Nguồn vốn ông Thành, (thôn Hòa An, xã Tam Hòa, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) đầu tư cho nuôi tôm lên đến hơn 50 tỷ đồng. Nuôi tôm quanh năm giúp ông có doanh thu khoảng 60 tỷ đồng/năm, lợi nhuận 15 – 20 tỷ
Bí quyết của tỷ phú nuôi tôm CPF-Combine
Nuôi tôm thẻ chân trắng thành công với mô hình mới CPF-Combine, ông Trần Công Thành (thôn Hòa An, xã Tam Hòa, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) sẵn sàng chia sẻ bí quyết giúp người nuôi tôm trên địa bàn tỉnh áp dụng.
Thắng lớn với công nghệ mới
Ông Trần Công Thành đang đầu tư nuôi tôm theo mô hình mới CPF-Combine trên 7ha với 16 ao xử lý nước, 8 ao ương tôm giống, 21 ao nuôi tôm thương phẩm và 2 ao xử lý nước thải trước khi xả ra môi trường.
Quy trình nuôi tôm của ông Thành chặt chẽ với 4 giai đoạn, gồm ương nuôi tôm giống với mật độ cao 2.000 con/m2, sau 15 – 20 ngày nuôi chuyển qua giai đoạn 2 với mật độ 700 con/m2, sau 20 ngày nuôi chuyển qua giai đoạn 3 với mật độ 300 con/m2, sau 20 ngày nuôi chuyển sang nuôi thương phẩm với mật độ 100 con/m2.
Nguồn vốn ông Thành đầu tư cho nuôi tôm lên đến hơn 50 tỷ đồng. Nuôi tôm quanh năm giúp ông có doanh thu khoảng 60 tỷ đồng/năm, lợi nhuận 15 – 20 tỷ đồng/năm. Nuôi tôm CPF-Combine của ông Trần Công Thành là nuôi tôm an toàn sinh học, ở mỗi ao nuôi tôm có lưới che, hạn chế tác hại của nắng nóng, ngăn chim và các động vật khác xâm nhập, dưới đáy ao lót bạt, hệ thống sục khí hoạt động liên tục cung cấp đủ ô xy cho tôm.
Ông Thành đặc biệt quan tâm đến môi trường nước, quản lý nước ao nuôi tôm bằng chế phẩm sinh học. Cả 16 ao xử lý nước được ông Thành bố trí tuần hoàn, bước 1 xử lý bằng PAC và thuốc tím, bước 2 xử lý bằng Chlorine. Nước sạch sau khi cho vào các ao nuôi tôm được kiểm tra thường xuyên để cân bằng các chỉ tiêu nhất là độ mặn, kiềm, pH.
“Ngoài yếu tố sạch của môi trường nước, tôi dùng các chất khoáng để “kích” quá trình sinh trưởng, phát triển của tôm nuôi” – ông Thành nói. Nhờ không sử dụng kháng sinh nên tôm thương phẩm của ông Thành đáp ứng các quy định khắt khe về an toàn thực phẩm để chế biến xuất khẩu sang các thị trường khó tính như châu Âu, Mỹ, Nhật.
Mô hình CPF-Combine của ông Thành đã chứng minh được hiệu quả rất rõ, nguồn nước sạch duy trì, cho tôm ăn bằng máy, thức ăn không hao hụt, tôm dễ chăm qua từng giai đoạn nuôi, tỷ lệ sống của tôm nuôi cao, tôm lớn nhanh, đồng đều ở kích cỡ lớn, chỉ 25 – 30 con/kg.
Điểm đến của người nuôi tôm
Để có được thành công của ngày hôm nay, ông Thành đã lặn lội tham quan, tìm hiểu, học hỏi các cách thức nuôi tôm ở các tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận, Bạc Liêu, Sóc Trăng, nhất là sang Thái Lan để chứng thực hiệu quả của nuôi tôm công nghệ cao áp dụng đồng bộ các quy trình kỹ thuật. Sau khi thành công với mô hình CPF-Combine, ông Thành luôn rộng mở, đón hàng trăm lượt hộ nuôi tôm trên địa bàn tỉnh đến học tập.
“Tôi luôn cập nhật ứng dụng các phương pháp nuôi tôm an toàn trong và ngoài nước nên lúc nào cũng chia sẻ với người nuôi tôm. Quảng Nam có tiềm năng rất lớn, cần cải tiến phương pháp nuôi tôm để đem lại lợi ích lớn cho cộng đồng người nuôi tôm” – ông Thành nói.
Bí quyết nuôi tôm của ông Trần Công Thành là tốc độ tăng trưởng cao, tỷ lệ sống cao và số vụ nuôi cao; giảm chi phí; nâng giá trị lợi nhuận. Ông Thành nói, điều quan trọng nhất trong nuôi tôm là phải đầu tư đúng, đầu tư đủ, tùy theo nguồn lực, không nhất thiết nuôi tôm tràn lan, thiếu kiểm soát mà phải chắc chắn. Các hộ nguồn tài chính chưa lớn có thể áp dụng nuôi tôm CPF-Combine mini.
Trên quỹ đất sẵn có, bố trí ao xử lý nước, ao chứa lắng, ao nuôi thương phẩm và hệ thống xử lý nước thải, các ao vừa tuần hoàn vừa khép kín giúp môi trường nuôi tôm được trong lành, con tôm an toàn trước dịch bệnh, nhà nông có thể nuôi quanh năm mà tránh được rủi ro, thất thu.
Ngay giữa trang trại nuôi tôm, ông Trần Công Thành đầu tư một không gian học tập đủ sức chứa hàng trăm nông hộ đến học hỏi kinh nghiệm nuôi tôm. Các buổi tập huấn kỹ thuật nuôi tôm của ông Thành không nặng về sách vở, người tham gia học được những điều cốt lõi, cần thiết nhất cho nghề nuôi tôm của mình.
Việt Nguyễn (Báo Quảng Nam)