Theo thống kê, hết 1/5 công trình thuộc di sản thế giới của Trung Quốc được gia tộc Dạng Thức Lôi thiết kế.
Nghề nghiệp ra đời, cha truyền con nối. Theo dòng thời gian tích lũy, cái nghề trở thành tổ truyền đặc trưng cho một gia tộc.
Các nghề cổ đại của Trung Quốc xuất hiện rất nhiều gia tộc hùng mạnh. Ví dụ như gia tộc Bùi thị có truyền thống làm quan. Mà nói đến lĩnh vực kiến trúc cổ đại, không thể không nhắc đến gia tộc Dạng Thức Lôi.
Dạng Thức Lôi xuất hiện trong nhiều tác phẩm, nổi tiếng với nghề thiết kế xây dựng các đình đài, lầu cổ quy mô lớn và hoành tráng. Trên thực tế, Dạng Thức Lôi không phải hư cấu, mà chính là một gia tộc thần bí tồn tại trong lịch sử Trung Quốc.
Những người am hiểu về ngành kiến trúc cứ hễ nhắc đến Dạng Thức Lôi thì lại nhớ câu truyền tai quen thuộc: “Một nhà Dạng Thức Lôi chiếm hết phân nửa lịch sử kiến trúc”. Nhiêu đó cũng đủ thấy địa vị và sức ảnh hưởng của gia tộc này trong lịch sử ngành kiến trúc Trung Quốc.
Dạng Thức Lôi không phải chỉ một người mà là danh xưng được ban tặng cho thế gia họ Lôi chuyên thiết kế các công trình của Hoàng gia nhà Thanh hơn 200 năm.
Theo một vài thông tin, vào thời Khang Hi, Hoàng đế muốn tu sửa Thái Hòa Điện trong Tử Cấm Thành. Chiếu theo lễ pháp thời xưa, trước khi khởi công tu sửa công trình quan trọng thì phải làm lễ Lương Điển (lễ thực hiện ráp thanh xà chính trên mái của tòa kiến trúc). Đương nhiên, Hoàng đế Khang Hi và văn võ bá quan cũng có mặt.
Nhưng không ngờ, thợ đưa thanh xà vào vị trí trên mái Thái Hòa Điện thì không khớp với khung mái. Toàn bộ thợ công và bá quan đều hoảng loạn, sợ hãi vì Hoàng đế nổi giận. Đang lúc dầu sôi lửa bỏng, một người thợ tên Lôi Phát Đạt đi ra, tay cầm chiếc rìu, thành thục leo lên phần mái, rồi “phập phập” vài cái. Thế là thanh xà ngang đã vô khớp khung mái mà không một chút dư thừa.
Khang Hi đế thấy vậy thì vô cùng hài lòng, cho Lôi Phát Đạt làm quản lý Dạng Thức phòng (phòng chuyên phụ trách công việc xây dựng trong cung), nên sau đó mới có danh xưng “Dạng Thức Lôi”.
Sau khi Lôi Phát Đạt nghỉ hưu, con trai của ông là Lôi Kim Ngọc kế thừa tuyệt kỹ của cha. Quả nhiên, con hơn cha là nhà có phúc. Tài năng của Lôi Kim Ngọc càng được triều đình trọng dụng và công nhận.
Các cung điện, vườn hoa, miếu thờ, lăng tẩm và công trình khác thuộc Hoàng gia đều được Dạng Thức Lôi thiết kế giám sát. Cũng bắt đầu từ thời Lôi Kim Ngọc, danh tiếng của nhà họ Lôi vang xa, chính thức gia nhập vào hàng ngũ những gia tộc lớn nhất thời bấy giờ.
Điều khiến người đời khâm phục trình độ thiết kế của Dạng Thức Lôi hơn chính là cách làm bản phác thảo và mô hình thiết kế.
Thời cổ đại chưa có phần mềm đồ họa, chúng ta chỉ biết các công trình được xây dựng nhờ kinh nghiệm của những người thợ, nhưng thật ra không phải vậy.
Để Hoàng đế có cái nhìn trực quan và thiết thực hơn về một dự án công trình nào đó, trước khi khởi công xây dựng, Dạng Thức Lôi đều thiết kế bản phác thảo và mô hình.
Mô hình và phác thảo của Dạng Thức Lôi sống động đến từng chi tiết khiến Hoàng đế vô cùng yên tâm mà giao trọng trách xây dựng các công trình lớn trong cung.
Cuối thời kỳ nhà Thanh, mặc dù triều đình suy yếu, nhưng vì sở thích xa hoa của Từ Hi nên gia tộc họ Lôi vẫn được trọng dụng và giữ vững phong độ đỉnh cao.
Đời thứ 6 của Dạng Thức Lôi, Lôi Tư Khởi và con trai Lôi Đình Xương nhận lệnh Từ Hi tu sửa Định Đông Lăng. Thế nhưng Từ Hi đưa ra hàng loạt yêu cầu oái ăm nên Lôi Tư Khởi đã nhiều lần thay đổi bản thiết kế, cuối cùng sức cùng lực kiệt mà chết.
Sau Cách mạng Tân Hợi, cùng với sự kết thúc của chế độ phong kiến, Dạng Thức phòng đã biến mất, Dạng Thức Lôi cũng sa sút trầm trọng. Đời thứ 8 của Dạng Thức Lôi, Lôi Hiến Thái không có người thừa kế. Sau khi Lôi Hiến Thái qua đời, gia tộc Dạng Thức Lôi triệt để sụp đổ.
Mặc dù gia tộc Dạng Thức Lôi đánh mất thời kỳ đỉnh cao, nhưng họ đã để lại rất nhiều di sản lịch sử cho Trung Quốc.
Một, lưu giữ các phác thảo và mô hình công trình lớn, trở thành tư liệu quan trọng có giá trị lịch sử đồ sộ.
Hai, phụ trách xây dựng các công trình Hoàng gia như Viên Minh Viên, Sướng Xuân Viên, Di Hòa Viên, Thừa Đức Tỵ Thử Sơn Trang, Sùng Lăng, Thanh Đông Lăng và Tây Lăng, Thiên Đàn, Cố Cung, Tam Hải…
Theo dòng chảy thời gian, những công trình kiến trúc này đã trở thành di sản văn hóa thế giới. Theo thống kê, hết 1/5 công trình thuộc di sản thế giới của Trung Quốc được gia tộc Dạng Thức Lôi thiết kế.
(Nguồn: 163)-Theo Phan–Pháp luật và bạn đọc