Để phục vụ việc nuôi cua cốm đặc sản trong hộp, anh Cảnh đã thuê xe bồn chở khoảng 30.000 m3 nước từ Hạ Long (Quảng Ninh) về Hà Nội.
Đưa nước biển từ Quảng Ninh về Thủ đô
Sau khi đi du học từ Malaysia về, trải qua thời gian dài làm việc trong lĩnh vực tài chính và mở trường mầm non tư thục đến năm 2021, anh Lê Đức Cảnh (34 tuổi) tiếp quản trang trại rộng hơn 7ha của bố mẹ ở vùng ven sông Hồng của xã Vạn Phúc (huyện Thanh Trì, Hà Nội). Anh đã có nhiều ý tưởng táo bạo trong trồng, chăn nuôi nông sản sạch lần đầu tiên được áp dụng tại thủ đô Hà Nội.
Trong các ý tưởng chăn nuôi mới đem lại hiệu quả cao của anh Cảnh phải kể đến mô hình nuôi cua cốm, cua gạch thương phẩm rộng gần 400 m2 với hơn 1000 con đang sinh trưởng tốt chuẩn bị đến ngày thu hoạch.
Kể về ý tưởng nuôi cua biển giữa lòng thủ đô Hà Nội, anh cho hay vào năm ngoái khi tiếp quản trang trại của gia đình anh đã nghĩ ngay đến ý tưởng nuôi cua. Bởi anh đã từng xem qua mô hình chăn nuôi khi còn đi du học ở Malaysia.
Sau đó, qua tìm hiểu anh thấy có một số nơi như Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng… cũng có mô hình nuôi cua biển trong hộp nên quyết định đi học tập, tìm hiểu.
Khi đã tích luỹ được kinh nghiệm, anh quyết định đầu tư nhà xưởng, hệ thống máy móc để phục vụ việc nuôi cua.
“Hiện khu nhà xưởng của gia đình tôi rộng gần 400 mét vuông. Việc nuôi cua khó nhất là quá trình lấy nước biển để đưa về. Nước biển được lấy từ Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) đưa về đây, tính chi phí thì 1m3 nước biển là khoảng 500.000đ cao hơn rất nhiều so với nước ngọt sạch thông thường….”, anh Cảnh chia sẻ.
Để phục vụ việc chăm sóc cua, anh Cảnh đã thuê một kỹ sư làm việc tại nhà xưởng. Hàng ngày kỹ sư này sẽ kiểm tra cua 3 lần vào sáng, trưa, tối để xem cua phát triển hay có mắc bệnh gì không đồng thời tính toán chỉ số sinh trưởng trong nước biển.
Trung bình một ngày ở khu chăn nuôi cua của anh Cảnh sẽ bị bay hơi mất 30 – 40 lít nước. Tuy nhiên khi có mưa thì lượng nước mất đi sẽ được bù lại.
Kỹ thuật nuôi cua cầu kì, khoa học
Theo kỹ sư làm việc cho anh Cảnh, trong hệ thống tuần hoàn nuôi cua thì hạt kaldnes (như san hô) đóng vai trò vô cùng quan trọng, có tác dụng lợi khuẩn để phân huỷ chất hữu cơ lơ lửng cũng như giải phóng những chất khí ảnh hưởng đến cua. Anh cho biết, hiện có 15 m3 nước biển để cua phát triển. Số nước biển này có lượng nhất định về khoáng như đa lượng, vi lượng. Chính vì thế mỗi ngày anh sẽ đều kiểm tra nước để xem thiếu hụt gì và bổ sung để cua phát triển khoẻ mạnh.
Anh Cảnh cho hay:”Trong môi trường nước biển cua dễ sống, ở độ mặn từ 5 phần nghìn đến 30 phần nghìn/lít chúng đều sống được. Cua qua nghiên cứu thì chúng không bị ảnh hưởng bởi vận động giống như gà chạy bộ hoặc lợn thả rông. Cua chỉ cần ăn đầy đủ, ăn ngon thì thịt sẽ tự ngon và săn chắc.
Thịt cua ngon hay không còn phụ thuộc vào chất lượng của nước biển. Chất lượng nước biển độ mặn càng cao thì cua càng ngọt thịt. Độ mặn từ 20 phần nghìn/lít nước biển trở lên thì cua sẽ rất ngon…”.
Từ ngày xưa các cụ truyền lại thì vào khoảng ngày rằm (15 âm lịch) trong tháng thì nước biển dâng cao, cua không kiếm được thức ăn nên có nhiều con đói cả một tháng. Chính vì thế vào thời điểm này nhiều con cua thịt sẽ óp, nhão. Tuy nhiên, tại cơ sở của anh Cảnh, cua ngày nào cũng được cho ăn “tận mồm” ngày 3 bữa nên chất lượng được đảm bảo
Việc nhập cua từ Cà Mau ra Hà Nội bắt buộc phải vận chuyển bằng máy bay, thời gian ra đến nhà xưởng mất khoảng 1 ngày. Chính vì thế nhiều con cua ra đến nơi bị ốm, yếu, chết do không quen môi trường.
Mô hình của anh Cảnh đến nay tổng chi phí đầu tư hơn 1 tỷ đồng. Trong nhà xưởng có luôn văn phòng làm việc, nghiên cứu.
Anh chia sẻ, việc thực hiện mô hình nuôi cua trên cạn rất hay bởi bảo vệ môi trường, không phải bỏ nước, đầu ra luôn ổn định và cua cốm là loại có giá trị cao.
Giá thị trường cua cốm khoảng 840.000đ/kg loại không dây còn loại có dây khoảng 720.000đ/kg
Mô hình của anh Cảnh bắt đầu đi vào hoạt động từ tháng 12/2021 đến nay đã có nhiều lứa cua được xuất xưởng. Trung bình chu kì nuôi 35 ngày thì cua sẽ lên cốm để bán ra thị trường. Dự kiến trong thời gian sắp tới anh Cảnh sẽ mở rộng mô hình nuôi cua.
Cua cốm đặc sản
Giải thích về cua cốm đặc sản, anh Cảnh nói: Cua là loài lột xác, phải lột xác thì con cua mới lớn được. Để lột xác cua sẽ tích luỹ canxi, đạm, gạch để người to, chắc. Sau đó, cua sẽ mọc thêm lớp da bên dưới mai và lớp da này được gọi là cốm.
Khi lột được lớp mai ban đầu, con cua sẽ tăng thêm khoảng 100 gam. Khi lột thì chỉ cần 1 tiếng sau mai cua sẽ cứng lại như bình thường, lúc này sẽ không thể thu hoạch và phải bán cua thịt.
Còn cua cốm là khi cua vừa lột xong vỏ còn mềm thì sẽ bắt cấp đông để tủ và bán, giao cho khách khi cua vẫn đã mọc lớp mai mới nhưng chưa lột lớp cũ.
Anh Cảnh nói rằng cua cốm ngoài tự nhiên rất ít vì khó thu hoạch bởi cua lột nhanh và khi chuẩn bị lột thì con cua chui vào hang để ẩn náu. Chính vì thế, khi ra hàng hải sản hỏi mua cua cốm, cua 2 da rất ít khi có sẵn, phải đặt trước.
Anh tâm sự, ngày trước các cụ chế biến cua là chọc mắt để cua chết. Tuy nhiên, bây giờ khi chế biến để cua được ngon thì thực khách không cần chọc mắt mà nên cho vào tủ lạnh từ 5-7 phút rồi mang ra lau, rửa, chế biến.
Khi đưa vào tủ lạnh con cua sẽ cứng mình nhưng không chết, điều này khiến chúng giữ được máu, không gãy càng, gãy chân khi chế biến.
Anh cho biết thêm, ngoài việc nuôi cua cốm hiện trang trại của gia đình còn có dịch vụ câu cua vào cuối tuần đây là dịch vụ lần đầu có mặt tại Hà Nội.
“Thị trường Hà Nội tiếp nhận cua cốm thời gian vừa qua rất tích cực. Hiện sản phẩm của gia đình được bán lẻ trên fanpage facebook và khách đến trang trại vào cuối tuần mua mang về. Cua lên cốm đến đâu bán hết ngay đến đó, không có đủ để cung cấp…”, anh Cảnh nói.
Theo Nhịp Sống Việt