Ở nhiều gia đình Châu Á, một quan niệm dạy con sai lầm khi cho rằng điểm số là thước đo quan trọng nhất để đánh giá tiềm năng thành công của 1 đứa trẻ.
Ngay từ nhỏ, Xiaodong đã có thành tích học tập nổi trội. Trong mắt cha mẹ, cậu bé là niềm tự hào của gia đình, vì không chỉ học giỏi mà còn ngoan ngoãn. Cậu luôn vâng lời người lớn và thầy cô, suốt ngày cặm cụi cho việc học, không có dấu hiệu chơi bời lêu lổng như những đứa trẻ khác.
Với điểm số các môn học luôn đứng thứ nhất – thứ nhì cả lớp, thật không khó để Xiaodong thuận lợi đỗ vào 1 trường đại học top đầu. Những người hàng xóm đều hết mực khen ngợi Xiaodong, cho rằng cậu chính là hình mẫu “con nhà người ta” mà những đứa trẻ nên noi gương theo.
Không ngờ rằng, sau khi ra trường, Xiaodong gặp rất nhiều khó khăn để làm quen với môi trường xã hội và tìm kiếm việc làm. Với công việc đầu tiên, anh không thể chịu được áp lực của nhịp sống công sở gấp gáp, và chỉ một thời gian ngắn sau là nộp đơn xin thôi việc.
Trong khi những người bạn đồng trang lứa đã bắt đầu khởi nghiệp và giàu lên nhanh chóng, thế nhưng Xiaodong không dám nghĩ đến ý tưởng này. Đã ra trường từ lâu, song Xiaodong vẫn chỉ quanh quẩn ở những công việc với mức lương bình thường, nếu chi tiêu hợp lý thì cũng chỉ vừa đủ sống ở thành phố đắt đỏ.
Cha mẹ của Xiaodong bắt đầu lo lắng cho tương lai của con trai. Họ thầm nghĩ, con trai luôn đạt điểm số tốt ở trường, đáng lẽ con đường sự nghiệp phải rộng mở, vậy tại sao tìm kiếm 1 công việc ổn định lại khó khăn đến thế?
Hiệu trưởng trường Đại học Thanh Hoa, trường Đại học số 1 Châu Á (theo bảng xếp hạng của Times Higher Education công bố năm 2022) đã chia sẻ vế vấn đề này: “Hiện nay có rất nhiều học sinh có năng lực học tập xuất sắc. Đây là kiểu học sinh được giáo viên và phụ huynh ưa thích. Có rất nhiều gia đình cố gắng ‘định hướng’ con để trở thành đứa trẻ có vẻ ngoài ngoan ngoãn và học giỏi như vậy.
Tuy nhiên khi bước ra môi trường xã hội, nhược điểm của nhóm học sinh này là khả năng thích ứng không cao, một số kỹ năng cần thiết như kỹ năng tư duy, phản biện, vượt qua khó khăn… còn hạn chế dẫn đến sự nghiệp giậm chân tại chỗ. Đây chính là ví dụ của những đứa trẻ ‘thông minh giả’. Nói cách khác, dùng điểm số để đánh giá tiềm năng của một đứa trẻ là hoàn toàn sai lầm”.
Vị hiệu trưởng này còn chỉ ra 3 biểu hiện của những đứa trẻ “thông minh giả”. Cha mẹ cần thận trọng khi con có một trong những biểu hiện dưới đây, kể cả khi đứa trẻ có thành tích học tập xuất sắc:
- Đứa trẻ học giỏi nhưng giao tiếp xã hội kém
Có rất nhiều học sinh có thành tích học tập đứng đầu lớp, dễ dàng đạt điểm A trong các kỳ thi nhưng lại gặp khó khăn khi giao tiếp xã hội. Những đứa trẻ như vậy thường có một số biểu hiện khác như dễ tự ti, nhút nhát, ngại phát biểu trước đám đông, không có chính kiến.
Khi còn nhỏ, trong môi trường học đường chưa có nhiều tính cạnh tranh, trẻ vẫn dễ dàng trở thành “con nhà người ta”, là niềm tự hào của cha mẹ bởi thành tích học tập xuất sắc. Song khi bước chân vào các tổ chức, chúng sẽ gặp rắc rối trong mối quan hệ với đồng nghiệp, khó đạt được đỉnh cao trong sự nghiệp vì khả năng làm việc nhóm kém, tính chủ động trong công việc thấp.
- Trẻ có khả năng tự chăm sóc bản thân kém
Ngày nay, có rất nhiều trẻ em được gia đình nuông chiều, thậm chí không cần làm việc nặng vì bố mẹ cho rằng nhiệm vụ quan trọng nhất của con là học tập. Những học trò này chỉ cần phấn đấu đạt điểm cao, còn những chuyện khác bị xem là “nhỏ nhặt” như ăn uống, ngủ nghỉ, đi học hàng ngày… đều có bố mẹ lo.
Hệ luỵ khi cha mẹ lo từng tí một cho con cái là đứa trẻ trưởng thành thiếu tính tự lập, không biết tự chăm sóc cho bản thân và thiếu kiến thức xã hội trầm trọng. Khi đứa trẻ trưởng thành, phải tự mình bước đi, hoà nhập môi trường hiện đại, chúng sẽ khó lòng đương đầu với khó khăn vì quen làm “cậu ấm, cô chiêu”.
- Trẻ ỷ lại vào bố mẹ
Hầu hết những đứa trẻ ngày nay được xem là “báu vật” của gia đình. Nhiều đứa trẻ bị chiều quá sinh hư, bắt đầu hình thành tính cách ỷ lại vào bố mẹ. Bất cứ khi nào gặp khó khăn, con liền gọi ngay cho người lớn, mè nheo đủ mọi kiểu thay vì nghĩ cách giải quyết. Còn cha mẹ thì luôn đáp ứng nhu cầu của con vô điều kiện, chỉ cần con kêu khổ là cha mẹ vội vàng dỗ dành và giúp đỡ.
Nếu thấy con có biểu hiện này, cha mẹ cần phải giáo dục và uốn nắn con nghiêm khắc. Cần phải kiên quyết từ chối những yêu cầu bất hợp lý của con. Sau nhiều lần như vậy, trẻ sẽ tự hiểu cần phải học cách giải quyết vấn đề, và trông cậy vào bố mẹ quá mức chỉ làm mọi việc tệ hơn.
Nguồn: Sohu-Theo Dương–Trí thức trẻ