TechinAsia đưa tin, Acronis – một startup kỳ lân hoạt động trong lĩnh vực bảo mật, an ninh mạng có trụ sở tại Singapore và Thụy Sỹ đang lên kế hoạch đầu tư 50 USD cho một trung tâm R&D tại Việt Nam vào năm 2023.
T.SSerg Bell, nhà sáng lập Acronis, cho biết các nước khác trong khu vực như Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Đài Loan hay Hàn Quốc đều rất mạnh về công nghệ. Tuy vậy, Việt Nam có lẽ đang sở hữu cơ hội tốt nhất, nhờ có nhân sự chất lượng cao.
T.SSerg Bell chia sẻ, công ty sẽ tập trung vào việc tuyển dụng không chỉ kỹ sư mà còn cả nhân tài trên các lĩnh vực như bán hàng, tiếp thị, vận hành dữ liệu và an ninh mạng tại Việt Nam.
“Chúng tôi mở trung tâm R&D ở 10 quốc gia. Và Việt Nam là địa điểm lý tưởng trong khu vực để đặt trung tâm R&D cỡ vừa. Chúng tôi cũng đã đến Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Myanmar… và thấy rằng Việt Nam là nơi tốt nhất”, TS. Serg Bell khẳng định.
Theo ông, TP. HCM chỉ cách Singapore, nơi Acronis đặt trụ sở chính và trung tâm R&D, hơn 1 giờ đồng hồ di chuyển bằng máy bay. Dù vậy, công ty cũng đang cân nhắc nên đặt trung tâm R&D tại Hà Nội hay TP.HCM.
T.SSerg Bell cho biết, ông đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Đại học FPT để tìm kiếm, đào tạo và giữ chân nhân tài trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Ngoài ra, Acronis cũng đã ký một biên bản ghi nhớ với FPT, với mục tiêu phát triển nguồn nhân lực người địa phương cho trung tâm R&D sắp được xây dựng tại Việt Nam.
Startup Acronis được thành lập tại Singapore năm 2003 và hợp nhất với học viện SIT năm 2008 tại Thụy Sỹ. Hiện có hơn 2.000 nhân viên của doanh nghiệp này đang làm việc tại các văn phòng ở 34 địa điểm khác nhau trên toàn thế giới.
Tính đến nay, Acronis đã huy động thành công 400 triệu USD trong các vòng gọi vốn, với định giá lên tới 2,5 tỷ USD. Ước tính có hơn 5,5 triệu người dùng gia đình và 500.000 doanh nghiệp đang tin dùng các sản phẩm của Acronis.
Bên cạnh đó, các đội tuyển thể thao chuyên nghiệp hàng đầu thế giới cũng là tệp khách hàng lớn của công ty. Acronis có hơn 50.000 đối tác phân phối sản phẩm và cung cấp dịch vụ tại trên 150 quốc gia, với 26 ngôn ngữ khác nhau.
Trọng Trần–Theo Nhịp sống kinh tế