Con trai cả của Lưu Tự Nhiên nói: “Phụ thân tôi cả đời thích uống rượu và ăn thịt. Nếu chú lừa nhỏ này có thể làm được điều này, thì nó là chuyển sinh của phụ thân tôi.” Vì vậy, họ đã chuẩn bị rượu thịt cho lừa nhỏ; lừa nhỏ đã thực sự uống hết mấy lít rượu, sau khi ăn xong mấy miếng thịt, nó kêu lên đầy phấn khích, rồi lã chã rơi mấy dòng nước mắt…
Thời xưa, những người làm việc quan nha được gọi là “người trong công môn”, họ một mặt tiếp xúc trực tiếp với bách tính, thấu hiểu tật khổ và oan tình của bách tính; mặt khác, họ cũng am hiểu đạo lý chốn quan trường, lý giải những gì cấp trên muốn. Nếu họ đứng tại góc độ của bách tính để làm việc, dùng thiện tâm mà xử sự, thì rất dễ tích phúc đức, do đó có câu “thân trong công môn dễ tu hành”. Thế nhưng, nếu họ làm trái lương tâm, vì lợi ích cá nhân mà bất chấp người ta sống chết, làm việc ác, hoặc sẽ tự thân gặp báo ứng, thậm chí sau khi chết chuyển sinh thành động vật để trả nợ, hoặc sẽ mang tai họa cho con cháu. Những ví dụ như vậy không hiếm thấy, chúng ta hãy xem một vài câu chuyện về chuyển sinh làm động vật.
Lưu Tự Nhiên nuốt lời, chuyển sinh thành lừa
Những năm Thiên Hựu triều Đường, nội loạn diễn ra liên miên, Lưu Tự Nhiên, người Tần Châu, là một viên quan nhỏ phụ trách hồ sơ nghĩa quân. Đương thời, vị trưởng quan địa phương Lý Kế Tông muốn chiêu mộ binh lính của thị trấn để chinh chiến phương nam, bảo vệ Thục thành. Hoàng Tri Cảm, một công dân huyện Thành Kỷ, cũng trong danh sách được chiêu mộ.
Lưu Tự Nhiên nghe nói vợ của Hoàng Tri Cảm có mái tóc rất đẹp, ông ta đã tìm gặp Hoàng Tri Cảm, nói rằng nếu anh có thể hiến cho mình bộ tóc của vợ, thì Lưu Tự Nhiên có thể miễn trừ binh dịch (nghĩa vụ quân sự) cho anh ta.
Hoàng Tri Cảm trở về nhà và chuyển lời của Lưu Tự Nhiên cho vợ mình. Người vợ nói: “Thiếp đã phó thác thân thể nhu nhược của mình cho phu quân, thiếp chính là nhất thể. Tóc sau khi cắt có thể tái sinh, người một khi mất đi sẽ là vĩnh viễn. Nếu phu quân nam chinh không trở về, thiếp dẫu có tóc cũng để làm gì?”, nói rồi liền cắt đi mái tóc. Hoàng Tri Cảm thập phần buồn bã, nhưng anh hiểu tâm ý của vợ, cũng dưới áp lực của binh lệnh, liền lấy mái tóc của vợ trao cho Lưu Tự Nhiên.
Tuy nhiên, Lưu đã nuốt lời, Hoàng Tri Cảm không được miễn binh dịch. Không lâu sau khi Hoàng Tri Cảm theo quân đội đi nam chinh, tin tức Hoàng Tri Cảm chết trận đã truyền đến. Vợ anh đau đớn đến mức không muốn sống, ngày đêm hướng lên trời mà kêu khóc về sự tình này, hy vọng ông trời có thể trừng phạt Lưu Tự Nhiên.
Cũng chính năm đó, Lưu Tự Nhiên đột nhiên chết. Sau khi Lưu Tự Nhiên chết, con lừa của nhà họ Hoàng đã sinh ra một con lừa con, điều thần kỳ là dưới sườn trái của nó có ba ký tự “Lưu Tự Nhiên”. Sau khi nghe tin, người dân trong và ngoài thôn bàn tán xôn xao về giai thoại này. Quan quận thủ sau khi hay tin, đã gọi vợ và con trai của Lưu Tự Nhiên đến, yêu cầu họ đi xác minh.
Sau khi Lưu Tự Nhiên chết, con lừa của Hoàng gia đã sinh ra một lừa con. Bức tranh của Cao Kỳ Bội “Lư Minh Đồ”, trong bộ sưu tập của Bảo tàng Nghệ thuật Walters, Maryland, Mỹ. (Ảnh: Phạm vi công cộng)
Con trai cả của Lưu Tự Nhiên nói: “Phụ thân tôi cả đời thích uống rượu và ăn thịt. Nếu chú lừa nhỏ này có thể làm được điều này, thì nó là chuyển sinh của phụ thân tôi.” Vì vậy, họ đã chuẩn bị rượu thịt cho lừa nhỏ; lừa nhỏ đã thực sự uống hết mấy lít rượu, sau khi ăn xong mấy miếng thịt, nó kêu lên đầy phấn khích, rồi lã chã rơi mấy dòng nước mắt.
Lưu gia xác nhận chú lừa nhỏ chính là chuyển sinh của Lưu Tự Nhiên, nên sẵn sàng trả trăm ngàn tiền để chuộc nó, nhưng vợ của Hoàng Tri Cảm không đồng ý. Sau này vì chiến loạn, không biết cuối cùng kết cục của chú lừa nhỏ thế nào. Con trai cả của nhà họ Lưu vì hổ thẹn uất ức, thành bệnh mà chết.
Là một viên quan nhỏ, Lưu Tự Nhiên đã dùng cách uy hiếp để có được mái tóc mình muốn nhưng lại nuốt lời, gián tiếp dẫn đến cái chết của Hoàng Tri Cảm, do vậy bị chuyển sinh thành lừa. Đây không những là quả báo cho sự vô lương tâm của ông ta, mà tên của ông ta cũng trực tiếp hiển thị trên thân con lừa, chẳng phải đó là lời Thượng Thiên cảnh tỉnh thế nhân sao?
Nợ tiền không trả, chuyển sinh thành ngựa trả nợ
Vào thời nhà Đường, một quan phủ đã hướng tới quân sứ (chức quan thưởng công phạt tội trong quân đội) Ngô Tông Tự mượn 20 vạn tiền, tính lợi tức hàng tháng, nhưng một năm sau ông ta vẫn không định trả lại. Ngô Tông Tự đòi mãi không được, rất tức giận, nói với ông ta: “Nếu là tiền ta nợ ông từ kiếp trước, thì hiện tại là ta đã trả xong nợ; còn nếu là ông nợ ta, ông phải làm trâu ngựa để trả nợ cho ta.” Nói xong, liền đốt khế ước ghi nợ.
Một năm sau, Ngô Tông Tự đang trong sảnh đường xử lý công vụ, đột nhiên nhìn thấy viên quan phủ kia mặc y phục trắng tiến vào, còn nói: “Tôi đến trả nợ.” Ngô Tông Tự nói: “Kế ước đã đốt rồi, lấy gì hoàn đây?” Viên quan phủ không hồi đáp, mà từ từ tiến vào chuồng ngựa. Một lúc sau, có người đến báo rằng con ngựa đã sinh ra một con bạch mã. Ngô Tông Tự ngay lập tức phái người đến nhà viên quan phủ kiểm tra, mới biết ông ta vừa qua đời.
Sau đó, khi chú ngựa con lớn lên, số tiền bán nó vừa khớp với món nợ của viên quan phủ trong kiếp trước.
Sau đó, khi chú ngựa con lớn lên, số tiền bán nó vừa khớp với món nợ của viên quan phủ trong kiếp trước. Bức tranh “Ngũ Mã Đồ” của Lý Công Lân thời Tấn, trong bộ sưu tập của Bảo tàng Cung điện Quốc gia, Đài Bắc. (Phạm vi công cộng)
Cậy thế khinh dân, chuyển sinh thành trâu
Thi Biện, người Lỗ Châu, thời Đường, là một viên quan nhỏ quản lý đất đai. Hắn cậy quyền ỷ thế, chiếm đoạt hàng chục mẫu ruộng đất của dân, khiến chủ nhân ban đầu của mảnh đất trở thành tá điền của hắn. Vài năm sau, Thi Biện chết, nhà chủ nhân ban đầu của mảnh đất sinh ra một con trâu, bụng phủ đầy lông trắng, hình vuông, cạnh dài khoảng vài thốn.
Khi con trâu lớn lên một chút, trên đám lông trắng đã hiện ra những sợi lông đen loang lổ, không đầy một năm sau liền xuất hiện hai chữ “Thi Biện”, một nét cũng không thiếu. Một đạo sĩ tên là Thiệu Tu Mặc đã tận mắt nhìn thấy nó. Đây là báo ứng của Thi Biện vì đã cưỡng đoạt ruộng đất của dân.
Tham tài sách nhiễu tống tiền, chuyển sinh thành chó
Trần Mỗ, một viên quan mọt ruỗng tại Hoa đình, tham lam tiền tài và thích sách nhiễu tống tiền dân. Ông ta thường mang theo một chiếc túi bên mình, mỗi lần ông ta sách nhiễu tống tiền đều bỏ tiền vật vào cái túi đó.
Sau khi ông ta qua đời, gia đình ông ta mộng thấy ông ta nói: “Ta đã là một con chó ở chùa Hiết Sơn tại Hồ Châu”. Người nhà quá bất ngờ, vội vàng lên chùa hỏi thăm. Con chó nghe tin người nhà đến, vội vàng núp dưới gầm giường của tăng nhân, như xấu hổ, không dám nhìn ai. Gia nhân không thấy con chó chuyển sinh của Trần Mỗ, nên đã giận dữ bỏ đi.
Sau khi người nhà Trần Mỗ rời đi, tăng nhân nói với con chó, “Trần tướng công, gia nhân ông đã rời đi rồi.” Thế là, con chó chuyển sinh của Trần Mỗ ngay lập tức vẫy đuôi. Nó có một cục bướu rủ xuống bụng, trông như đeo một cái túi, trên dưới có các dải da. Chuyển sinh cũng không quên mang chiếc túi dùng để thu nạp tiền vật vào kiếp trước.
Những vị quan lại này khi còn sống đã không sử dụng chức vụ của họ để tích đức hành thiện, chỉ sau khi chết, họ mới phát hiện báo ứng là hiện hữu, không phải hư vô.
Tài liệu tham khảo:“Cảnh giới lục”-“Kê Thần lục”-“Công môn quả báo lục”
Tác giả: Lưu Hiểu, Epoch Times-Hương Thảo biên dịch