Bản thân Sakichi Toyoda cũng không nghĩ rằng quyết định của ông lúc đó lại giúp doanh nghiệp của mình trở thành tập đoàn sản xuất ô tô lớn nhất Nhật Bản sau này.
Người ta thường nói nền công nghiệp của Nhật Bản có 2 thứ để tự hào, thứ nhất là ngành công nghiệp điện tử, thứ hai là ngành công nghiệp ô tô. Nếu như Panasonic là nhà sản xuất điện tử lớn nhất Nhật Bản thì Toyota chính là ”ông trùm” đế chế ô tô nổi tiếng xứ hoa anh đào.
Được thành lập 1937, Toyota đã mở ra một kỷ nguyên với những thành công rực rỡ trong ngành công nghiệp ô tô, góp phần làm rạng danh đất nước Nhật Bản trên trường quốc tế. Thế nhưng ít ai biết rằng, khởi nguồn của đế chế xe hơi hùng mạnh này lại xuất phát từ công ty dệt nhỏ của một gia đình thợ mộc tài hoa.
01. GIẤC MƠ CỦA CHÀNG THỢ MỘC TRẺ TUỔI
Nhà sáng lập Toyota tên là Sakichi Toyoda, sinh ra trong một gia đình nghèo thuộc tỉnh Yamaguchi, có cha là thợ mộc, mẹ ở nhà dệt vải. Sau khi tốt nghiệp tiểu học, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên Sakichi nghỉ học để theo cha học nghề mộc. Như được thừa hưởng niềm đam mê cùng đôi bàn tay khéo léo từ cha mình, ông sớm bộc lộ năng khiếu và trở thành người thợ mộc trẻ tuổi chuyên đóng các máy dệt bằng gỗ từ lúc nào không hay.
Không chỉ đóng những máy dệt thông thường, Sakichi còn nung nấu quyết tâm cải tiến và phát minh ra những chiếc máy dệt hiệu quả, giúp giải phóng sức lao động để mẹ mình đỡ vất vả. Từ khi có suy nghĩ đó, ông ít phụ cha mình làm mộc hơn mà dành hầu hết thời gian ông để nghiên cứu ý tưởng làm máy dệt cho mẹ mình.
Cuối cùng sau một thời gian tìm tòi và nghiên cứu, vào một ngày năm 1890, chiếc máy dệt mới được ông sáng chế chính thức ra đời.
Dù chỉ được làm từ gỗ và được thiết kế khá thô sơ nhưng chiếc máy phiên bản mới này đã giúp người dệt đỡ vất vả chạy đi chạy lại mà tốc độ dệt vải lại tăng 40-50%. Sau đó 1 năm, Sakichi nhanh chóng đăng ký bản quyền sáng chế cho chiếc máy dệt của mình và chính thức trở thành ông chủ chuyên sản xuất và phân phối máy dệt. Qua nhiều lần cải tiến, những chiếc máy của Sakichi thành công đến nỗi không thể đáp ứng được nhu cầu của các xí nghiệp may lúc bấy giờ.
02. THỨC THỜI TẠO NÊN KỲ TÍCH
Năm 1923, một trận động đất lớn xảy ra ở Kanto – khu vực trung tâm kinh tế, chính trị lớn nhất của Nhật khiến nhận thức về ô tô của người Nhật phần nào được thay đổi. Khi hệ thống đường sắt bị tàn phá nặng nề, ô tô bỗng đóng vai trò quan trọng hơn bao giờ hết.
Trong quá trình tái thiết sau trận động đất lịch sử, chính quyền Tokyo đã đặt hàng 800 xe tải từ hãng Ford của Mỹ. Hơn nữa tại thời điểm đó, các hãng xe của Mỹ gần như độc quyền nắm thị trường Nhật khiến lòng tự ái dân tộc của Sakichi Toyoda lại dâng cao và bất đầu ấp ủ ý tưởng sản xuất xe hơi.
Năm 1929, Sakichi cử con trai là Kiichiro Toyoda sang Anh và bán bằng sáng chế chiếc máy dệt của mình cho công ty Platt Brothers để lấy 100.000 bảng Anh. Với số tiền này ông bàn giao cho con trai để đầu tư vào việc chế tạo và sản xuất ô tô. Đến năm 1930, gia đình Toyoda lần lượt hoàn thiện dây chuyền sản xuất thân xe, gầm xe và động cơ.
Năm 1934 chiếc xe mẫu đầu tiên ra đời và được đưa vào sản xuất đại trà vào năm 1935. Đến năm 1936, con trai của ông chính thức tiếp quản công ty và chính thức thay chữa “d” bằng chữ “t” trong tên gọi Toyota với kỳ vọng mang lại sự may mắn và tượng trưng cho sự lớn mạnh không ngừng.
Tháng 4/1937, Toyota chính thức được đăng ký bản quyền thương mại và trở thành biểu tượng của ngành công nghiệp ô tô xứ hoa anh đào khi những mẫu xe hơi thông dụng bắt đầu được ra đời và trở nên phổ biến. Thập niên 1940 chứng kiến sự tăng trưởng và mở rộng thần kỳ của Toyota khi sản lượng xe tăng đều đặn qua các năm.
Đến năm 1947, Toyota đã sản xuất 100.000 chiếc. Đồng thời, Toyota lập thêm rất nhiều doanh nghiệp vệ tinh trong chuỗi cung ứng của mình để đảm bảo được sự độc lập trong sản xuất, không phụ thuộc vào bất kỳ bên nào.
03. VƯƠN TẦM RA THẾ GIỚI
Sau chiến tranh thế giới thứ 2, Nhật Bản trở thành 1 đống đổ nát, tình hình tài chính của Toyota cũng xấu đi. Lúc này Toyota xảy ra xung đột nghiêm trọng giữa người lao động và quản lý. Chủ tịch Kiichiro Toyoda và cộng sự từ chức, hai lãnh đạo mới của Toyota là Eiji Toyoda và Shoichi Saito đến Mỹ và tìm cách vực dậy đế chế ô tô hùng mạnh một thời. Họ đi thăm các nhà máy của Ford và quan sát công nghệ xe hơi tiên tiến nhất để tìm kiếm ý tưởng mới cho công ty. Nhờ đó, hệ thống Toyota Suggestion System ra đời, nơi mọi nhân viên được khuyến khích đưa ra gợi ý để cải thiện mọi lĩnh vực.
Lúc này, một chính sách quan trọng hơn cả được kích hoạt chính là cam kết đầu tư vào các cơ sở hiện đại nhất, làm chìa khóa cho tiến bộ trong công suất và chất lượng. Toyota tăng tốc nhanh chóng vào thập niên 50, đầu tư vào trang thiết bị mới cho tất cả nhà máy.
Đến năm 1955, Toyota bắt đầu đánh dấu quá trình vươn ra thế giới của mình bằng việc xuất khẩu 2 dòng xe Land Cruiser và Toyopet sang thị trường Mỹ. Tuy nhiên, sự bành trướng của hãng xe này ra các thị trường bên ngoài thực sự bắt đầu vào năm 1957, khi Toyota trở thành hãng xe Nhật đầu tiên bước chân vào thị trường Mỹ với thương hiệu Toyota Crown.
Thập niên 1960, hãng xe của Toyota lần lượt chinh phục thành công thị trường Australia và châu Âu. Đến năm 1970, doanh số xuất khẩu xe của Toyota chính thức cán mốc 1 triệu xe. Cũng từ thời điểm đó, họ điền tên mình vào bản đồ các hãng xe lớn của thế giới.
Có thể nói, giai đoạn này, Toyota phát triển nhanh như vũ bão. Cuối những năm 1950, Toyota chỉ là 1 công ty rất bé trên thế giới nhưng đến năm 1963, nó là hãng xe đứng thứ 93 trên thế giới và năm 1966 vượt lên vị trí thứ 47.
Năm 2005, với doanh thu gần 180 tỷ USD, Toyota là tập đoàn duy nhất của Nhật Bản và cũng là duy nhất của châu Á nằm trong Top 10 của những hãng có quy mô lớn nhất với con số lợi nhuận khổng lồ lên tới 11 tỷ USD.
Đến năm 2009, Akio Toyoda – cháu nội của Kiichiro Toyoda chính thức nhậm chức, đưa đế chế Toyota quay trở lại thời kỳ gia đình trị. Hiện nay, Toyota đang sở hữu nhiều thương hiệu xe nổi tiếng và thông dụng trên toàn thế giới như Lexus, Scion. Năm 2014, doanh số Toyota đạt khoảng 213,78 tỷ USD, tăng trưởng 16,1% trong đó mảng ô tô chiếm 92,56%.
Trải qua hơn 70 năm hình thành và phát triển, Toyota đã nắm bắt những cơ hội phát triển để biến đổi không ngừng, từ đó đạt được những thành tựu nổi trội trên trường quốc tế. Quả thực, một doanh nghiệp biết thích ứng với thời thế, nhận rõ sự lên xuống của thời đại sẽ tự tạo ra được thời cơ cho mình mà thành công. Đây chính là điều mà các doanh nghiệp non trẻ hay trưởng thành cần phải học hỏi nếu muốn bứt phá trên thương trường.
(Tổng hợp)-Theo Ánh Lê–Theo Trí Thức Trẻ