Những người vượt qua khổ nạn sẽ trở thành những chiến binh thực thụ trong cuộc sống. Còn những người bị khó khăn đánh bại sẽ luôn chán nản u uất, làm việc gì cũng chẳng thể thành công.
Trong cuộc đời mỗi con người chúng ta, ai ai cũng gặp phải muôn vàn những khó khăn thử thách.
Có người bất lực tức giận, chán nản buông xuôi khi gặp khó khăn. Nhưng có những người sau cú ngã lại mạnh mẽ đứng dậy bước tiếp.
Nếu một người dám đối mặt, vượt lên khó khăn, cân bằng lại cuộc sống sau những biến hóa đổi thay thì người đó được gọi là người có “năng lực phục hồi”.
Schopenhauer từng nói: “Trừ việc vượt khó là mục đích sống chân thực nhất ra thì cuộc đời chẳng có mục đích nào đáng nói cả”.
Những người vượt qua khổ nạn sẽ trở thành những chiến binh thực thụ trong cuộc sống. Còn những người bị khó khăn đánh bại sẽ luôn chán nản u uất, làm việc gì cũng chẳng thể thành công.
(1)
Trên facebook có một người bài đăng trải lòng về quãng thời gian khó khăn của mình như thế này:
Bố anh ốm nặng phải phẫu thuật. Anh gần như đã phải dùng hết số tiền tiết kiệm của gia đình. Sau đó, việc kinh doanh của gia đình bị thua lỗ. Những cuộc gọi đòi nợ hàng ngày khiến anh gần như suy sụp.
Một người đàn ông 30 tuổi nghèo đến mức không có tiền ăn cơm. Sinh hoạt hàng ngày của anh đều chắp vá tạm bợ, ngay cả uống một chai nước ngọt cũng cảm thấy xa xỉ.
Anh kể: “Khoảng thời gian ấy, tôi làm thêm rất nhiều công việc. Lúc thì giao đồ ăn, lúc thì làm chuyển phát nhanh. Những ngày trời mưa hay tuyết rơi ướt sũng cả người. Đôi khi cảm thấy quá tủi nhọc, đêm về một mình nằm trên giường mà nước mắt cứ thế lã chã rơi.”
Dù cuộc sống khó khăn, anh không bao giờ oán trách hay than phiền cùng ai. Anh thường tự an ủi bản thân rằng mọi chuyện rồi sẽ ổn.
Cuộc sống có thể chặn của anh con đường này, nhưng không thể ngăn cản anh theo đuổi con đường mới.
Có người cho rằng, người chưa bật khóc nức nở trong đêm dài thì chưa trải đủ chuyện đời.
Khi bị cuộc đời vùi dập, tại sao một số người dù đã cố gắng hết sức vẫn không thể vượt qua?.
“3P” của nhà tâm lý học Martin Seligman sẽ giải thích cho bạn biết lý do tại sao con người không thể tiến về phía trước khi họ chìm trong đau khổ và tuyệt vọng.
“3P” ở đây lần lượt là tâm lý cá nhân, sự lan tỏa và tính vĩnh cửu .
Tâm lý cá nhân là khi gặp rắc rối, bạn sẽ nghĩ rằng mọi điều xui xẻo đều là lỗi của mình.
Ví dụ khi con bạn bị ốm, bạn sẽ nghĩ rằng mình chưa chăm sóc tốt cho con. Khi bị người yêu lừa dối phản bội, bạn sẽ nghĩ rằng bản thân chưa đủ tốt …
Tuy nhiên, việc liên tục dằn vặt tự trách bản thân không những không giải quyết được vấn đề, mà còn làm bạn thêm gánh nặng tâm lý và kéo bản thân xuống vực sâu hơn.
Sự lan tỏa là khi có điều tồi tệ nào đó xảy ra, bạn để những tổn thương đó ảnh hưởng đến tất cả các khía cạnh trong cuộc sống.
Ví dụ, nếu bạn bị chỉ trích một lần, bạn sẽ cảm thấy mình không tốt chút nào. Chỉ cần một tai nạn nhỏ xảy ra, bạn sẽ cảm thấy cuộc sống hoàn toàn vô vọng.
Trên thực tế, hầu hết những điều bất hạnh mà bạn tưởng tượng không thực sự xảy ra. Cái gọi là nỗi đau chỉ là kết quả của sự khuếch đại những cảm xúc tiêu cực cá nhân.
Tính vĩnh cửu là khi người trải qua một nỗi đau nào đó tin rằng sự khổ đau đó sẽ tồn tại đến suốt cuộc đời.
Ví dụ: Nếu người bạn yêu bỏ đi, bạn sẽ nghĩ rằng bạn sẽ chẳng bao giờ có thể hạnh phúc nữa. Nếu bạn thất bại trong việc khởi nghiệp, bạn cảm thấy rằng mình sẽ chẳng bao giờ có thể thành công.
Lối suy nghĩ tiêu cực kéo dài và chìm đắm trong nỗi đau này có thể khiến mọi người rơi vào tình trạng tuyệt vọng sâu sắc về tương lai.
(2)
Cựu Phó chủ tịch Google, người phụ nữ quyền lực nhất thế giới – Sheryl Sandberg – đã có một sự nghiệp tỏa sáng và cuộc sống viên mãn hạnh phúc.
Nhưng vào năm cô 40 tuổi, một bi kịch đã xảy ra. Người chồng cùng cô đầu gối tay kề suốt 11 năm – Dave Goldberg – đột ngột qua đời, bỏ lại cô với những đứa con thơ dại.
Trong vài tháng đầu tiên sau khi Dave ra đi, cô luôn chìm đắm trong nỗi đau. Cuộc sống của cô vô cùng hỗn loạn.
Cô không ngừng tự trách bản thân. Cô cảm thấy bản thân trước đây chưa đủ quan tâm chăm sóc chồng. Những cảm xúc tiêu cực đó không chỉ ảnh hưởng đến công việc, thậm chí nó còn ảnh hưởng cả đến cuộc sống của những người xung quanh cô.
Cô luôn nghĩ rằng chồng mình đã vĩnh viễn ra đi, các con sẽ chẳng thể nào có một tuổi thơ hạnh phúc nữa và cô cũng không còn được hạnh phúc.
Vì vậy, dù ở bên đường trong xe hơi hay trong các cuộc họp, cô đều không thể kìm được nước mắt khi nghĩ đến Dave.
Trong cuốn sách Sự Lựa Chọn Tối Ưu Thứ 3, cô viết: “Tôi rơi vào khoảng không. Sự trống rỗng xâm chiếm lấy trái tim và lá phổi của tôi. Nó làm hạn chế khả năng tư duy, thậm chí là hô hấp của tôi”
Lúc này, bạn của cô, Adam Grant, một nhà tâm lý học nổi tiếng đã nói với cô rằng: “Chúng ta có thể lên kế hoạch từng bước để lấy lại cân bằng sau những nỗi đau mà chúng ta phải chịu. Mỗi chúng ta khi sinh ra không ai vốn đã có khả năng tự phục hồi, tự lấy lại cân bằng sau mất mát, bởi nó được trau dồi và cải thiện trong quá trình sống.”
Dưới sự giúp đỡ của Grant, Sheryl từng bước vá lành trái tim tan nát của mình và lấy lại dũng khí để sống tiếp.
Vào năm 2020, Sheryl đã bước ra khỏi mất mát, tuyên bố đính hôn và bắt đầu cuộc hành trình mới.
Kết hợp kinh nghiệm cá nhân thực tế của mình cùng với nghiên cứu của Adam về xây dựng khả năng phục hồi, cô đã cho ra đời cuốn Sự Lựa Chọn Tối Ưu Thứ 3. Đây là một cuốn sách phân tích chuyên sâu và xây dựng chi tiết về năng lực phục hồi, giúp con người ta tự cứu chính mình ra khỏi những tuyệt vọng khổ đau mất mát.
Sheryl nói: “Bây giờ tôi mới biết rằng một người sẽ tiếp tục trưởng thành sau những tổn thương. Nhưng không cứ nhất thiết phải trải qua đau khổ mới có được năng lực phục hồi. Chúng ta hoàn toàn có thể chuẩn bị tốt tinh thần đối mặt với những khó khăn trở ngại trong cuộc sống.”
Trong sách có một câu chuyện như thế này. Một cư dân mạng tên Virginia có một gia đình hạnh phúc. Nhưng vào năm bà 53 tuổi, chồng bà đột ngột qua đời. 6 năm sau, con trai bà qua đời ngay đêm trước đám cưới con gái do khi sử dụng heroin quá liều. Nhưng người mẹ này vẫn nén đau thương tổ chức đám cưới cho con gái vào ngày hôm sau.
Không lâu sau đó, Virginia đã hợp tác với các trường học trên địa bàn tổ chức chiến dịch phòng chống ma túy. Bà cùng với nhiều phụ huynh và chuyên gia tư vấn đã thành lập các nhóm hỗ trợ cai nghiện.
Ý thức và trách nhiệm với sứ mệnh mới cho phép bà vượt qua nỗi đau bắt đầu một cuộc sống mới. Bà nói:”Cái chết của chồng và con trai tôi đã dệt nên cấu trúc cuộc đời tôi. Nhưng chúng không thể định nghĩa và sắp đặt được cuộc đời tôi”.
Các nhà tâm lý học cũng phát hiện ra rằng mọi người thường tìm thấy mục đích và ý nghĩa của cuộc sống sau khi trải qua một nỗi đau lớn.
Tôi từng đọc được một câu hỏi “Bạn đã có những khoảnh khắc hạnh phúc nào trong năm nay?”
Người ta thấy rằng hầu hết những khoảnh khắc hạnh phúc đều có được sau khi trải qua một khoảng thời gian dài trầm lặng, thậm chí là đau đớn.
Một cư dân mạng khác cho biết:
Sau khi tốt nghiệp, cô ròng rã tìm việc nửa năm trời, phỏng vấn vô số công ty. Một mình đi khắp các tòa nhà văn phòng ở Bắc Kinh, kể cả những văn phòng trong ngóc ngách vô cùng hẻo lánh xa xôi.
Khó khăn lắm mới được một công ty nhận vào làm. Cô cảm thấy những đồng nghiệp xung quanh đều vô cùng tài giỏi. Ngày nào cô cũng tăng ca nhưng vẫn không thể theo kịp tiết tấu của họ. Ba tháng thử việc cứ thế trôi qua, cô nghĩ việc chuyển chính thức chỉ là vô vọng. Vì vậy cô bắt đầu tìm kiếm công việc mới. Kết quả là cô bất ngờ nhận được thông báo trở thành nhân viên chính thức của nhân sự. Bên trên còn có lời nhận xét của lãnh đạo: chăm chỉ nỗ lực và chịu khó học hỏi.
Gần một năm tối tăm u ám phút chốc bỗng được một tia sáng chiếu rọi.
Như Cheryl từng nói: “Khi cuộc đời ráng cho bạn một cái tát và ném bạn vào bể đau thương, thì tất cả những gì bạn cần phải làm là cố gắng bơi lên mặt nước và hít thở lại.”
Có một câu trong “Wild Survival” mà tôi rất thích: Bạn không cần phải trở nên cao lớn, nhưng nhất định phải trở nên mạnh mẽ.
Chỉ khi có một nội tâm vững vàng, chúng ta sẽ không còn dễ dàng bỏ cuộc và mất phương hướng nữa.
Theo Đình Trọng–Theo Trí Thức Trẻ