Nhãn tím là một loài cây độc đáo, có giá trị kinh tế cao được phát hiện và nhân giống ở Việt Nam.
Lộc trời ban
Nhãn tím là loại nhãn độc lạ, được xem là “độc nhất vô nhị” ở Việt Nam và đã từng gây bão trên thị trường trong nước và nước ngoài. Giống nhãn này độc đáo ở chỗ từ thân, cành, lá, hoa và quả của cây nhãn đều có màu tím.
Người may mắn tìm ra và có công nhân giống loại nhãn lạ này là ông Trần Văn Huy (tên hay gọi Bảy Huy), ngụ tại xã Phong Nẫm, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng.
Sau hơn 10 năm được phát hiện, trái nhãn thu hút sự chú ý của nhiều nông dân và nhà vườn. Đáng chú ý, người Thái Lan, Đài Loan (Trung Quốc),… cũng sang tìm mua nhưng “cha đẻ” của loại nhãn tím này nhất quyết không bán.
Kể từ khi nhãn tím xuất hiện trên thị trường vào năm 2012, gần như ngày nào cũng có người tới thăm khu vườn của ông Bảy Huy để tận mắt chứng kiến loại nhãn đặc biệt. Năm 2020, giá nhãn tím được ông bán ở mức 100.000 đồng/kg, còn cây chiết ra thì bán ở mức 1 triệu đồng/cây. Theo đánh giá, đây cũng được xem là con số “kỉ lục” đối với các loại cây giống nói chung.
Cây nhãn tím đã mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình ông Bảy Huy, với thu nhập hàng năm lên tới khoảng 200 triệu đồng từ việc làm nông. Trái nhãn của ông đã đi tới nhiều tỉnh thành trên cả nước, và không ít trái đã xuất sang nước ngoài như Indonesia, Thái Lan…
“Trồng nhãn tím năng suất cao hơn long nhãn (nhãn trắng). Nhãn trắng vào trái mùa thì bán được 30.000 đồng/kg, nhãn tím thì 100.000 đồng/kg. Còn vào mùa nhãn trắng bán 10.000-12.000 đồng/kg, nhãn tím vẫn bán được 100.000 đồng/kg. Năng suất thì như nhau nhưng giá nhãn tím thì lợi hơn nhiều,” ông Huy chia sẻ.
Nguồn gốc của cây nhãn tím
Vốn là một nông dân theo hướng trồng cây ăn quả, ông Huy đã có nhiều năm gắn bó với cây nhãn. Trong một lần ra vườn, ông phát hiện một cành nhãn tím mọc ra từ cây nhãn trắng. Thấy lạ, ông quyết định xử lí ra hoa cho nhánh nhãn tím đó.
“Lúc nó nở hoa mình thấy trong nhụy nó hơi tím tím, mình thấy hơi kì kì rồi. Lúc nó đậu trái, trái nhỏ nó còn hơi tái nhưng càng ngày càng lớn thì thấy nó tím cả trái luôn,” ông Huy kể.
Những quả nhãn tím đầu tiên vừa chín, chủ vườn chưa kịp thử mùi vị thế nào thì đã bị người ta hái mất. Không nản lòng, ông Bảy Huy quyết định đem chiết nhánh nhãn tím để làm cây giống. May nắm đã mỉm cười với ông khi dòng cây này không bị lai.
Vì là người đầu tiên trồng nhãn tím, nên ông Bảy Huy không có ai để học hỏi kinh nghiệm. Tuy nhiên, với 50 năm kinh nghiệm trong nghề nông, ông đã áp dụng các phương pháp áp dụng với cây nhãn thường để nhân giống nhãn tím. Cuối cùng, ông phát hiện ra trồng nhãn tím dễ hơn, quả ngon hơn, không cần nhiều công chăm sóc hay phân bón, nhưng cây vẫn cho năng suất tốt và nhìn cũng bắt mắt hơn.
Từ cây nhãn cho trái màu tím này, ông nhân giống được khoảng 50 gốc nhãn trồng quanh nhà.
“Mấy người Thái Lan, Indonesia hỏi mua cây giống nhưng tôi nhất quyết không bán. Có người Đài Loan đòi bao tiêu sản phẩm loại nhãn tím này nhưng tôi không đồng ý“, ông Bảy Huy kể. Ông tâm sự, loại nhãn tím là “trời ban lộc” cho gia đình ông nên không muốn nhân rộng sang các nước khác.
Cơ quan chức năng địa phương cũng khuyến cáo người dân không nên trồng ồ ạt nhãn tím. Việc phát triển diện tích cây nhãn tím sẽ được mở rộng khi nắm bắt chính xác nhu cầu của thị trường và tránh ồ ạt, cung vượt quá cầu.
Viện Cây ăn quả miền Nam đã mang cây nhãn tím về nghiên cứu để xác định các đặc tính cũng như quá trình sinh trưởng của cây và đặt tên cho cây theo khoa học.
Theo Tất Đạt–Tổ quốc