“Sự khác biệt duy nhất giữa các tay chơi là những người đứng đầu dám tham vọng tới đâu, vĩ cuồng tới đâu, suy nghĩ một bức tranh lớn tới đâu…?”, CEO 9x của Lozi Nguyễn Hoàng Trung chia sẻ.
9x bỏ học khởi nghiệp được Forbes vinh danh
Những năm 2014 – 2015, Lozi thường được đặt lên bàn cân so sánh với Foody khi cả hai startup này đều thiên về review món ăn, nhà hàng. Đến cuối năm 2017, Lozi chuyển hướng trở thành một công ty cung cấp dịch vụ thương mại điện tử và giao hàng trong vòng 1 giờ.
“Tôi tin là nhu cầu hiện tại chưa được đáp ứng tốt bởi tất cả những đối thủ. Người tiêu dùng vẫn đang chờ đợi một công ty nào đó có thể phục vụ được họ“, CEO Lozi Nguyễn Hoàng Trung chia sẻ trên chương trình Cà phê khởi nghiệp mới đây.
Nguyễn Hoàng Trung sinh năm 1992. Chàng trai sinh tại Quảng Ngãi này từng nhận được học bổng toàn phần của Học viện KAIST (Hàn Quốc), nhưng học được 2 năm thì Trung bỏ về Việt Nam khởi nghiệp.
“Người ta làm được thì mình cũng làm được. Nếu đã mơ tại sao không mơ cho lớn, không làm những điều vĩ cuồng hơn?”- Trung bảo thế
Trung được Forbes vinh danh trong danh sách Top 30 under 30 Việt Nam năm 2015, Top 30 under 30 châu Á năm 2017.
“Từng có kinh nghiệm đi du học ở nước ngoài, tôi nhận ra người Việt chúng ta không thua kém bất kỳ một đất nước nào khác. Chúng ta có những lập trình viên giỏi, chúng ta có những người marketing sáng tạo. Điều quan trọng của chúng ta là chúng ta có dám nghĩ lớn, làm lớn, và tôi tin đây là thời điểm chúng ta hoàn toàn có thể làm được“, Trung chia sẻ về lối rẽ sang thương mại điện tử, không ngại đương đầu với các ông lớn cả nước ngoài và Việt Nam.
Hiện Lozi có 2 app hướng tới người dùng: Một là Lozi – nền tảng app được xây dựng từ mô hình review đồ ăn cũ, chuyển sang mô hình kinh doanh thương mại điện tử C2C (Customer to Customer – người dùng bán cho người dùng).
Hai là Loship – mô hình thương mại điện tử khá giống Now của Foody với các dịch vụ Giao đồ ăn Loship, Đi chợ Lomart, Giặt ủi Lozat, Mua thuốc Lomed, Giao đồ Lo-Send, Mua đồ thú cưng Lo-Pet, Giao hoa Lo-Hoa.
Chuyện “mơ lớn” và “vĩ cuồng” của những chiến binh Lozi
Khi được hỏi về lợi thế của Lozi so với các đối thủ ngoại lâu năm, lại “mạnh vì gạo, bạo vì tiền”, CEO 9x cho biết khi làm kinh doanh thì anh không nhìn quá nhiều vào đối thủ, mà nhìn vào những gì mình đang làm. Lozi, bên cạnh lợi thế am hiểu địa phương, còn có lợi thế trong việc chăm sóc đội ngũ tài xế – những chiến binh của Loship, theo lời Trung.
Theo Trung, để tránh được cuộc chiến “đốt tiền” của các ông lớn, Lozi xây dựng chiến lược riêng trong việc chăm sóc tài xế và giữ chân họ, như áp dụng công nghệ số giúp tăng lượng đơn hàng giao được trên cùng 1 cung đường, qua đó tăng thu nhập cho tài xế; miễn phí rửa xe, sạc điện thoại, trà đá cho tài xế. Đồng thời, hỗ trợ tài xế tiếp cận vay vốn và vay tiêu dùng cá nhân.
Trong khi xu hướng của các mô hình hiện tại là xây dựng một siêu ứng dụng (super app), vì sao Lozi lại quyết định duy trì 2 app riêng biệt là Lozi và Loship?
“Một điểm trong sai lầm ngày xưa của tôi là đưa tất cả vào một app mà quên mất cuối cùng là “tôi lên đây để làm gì”. Hành vi cơ bản của người dùng mà các công ty phải tự hỏi là: Người ta tải app của bạn thì người ta lên để làm gì? Vì sao Facebook và Messenger lại tách ra? Vì sao Zalo và ZaloPay lại tách ra? Tôi không nghĩ tôi đang đi ngược dòng, khi 2 hành vi của người dùng là khác nhau“, Trung phân tích.
Kế hoạch năm 2019, Lozi sẽ mở ra tới 20 dịch vụ trên ứng dụng, đồng thời mở rộng quy mô hoạt động ra 10 tỉnh thành trên cả nước.
“Thị trường có nhiều ông lớn, vì sao Trung không ngại đương đầu với họ?” – MC chương trình Cà phê khởi nghiệp đặt câu hỏi.
“Sự khác biệt duy nhất giữa các tay chơi là những người đứng đầu dám tham vọng tới đâu, vĩ cuồng tới đâu, suy nghĩ một bức tranh lớn tới đâu. Việt Nam mình hoàn toàn có thể viết được câu chuyện một CEO 9x tạo được công ty tỷ USD. Tôi muốn tôi là người viết nên câu chuyện đó”.
“Người ta làm được thì mình cũng làm được. Nếu đã mơ tại sao không mơ cho lớn, không làm những điều vĩ cuồng hơn?“, Trung cười.
Bảo Bảo