giỏi tới mức sự khác biệt về kỹ năng gần như không thể phân biệt được, không đáng kể.
Một thị trường ‘Người thắng giành tất’ là nơi người chỉ giỏi hơn 1% so với người khác lại nhận được phần thưởng cao hơn rất nhiều so với người kém hơn.
Thường thì, người xếp hạng nhất và người xếp hạng mười không cách xa nhau như vậy. Giọng nữ cao nổi tiếng nhất có thể chỉ có hơi tốt hơn một chút xíu so với người đứng thứ 10. Nhưng trong một thị trường như vậy, cô ấy có thể nhận được thù lao kếch sù trong khi người kia chỉ là một giáo viên dạy nhạc cho học sinh tiểu học ở một thôn làng nào đó.
Vậy may mắn bắt đầu từ giây phút chúng ta sinh ra?
Nó bắt đầu còn trước cả khi chúng ta sinh ra. Chính cái điều mà bạn đã nhận thức thấy, nó có khả năng xảy ra cực thấp: nếu một trong một ngàn tỷ yếu tố thay đổi khác đi, anh sẽ chẳng thể tồn tại.
Nếu anh thông minh, muốn làm việc chăm chỉ, có tham vọng – những phẩm chất này đều là sự kết hợp chưa biết của tố chất nội tại và những yếu tố môi trường tác động từ bên ngoài. Anh không chọn được nơi mình sinh ra, anh không tự nuôi lớn bản thân, anh chẳng biết gì về hệ gen đã biến anh thành con người như hiện nay. Vậy nên, khi anh nói anh “tự lực cánh sinh”, thì những phẩm chất đó ở đâu trong cái “tự” ấy của anh?
Ông có suy nhĩ gì về việc Kylie Jenner được gọi là tỷ phú “tự mình làm nên” trẻ tuổi nhất?
[Cười] Chí ít là anh phải công nhận cô ấy đã lập được một công ty rất thành công.
Liệu cô ấy có may mắn không? Tất nhiên rồi, cô ấy bắt đầu với rất nhiều tiền và tên tuổi đã được công nhận, vậy nên danh hiệu này có chút thổi phồng rồi. Nói rằng ai đó là “tỷ phú tự thân” – rằng cô ấy tự kiếm được cả gia tài bằng nỗ lực của mình – điều ấy thật khôi hài.
Dường như ngay cả những điều nhỏ nhặt mà chúng ta không nghĩ đến – những yếu tố ngoài sự kiểm soát của chúng ta – cũng có thể ảnh hưởng đáng kể tới cơ hội thành công của chúng ta.
Nếu anh sinh ra vào tháng 6 hay tháng 7, anh sẽ ít có khả năng trở thành CEO. Nếu anh là thành viên trẻ tuổi nhất trong lớp, anh sẽ ít có khả năng nắm giữ các vị trí lãnh đạo. Đây gọi là hiệu ứng tuổi tương đối.
Anh không thể tự chọn mình cao bao nhiêu, nhưng điều này có thể tạo ra khác biệt to lớn. Chiều cao trung bình của các CEO nhóm Fortune 500 cao hơn 6,3 cm so với chiều cao trung bình của người Mỹ. Về tổng thể, 58% các CEO hàng đầu cao trên 1m8, so với 14,5% của tổng dân số Mỹ. Cũng nên để ý rằng chỉ có 5% phụ nữ trong nhóm CEO của Fortune 500.
Tất cả những điều nhỏ nhặt nằm ngoài khả năng kiểm soát của chúng ta ấy dường như chẳng có liên quan gì, nhưng thực tế là có. Chúng có thể thay đổi hoàn toàn con đường sự nghiệp của anh.
Nhiều người nói, “Chúng ta tự tạo ra may mắn cho mình,” hay “May mắn là khi sự chuẩn bị gặp gỡ cơ hội.” Ông có đồng tình không?
Những câu nói như vậy cũng đúng, tôi cho là vậy.
Nếu anh không chuẩn bị khi cơ hội tới, thế thì có khác biệt gì khi có hay không có cơ hội chứ? Nếu anh không chuẩn bị, anh sẽ không tận dụng được cơ hội khi nó tới. Nhưng anh vẫn cần may mắn để có được cơ hội đó.
Tại sao có người lại bất bình đến vậy khi ta nói may mắn đóng một phần trong thành công của họ?
Khi người ta nhìn lại đoạn đường đã trải qua và nghĩ về lý do tại sao họ lại thành công, họ thường nhớ nhiều hơn về mồ hôi nước mắt của mình – chứ không phải những điều tình cờ xảy ra. Đây gọi là thiên kiến nhận thức muộn.
Cũng giống gió thuận chiều và gió ngược chiều vậy. Nếu bạn đi ngược chiều gió, bạn nhận thức được nó, bạn phải nỗ lực để vượt qua nó. Nhưng nếu có gì đó cứ đẩy bạn đi, bạn sẽ không chú ý đến nó và nhớ về nó trong thành công của mình.
Mọi chuyện tốt đẹp có thể tới khi thừa nhận rằng một phần thành công là do may mắn không?
Mọi người thường thích anh hơn khi anh công nhận may mắn là một phần thành công của mình. Trong một thí nghiệm, các đối tượng được xem những phiên bản khác nhau về tiểu sử của một CEO. Một cái nhắc đến may mắn và kỹ năng, một cái chỉ đơn thuần nói về kỹ năng. Những cá nhân đọc phiên bản có may mắn phản hồi tích cực hơn về vị CEO.
Những người công nhận may mắn trong thành công của họ cũng rộng rãi khoáng đạt hơn. Một nghiên cứu cho thấy những người không quên may mắn thường quyên góp cho từ thiện thường xuyên hơn 25% so với những người chỉ biết đến sự vĩ đại của chính mình.
Nếu con người có thể học được việc thừa nhận là họ đã gặp may, họ sẽ sống hạnh phúc hơn. Nhưng nhiều người lại bỏ qua cơ hội đó.
Theo The Hustle – Hạ Chi biên dịch